TS Vũ Thị Phương Anh: Phải kiểm định các tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế để tránh rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trao đổi với Tiền Phong, TS Vũ Thị Phương Anh nguyên là Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG-HCM) khẳng định, liên quan đến thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tổ chức phải nộp hồ sơ đăng ký để được cấp phép là cần thiết, nhưng chưa đủ.

Việc các đơn vị bất ngờ dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ IELTS gây xôn xao dư luận. Bộ GD&ĐT cho rằng, hoạt động tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ tràn lan, không kiểm soát chất lượng, điều này ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi người học nói chung, thưa bà?

Hiện nay do nhu cầu thi IELTS tăng cao nên trên các phương tiện truyền thông có khá nhiều quảng cáo về việc luyện thi và đăng ký, tổ chức thi. Trong đó, có thể có nhiều thông tin nhiễu loạn, không chính xác mà người học và gia đình có thể không có điều kiện để kiểm chứng.

TS Vũ Thị Phương Anh: Phải kiểm định các tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế để tránh rủi ro ảnh 1

TS Vũ Thị Phương Anh.

Vì vậy, việc các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để nắm thông tin và điều chỉnh những lệch lạc nếu có là một việc vô cùng cần thiết. Vì nếu không, người học có thể bị những thông tin sai lệch dẫn đến những quyết định không đúng đắn, có thể rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.

Ngoài ra, từ tình huống các đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế bị tuýt còi, dừng đột ngột như vậy cần đặt ra một số vấn đề. Đó là việc hiện nay, một số nơi đang sử dụng điểm IELTS làm căn cứ miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tốt nghiệp đại học, miễn thi đầu vào cao học, điều kiện tuyển dụng... Vậy, trong thời gian tới, các trường có nên tạm dừng hoặc bỏ hẳn ưu tiên kể trên hay không?

Không riêng gì IELTS mà bất cứ một kỳ thi quan trọng nào đã bị nghi ngờ về tính bảo mật thì trước hết uy tín, thương hiệu của bài thi đó sẽ bị tổn thất, và người sử dụng kết quả của bài thi hoàn toàn có quyền từ chối sử dụng chúng và lựa chọn các chứng chỉ có mục đích tương tự để làm căn cứ cho các quyết định quan trọng như ưu tiên xét tuyển vào ĐH hay tuyển dụng. Điều này không phải là chưa bao giờ xảy ra, và sẽ còn tiếp tục xảy ra nữa.

Một ví dụ nổi tiếng là bài thi TOEFL với mục đích hoàn toàn tương tự với IELTS và ra đời trước IELTS đến vài chục năm, vốn gần như tuyệt đối thống trị thị trường bài thi năng lực tiếng Anh trên toàn cầu, nhưng đã bị ít nhiều mất uy tín vào những năm cuối thập niên 1990 do những nghi vấn gian lận. Và đó là một trong những yếu tố giúp tạo điều kiện cho IELTS ra đời và cạnh tranh với TOEFL cho đến tận bây giờ. Tất nhiên sau đó bài thi TOEFL đã được cải cách rất mạnh mẽ và hiện nay vẫn giữ vững vị trí là bài thi năng lực tiếng Anh hàng đầu về chất lượng và uy tín.

Một ví dụ khác ngay tại Việt Nam là hệ thống các chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C trước đây, do chất lượng bài thi không cao nên không chiếm được sự tin tưởng của người sử dụng, dẫn đến việc không được công nhận không chỉ ở ngoài nước mà còn ngay cả trong thị trường Việt Nam.

Đó là một trong những lý do tại sao chúng ta phải có Đề án ngoại ngữ quốc gia mà từ đó đã cho ra đời kỳ thi năng lực tiếng Anh của Việt Nam là VSTEP. Tất nhiên để VSTEP có được sự tin tưởng của người sử dụng thì còn cần phải tiếp tục nghiên cứu để cải thiện chất lượng cũng như hình ảnh hơn nữa.

Quy định đúng nhưng chưa đủ

Vai trò quản lý của các đơn vị khi để xảy ra tình trạng như hiện nay ra sao?

Thực ra, bất cứ kỳ thi quan trọng nào cũng tiềm ẩn khả năng có vấn đề về bảo mật, và điều này xảy ra trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam. Bản thân các tổ chức khảo thí lớn và sở hữu những bài thi chuyên nghiệp được sử dụng trên toàn cầu như TOEFL, IELTS hay HSK (đối với tiếng Trung) đều đã có những quy định và quy trình rất chặt chẽ cho việc bảo mật và bảo đảm độ tin cậy của điểm số. Bởi vì, nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra thì chính các tổ chức khảo thí này sẽ bị thiệt hại đầu tiên vì không còn được sự tin tưởng của khách hàng.

Tất nhiên, khi triển khai ở các quốc gia khác nhau thì tình hình sẽ phức tạp hơn, do văn hóa học tập và thi cử của mỗi nơi mỗi khác. Nên để tổ chức các kỳ thi một cách bài bản, nghiêm túc rất cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý ở địa phương.

Việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2022 vào cuối tháng 7 vừa qua, trong đó yêu cầu các nơi tổ chức các kỳ thi quốc tế phải nộp hồ sơ đăng ký là bước đầu tiên cho sự phối hợp quản lý nhằm bảo đảm giá trị của các quyết định dựa trên điểm thi và sự công bằng cho thí sinh.

Theo bà, để tránh tiêu cực, ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh, các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cần kiểm soát quy trình tổ chức như thế nào?

Như đã nói ở trên, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các nơi tổ chức các kỳ thi quốc tế phải nộp hồ sơ đăng ký để được cấp phép là cần thiết, nhưng chưa đủ.

Bản thân các tổ chức khảo thí cũng cần có một hệ thống bảo đảm chất lượng và quản trị rủi ro nội bộ, đồng thời cần có các cuộc kiểm tra định kì từ bên ngoài bắt buộc hoặc tự nguyện. Cần khuyến khích sự cạnh tranh của nhiều loại chứng chỉ khác nhau, vì như thế sẽ tạo ra được cơ chế kiểm soát của thị trường vốn ngày càng có vai trò quan trọng trong một thế giới mở hiện nay.

Ngoài ra, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cần chuyển từ quan điểm kiểm soát hoạt động (cho phép hoặc cấm) sang quan điểm đưa ra các chuẩn mực mang tính hướng dẫn cho toàn xã hội, tạo môi trường thông tin minh bạch, có cơ chế giám sát thường xuyên và định kỳ kiểm tra để phòng ngừa rủi ro.

Việc kiểm định các tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế có lẽ sẽ là bước tiếp theo cần thực hiện để tránh những sự cố có thể gặp phải trong quá trình Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới như hiện nay.

Cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.