Tự bạo hành?

Ca sĩ Justin Timberlake trong chiến dịch ở Mỹ chống lại nạn biến trẻ em thành nô lệ tình dục
Ca sĩ Justin Timberlake trong chiến dịch ở Mỹ chống lại nạn biến trẻ em thành nô lệ tình dục
TP - Đã bao giờ đàn ông tự hỏi bất bình đẳng giới gây thiệt hại cho… đàn ông đến mức nào chưa?

> Mai Khôi hát về bình đẳng giới

Chúng ta thường nói đến nạn bạo hành, với đàn ông là chủ thể và phụ nữ là đối tượng. Nhưng tác động ngược trở lại của hành động bạo hành đối với bản thân người đàn ông và những người cùng giới của anh ta, chúng ta đã bao giờ xem xét chưa?

Câu trả lời là “rồi”.

Tại Hội nghị Quốc gia về Phòng, chống Bạo lực gia đình tại Hà Nội sáng 27-9, người viết bài này để ý thông điệp từ một nghiên cứu được trình bày: “Nhìn nhận nét nam tính mới là yêu thương, chia sẻ để không gây bạo hành”.

Để hiểu “nét nam tính mới”, có lẽ phải tìm về “nét nam tính cũ”. Cách hiểu về nam tính lâu nay là những phẩm chất như có sức khỏe, sự quyết đoán, không sợ hãi, độc lập, tự chủ và tham vọng.

Các yếu tố này được nhà hoạt động nữ quyền người Ấn Độ Kamla Bhasin nêu ra trong cuốn Những nghiên cứu về đặc điểm nam tính. Sách đã được Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên - CSAGA - dịch ra tiếng Việt.

Nam tính, cho đến nay vẫn được coi là một ưu điểm của đàn ông. Nhưng đó là khi người ta chưa nhìn ra những góc tối của nó. Ngày nay chẳng hiếm gì những quảng cáo thuốc tăng cường hooc môn sinh dục, trong đó mô tả người đàn ông (sau khi dùng thuốc) như những chiến binh dũng mãnh.

(Quảng cáo kiểu Việt Nam thì chưa thể hiện rõ điều này, hãy xem những quảng cáo kiểu phương Tây, chẳng hạn người đàn ông cưỡi một con ngựa có tiếng hí đầy uy lực).

Như thế, vô tình “nam tính” gắn với sự hung hăng hiếu chiến. Đây là kết luận của bà Kamla Bhasin sau khi xem các quảng cáo tương tự ở Ấn Độ.

Hình ảnh những người đàn ông hung hăng không chỉ thể hiện uy quyền với phụ nữ mà còn đàn áp những người đàn ông khác. “Điều này có nghĩa là chính đàn ông cũng phải chịu hậu quả của tư tưởng thống trị của nam tính?”, Bhasin đặt câu hỏi.

“Góc tối” của nam tính còn là khi nó không còn là một đặc điểm đáng tự hào mà là một áp lực đối với người đàn ông. Họ phải gồng mình lên để bảo vệ hình ảnh đó.

“Nam tính luôn có nguy cơ bị mất đi”, một nhà hoạt động nữ quyền khác là Sarah White phân tích. “Bản thân đàn ông không thể tự tin hay tự trị. Ngược lại, sự nam tính của họ phụ thuộc vào đánh giá của người khác, họ dễ bị tổn thương khi bị giễu cợt, bị làm cho xấu hổ, bị hạ thấp hoặc thái độ không tôn trọng của nữ giới”.

Nhưng đó không phải khía cạnh tiêu cực duy nhất của nam tính. Bởi, đàn ông có những người mạnh mẽ và có những người yếu đuối. Theo Bhasin, các nhà tâm lý ở Mỹ đã nghiên cứu về đề tài “đàn ông bạo hành đàn ông” và có những kết luận xác đáng.

Những cậu bé hoặc những người đàn ông trẻ, hiền lành có nguy cơ bị những người cùng giới thô bạo bắt nạt và lạm dụng ở các trường nội trú, trường học, nơi làm việc và trong các tổ chức toàn nam giới khác (quân đội, nhà tù).

Đàn ông trở thành nạn nhân của quan niệm về nam tính của chính mình, rồi nạn nhân của những người đàn ông khác. Khi nói về bạo hành, nếu có ý coi phụ nữ là nạn nhân, chúng ta hẳn đã rất thiếu sót.

Khi đàn ông hiểu rằng bất bình đẳng giới mang lại thiệt thòi cho chính họ, chứ không phải lợi ích (được thống trị, được làm chủ…) như lâu nay người ta vẫn nghĩ, có lẽ họ sẽ nhiệt tình đấu tranh hơn chăng?

Theo chuyên gia Trịnh Thị Lý (Trung tâm SAGA), ở Việt Nam, các dự án đấu tranh bình đẳng giới thường ít huy động sự tham gia của đàn ông, khiến đàn ông có cảm giác bị “ra rìa”.

Họ ngại tham gia vì sợ mang tiếng xấu hoặc bị cười chê. Nhiều nghiên cứu xây dựng hình ảnh người đàn ông gây bạo lực gia đình rất xấu xa, khiến đàn ông thấy bị cô lập, nảy sinh tự ái.

Điều đó khiến đàn ông Việt Nam thường ít tham gia đấu tranh một cách tự nguyện, dù nhiều người trong số họ hiểu bạo lực gia đình là sai trái.

Đó cũng là một khó khăn khác mà môi trường bất bình đẳng tạo ra cho nam giới. Họ chỉ có ý chí vượt qua một khi họ hiểu rằng mình cũng được lợi khi có sự bình đẳng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.