Lao động Việt Nam làm việc tại Kagawa - Hokto - Nhật Bản - Ảnh: Phạm Dũng |
Theo đó, kể từ ngày 1-7-2010, sẽ bổ sung ngành nghề và loại hình công việc được tiến hành thực tập kỹ năng là làm đồ giấy - làm thùng carton với 4 loại hình công việc: đột lỗ trên thùng carton in sẵn; làm thùng giấy đã in sẵn; dán thùng giấy; làm thùng carton.
Như vậy, theo chương trình tu nghiệp sửa đổi, tổng số ngành nghề và loại hình công việc được tiến hành thực tập kỹ năng là 64 ngành nghề và 120 loại hình công việc (trước đây là 63 ngành nghề và 116 loại hình công việc).
Theo ông Kensuke Tsuzuki - Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách đối ngoại Jitco, quy định mới cũng xác lập tư cách lưu trú mới là “thực tập kỹ năng” cho lao động nước ngoài đến Nhật Bản tham gia chương trình thực tập kỹ thuật.
Theo đó, lao động nước ngoài tham gia chương trình nhập cảnh vào Nhật Bản có tư cách lưu trú là thực tập kỹ năng với thời gian không quá 3 năm và được gọi là thực tập sinh.
Chương trình thực tập kỹ năng được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thực tập kỹ năng I (năm thứ nhất) và giai đoạn thực tập kỹ năng II (năm thứ hai và ba).
Giai đoạn thực tập kỹ năng I có thời gian 1 năm. Sau khi hết 1 năm, thực tập sinh phải tham gia kỳ kiểm tra để đánh giá về tay nghề, trình độ mới được chuyển sang giai đoạn thực tập kỹ năng II.
Quy định mới còn bổ sung biện pháp xử lý là trục xuất đối với các trường hợp thực tập sinh vi phạm quy định của chương trình như làm giả hồ sơ, giấy chứng nhận...
Ngoài ra, quy định mới sẽ giúp nâng cao vai trò và việc quản lý, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo của tổ chức tiếp nhận đầu mối đối với xí nghiệp tiếp nhận trực thuộc; minh bạch các khoản thu và việc sử dụng nguồn thu của các tổ chức tiếp nhận đầu mối; tăng cường quản lý, giám sát và xử lý đối với tổ chức tiếp nhận có hành vi vi phạm quy định; kiểm soát và khống chế việc thu tiền bảo lãnh từ tu nghiệp sinh nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp phái cử và đối sách xử lý đối với việc thu tiền bảo lãnh với mức quá cao bằng cách dừng - không cho tiếp nhận tu nghiệp sinh từ những doanh nghiệp phái cử đó; kiểm tra, xác nhận nội dung hợp đồng phái cử ký giữa thực tập sinh với tổ chức phái cử...
Trước đó (ngày 4-3), ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ -TB&XH), và ông Kensuke Tsuzuki đã ký lại bản ghi nhớ về chương trình hợp tác phái cử và tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang Nhật Bản để phù hợp với những nội dung sửa đổi của pháp luật Nhật Bản đối với chế độ thực tập sinh kỹ năng nước ngoài ở Nhật Bản.
Theo ông Kensuke Tsuzuki, Luật Quản lý Xuất Nhập cảnh và Công nhận tỵ nạn và những nội dung sửa đổi bổ sung nói trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2010.