Trường học nơi nuôi dưỡng những điều tốt đẹp (trong ảnh nữ sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh |
Thời gian vừa qua, bên cạnh một số vụ việc liên quan đến việc thầy giáo xâm hại tình dục hoặc mua dâm học trò, dư luận không khỏi bức xúc trước các vụ phạm tội ở lứa tuổi này.
Tính chất các vụ việc rất đa dạng: Từ việc nữ sinh dàn cảnh chiếm tiền tỷ, hay sinh viên cố tình tông vào cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ đến việc học trò giết hại bảo vệ trường học để trộm tài sản...
Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh-Sinh viên (Bộ GD&ĐT), về vấn đề này.
Ông Bình nói: Những vụ việc xảy ra là rất đau lòng. Đau lòng ở chỗ, học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng đang thụ hưởng giáo dục lại phạm tội.
Vụ việc xảy ra gần đây nhất vào trung tuần tháng mười, do mâu thuẫn giữa các “băng nhóm” trong trường, học sinh Trương Khánh Nguyên (THPT Phan Bội Châu, Đà Nẵng) đã bị học sinh khác đâm kéo vào lưng (đây là vụ việc thứ tư xảy ra trong vòng ba tuần qua ở Đà Nẵng; có hai trường hợp tử vong) khiến người ta nhớ lại vụ việc ở THPT Ngô Thời Nhiệm, học sinh giết bạn chỉ vì chuyện “băng nhóm” không vừa lòng nhau... tại một số trường.
Trong chương trình học tập có nội dung nào dạy cho các em về đội nhóm và các hoạt động hướng thiện, theo lứa tuổi không thưa ông?
Ông Phùng Khắc Bình |
Trong dạy chữ đã có dạy người và đều có trong tất cả các môn học. Đặc biệt, có một số môn học chú trọng việc dạy người như: đạo đức, giáo dục công dân và các môn khác có liên quan là những môn đảm nhận vai trò truyền thụ cho học sinh những kiến thức về đạo đức, lối sống.
Ngoài ra, có một số cuộc vận động, phong trào rất hiệu quả trong nhiều năm qua như: Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực; Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
Băng nhóm chỉ có ngoài xã hội, không có trong nhà trường. Trường học chỉ có nhóm bạn chơi, nhóm bạn học tập, rèn luyện kỹ năng. Nếu băng nhóm đánh nhau thì giáo viên phải nhắc nhở, nhà trường phải có trách nhiệm ngăn chặn. Tôi nghĩ, không có trường nào vô cảm trước nỗi hiểm nguy hoặc nguy cơ phạm tội của HSSV.
Vừa qua, sau một số vụ tiêu cực nghiêm trọng trong đạo đức người thầy, Bộ GD&ĐT đã liên tiếp ra chỉ thị và công văn nhắc lại về việc chấn chỉnh đạo đức người thầy. Vậy, trước biểu hiện xuống cấp về đạo đức của HSSV, theo ông, toàn ngành có nên có một động thái tương tự nhằm chấn chỉnh và tăng cường việc dạy người trong trường học?
Tôi không nghĩ vậy, số HSSV phạm tội chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ là cá biệt. Tuy nhiên, nhà trường chỉ dạy những vấn đề lý luận, khoa học, kiến thức, tập luyện cho HSSV những kỹ năng cần thiết và đại đa số HSSV là tốt. Nói tóm lại, nhà trường có nhiệm vụ dạy những vấn đề khung; những vấn đề bất thường, đột ngột phát sinh, không ai có thể theo và kiểm soát được.
Trong chương trình đổi mới giáo dục sắp tới, ngành sẽ đưa vào chỉ đạo điểm việc xây dựng lồng ghép vào các môn học phổ thông là môn giáo dục kỹ năng sống (KNS). KNS là giải pháp tốt để HSSV làm chủ bản thân. Ngay cả một số học sinh phạm tội, lúc đầu không có ý định làm việc xấu nhưng do bột phát và tâm lý lứa tuổi không làm chủ được bản thân nên đã phạm sai lầm.
Tôi cho rằng, giáo dục KNS là giải pháp đột phá. Bắt đầu từ năm 2010 và 2011 tất cả các trường phổ thông từ tiểu học đến THCS đều đưa môn KNS lồng ghép vào các môn học và các hoạt động ngoại khóa. Chương trình này do Viện Khoa học Giáo dục VN chủ trì xây dựng. Bắt đầu từ tháng 12/2009 sẽ có chỉ đạo điểm để một số nhà trường làm trước và sau đó 2010 - 2011 giảng dạy ở một số môn tại các bậc học môn học này.
Tôi tin ở chương trình này vì đó là sự phối hợp liên ngành giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... cùng địa phương tạo môi trường thân thiện ở nhà trường, gia đình, xã hội. Sự đảm bảo của địa phương là điều quan trọng trong trách nhiệm giáo dục công dân của mình.
Thực tế cho thấy, có những học sinh phạm tội mà không biết mình vi phạm pháp luật hoặc bị hại mà không biết mình sẽ được pháp luật bảo vệ. Theo ông vì sao lại như vậy, trong nhà trường không dạy cho học sinh về pháp luật hay sao?
Nhà trường có dạy pháp luật cho học sinh nhưng chỉ dạy những vấn đề chung có tính chất khung để khi có vấn đề gì về luật các em phải biết tra cứu. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới ký Công ước về Quyền trẻ em, nên ngay từ cấp tiểu học, học sinh được học về quyền trẻ em. Quyền trẻ em không phải luật, nhưng từ đó có thể quy ra luật. Ví dụ, trẻ em được vui chơi được học hành, được bảo vệ nhân phẩm...
Theo một báo cáo của ngành Công an, tình hình phạm tội do người chưa thành niên (NCTN) gây ra trong thời gian gần đây có chiều hướng tăng. Trong nhóm NCTN có nguy cơ, 2/3 số em được phỏng vấn cho biết đã bỏ học từ lớp 9 với nhiều lý do khác nhau. Như vậy, việc bỏ học liên quan tình hình vi phạm pháp luật của học sinh. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Trước khi bỏ học HS đã có mầm mống của việc học hành không đến nơi đến chốn và mầm mống của tội phạm rồi và bỏ học chỉ là kết quả cuối cùng của một quá trình không tu dưỡng, dễ dẫn đến con đường xấu. Trong khi đại đa số các HSSV chăm chỉ học tập, rèn luyện vẫn có những HSSV do ham mê chơi bời, suy nghĩ lệch lạc, ý thức không tốt, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật .
Ông có thông điệp nào gửi đến các HSSV không?
Mặt trái của hội nhập là du nhập cả tốt lẫn xấu, nếu HSSV không biết lọc thì rất nguy hiểm.
Với SV, các bạn đã đủ 18 tuổi, đủ tư cách công dân và có thể làm chủ bản thân nên ngoài kiến thức về chuyên môn, nghề nghiệp, phải có kiến thức về đời sống. Ngoài kỹ năng nghề nghiệp phải có KNS mới ứng phó được với các tình huống phức tạp xảy ra trong cuộc sống mà không vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, các bạn phải biết quý trọng và tôn trọng bản thân mình, cha mẹ và xã hội. Nếu không, bạn sẽ sống một cách vô ích và làm hệ lụy mang lại sự tổn thương, sự hy sinh cho cha mẹ và những người liên quan.
Cảm ơn ông!
Hồ Thu
Thực hiện