Từ chiếc thuyền nan đến nước Úc

Từ chiếc thuyền nan đến nước Úc
Nhiều năm thực hiện chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” cho các sinh viên Quảng Trị, tôi đã tiếp xúc với nhiều cuộc đời, nhiều số phận. Trong số đó, chưa sinh viên nào có một “hành trình bất khuất” đến với ước mơ như Đào Thị Hằng.

Thư Trường Sa của 112 thủ khoa Hà Nội
> Nữ thủ khoa muốn trồng rau ở Trường Sa

Hằng hiện ở thành phố Adelaide, bang Nam Úc (Úc) để học chương trình cao học về năng lực lãnh đạo. Con đường đến với suất học bổng trị giá 112.000 đôla Úc của Bộ Ngoại giao Úc là câu chuyện của lòng kiên trì vô bờ bến.

Chiếc thuyền nan chở ước mơ

Tròn bảy năm trước, Đào Thị Hằng đậu thủ khoa vào Trường ĐH Nông lâm Huế. Nhà Hằng nghèo bậc nhất của thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong, Quảng Trị): cả nhà trông cậy vào chiếc thuyền nan của người bố làm nghề chài lưới trên sông Thạch Hãn. Cuộc sống cả nhà và sáu đứa con trông nhờ vào những mớ cá nhỏ đánh bắt được từ sông. Hằng là con đầu. Bố Hằng dằn vặt: “Tui là nông dân, cần cù chịu khó chứ đâu có lười nhác gì, vậy mà làm quần quật cũng không đủ nuôi con. Biết con đậu đại học, mừng thì cũng mừng nhưng không biết lấy tiền đâu cho con nhập trường!”.

Học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ đã tiếp sức cho Hằng cơ hội đến giảng đường. Bốn năm học ở Huế, Đào Thị Hằng luôn là sinh viên xuất sắc trong số các sinh viên nhận học bổng.

Vẫn khó khăn. Nhiều lúc Hằng ngỡ không thể tiếp tục hành trình học hành. Vậy mà Hằng vẫn học và học giỏi, năm học thứ 3 được chọn trong nhóm sinh viên tiêu biểu của Trường ĐH Nông lâm Huế đi thực tập tại Nhật Bản. Tháng 7-2008, Đào Thị Hằng tốt nghiệp kỹ sư ngành trồng trọt với kết quả học tập và rèn luyện xếp loại xuất sắc.

Nhưng giấc mơ của Hằng không dừng lại ở đó.

Hành trình bất khuất

Tốt nghiệp đại học, từ Quảng Trị Hằng khăn gói vào Đà Nẵng tìm việc làm thêm để mong học tiếp ngoại ngữ, hầu tìm cơ hội xin học bổng du học.

Hằng bảo đã suy nghĩ kỹ về việc đi làm hay đi học tiếp, nhưng chỉ có cách học tiếp may ra mới thực hiện hoài bão của mình, dù trước mắt sẽ phải chịu nhiều gian khó. Hằng dự học lớp trình độ trung cấp của Trung tâm ngoại ngữ ILA chi nhánh Đà Nẵng. Để trang trải việc ăn ở, Hằng đi làm gia sư.

Để hoàn thành khóa học, đạt được trình độ tiếng Anh có thể xin được học bổng du học, Hằng phải học sáu cấp lớp, mỗi cấp lớp học trong hai tháng. Mức học phí cho mỗi cấp lớp là 231 USD, như vậy để học xong sáu khóa Hằng phải đóng 1.386 USD. Với một cô sinh viên vừa ra trường đang làm gia sư để tự nuôi mình đi học, mức học phí ngần ấy quả là quá lớn và quá sức.

Câu chuyện của Hằng - lúc này - được viết trên Tuổi Trẻ như một lời băn khoăn: “Biết làm sao vươn tới tầm cao” (Tuổi Trẻ ngày 16-11-2008). Ngay sáng hôm đó ông Dương Quang Thiện - một người Quảng Trị rất tâm huyết với báo Tuổi Trẻ trong 20 năm thực hiện chương trình “Vì ngày mai phát triển” - ngỏ lời giúp đỡ Hằng.

Sau đó vợ chồng ông đã giúp học phí và định hướng việc học của Hằng. Một cá nhân hảo tâm khác là ông Lâm Chí Huy ở Công ty CTC, TP.HCM đã tạo điều kiện cho Hằng đi dạy kèm tiếng Anh tại Đà Nẵng và hỗ trợ một khoản tiền tương đương học phí để Hằng trang trải chi phí, tập trung hoàn thành tốt việc học ngoại ngữ.

Những chân trời mới

Hằng đã hoàn thành xuất sắc sáu khóa học tiếng Anh tại ILA trong một năm để có chứng chỉ IELTS, sau đó vừa đi làm cho dự án phát triển nông thôn của Phần Lan vừa tìm kiếm học bổng. Chỉ mấy tháng sau khi nộp đơn, Hằng đã được Bộ Ngoại giao Úc tài trợ học bổng ALA (năng lực lãnh đạo) học tại ĐH Adelaide trị giá 112.000 đôla Úc. Hằng chọn học ngành quản lý carbon “bởi nó liên quan đến vấn đề bảo vệ môi truờng, giảm đói nghèo và tăng cường an ninh lương thực”.

Hiện giờ Hằng đã tính đến chuyện học tiếp tiến sĩ ở Trường ĐH Masley của New Zealand nếu điều kiện cho phép, bởi bạn còn một suất học bổng dự bị ở đó.

Chân trời mới đang mở ra trước mắt Hằng. Câu chuyện về Hằng được kể hôm nay ở đây không ngoài mong muốn các bạn sinh viên nghèo hãy luôn ước mơ và bền lòng cho khát vọng. Khát vọng chinh phục đỉnh cao tri trức của học trò miền đất Quảng Trị vốn đã là niềm tự hào từ bao đời nay, và ngày càng được vun đắp bởi những người như cô sinh viên nghèo Đào Thị Hằng.

“Người nghèo và nông dân là hai đối tượng dễ bị tổn thương nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, sản xuất nông nghiệp là kế sinh nhai chính của gần 70% nông dân, do vậy Việt Nam đang đứng trước nguy cơ về mất đất sản xuất nông nghiệp, đất đai bị mặn hóa do mực nước biển dâng. Phải giúp người nông dân nghèo ứng phó với các điều kiện bất lợi trước mắt và trong tương lai, đặc biệt trong sản xuất nông lâm nghiệp. Mặt khác, theo cơ chế... các nước giàu, công nghiệp phát triển buộc phải trả tiền cho các nước nghèo, đang phát triển để bù đắp những phí tổn do nước giàu gây ra mà nước nghèo như Việt Nam phải gánh chịu. Quyền lợi này phải được đấu tranh”. - Đào Thị Hằng

Theo Lê Đức Dục
Tuổi trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG