TS Nguyễn Minh Thảo: Cân nhắc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm đồ uống có đường

0:00 / 0:00
0:00
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trao đổi với phóng viên về đề xuất của Bộ Tài chính sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong đó dự kiến áp thuế Tiêu thụ đặc biệt (“TTĐB”) đối với sản phẩm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam. 

Ngoài mục tiêu bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh thừa cân béo phì, cơ quan soạn thảo cho rằng nâng thuế gián thu đối với sản phẩm nước giải khát có đường sẽ bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

TS Nguyễn Minh Thảo: Cân nhắc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm đồ uống có đường ảnh 1

Bà có thể chia sẻ về tình hình kinh tế - xã hội nước ta và tình hình doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 ra sao?

Sau hai năm dịch bệnh 2020-2021, doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi từ năm 2022. Thế nhưng, nền kinh tế mới chỉ phục hồi được trong 3 quý đầu năm 2022, sau đó suy giảm. Những khó khăn, bất lợi của tình hình thế giới đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong quý I và tiếp tục xu hướng kéo dài trong quý II/2023, tác động mạnh đến kết quả chung 6 tháng đầu năm. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Quốc hội đã thông qua, thì theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng nửa cuối năm phải đạt khoảng 8,9%. Đây là thách thức vô cùng lớn. Các động lực tăng trưởng chủ yếu như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đều đang suy giảm (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,37% trong 6 tháng đầu năm 2023); dự đoán khó có thể phục hồi nhanh và mạnh trong thời gian tới.

Tình hình doanh nghiệp 6 tháng đầu năm cũng chứng kiến những biến động bất thường. Cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng cũng có tới 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới chỉ gấp gần 1,3 số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Kết quả này thể hiện mức độ khó khăn của doanh nghiệp hiện nay thậm chí còn nặng nề hơn so với thời kỳ COVID-19.

TS Nguyễn Minh Thảo: Cân nhắc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm đồ uống có đường ảnh 2

Sự phát triển của doanh nghiệp hiện đi ngược xu thế. Rõ ràng là cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam bao gồm ngành nước giải khát, lại tiếp tục phải đương đầu với những “cơn gió ngược” (tôi xin phép sử dụng lại từ của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Phiên họp thường kỳ của Chính phủ đánh giá tình hình phát triển kinh tế -xã hội sáng ngày 4/7), đó là suy giảm kinh tế toàn cầu, là lạm phát gia tăng, là sự đe dọa của các cuộc xung đột đối với an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu, là khả năng thích ứng và sức chống chịu hạn chế của các nước đang phát triển, v.v… Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi một môi trường kinh doanh thuận lợi với sự ổn định về chính sách, nhất là các chính sách về thuế, phí,… để doanh nghiệp có niềm tin về sự đồng hành, chia sẻ của Chính phủ với những khó khăn của họ. Từ đó doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh và thực hiện một cách bền vững hơn nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.

Những kỳ vọng của doanh nghiệp về ổn định chính sách cũng phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ. Đơn cử, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã khẳng định “Về quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội…: Trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19”.

Vừa qua Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương có nghiên cứu tác động kinh tế - xã hội của áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm nước giải khát có đường. Bà có thể chia sẻ lý do chọn ngành nước giải khát làm đối tượng nghiên cứu và kết quả ra sao?

Mọi chính sách, trong đó có các chính sách tác động đến doanh nghiệp, đều cần được nghiên cứu và đánh giá tác động toàn diện trước khi ban hành. Ngành nước giải khát đóng góp một phần không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Kể từ năm 2015 tới nay, ngành đồ uống chiếm 4,5% tỷ trọng nhóm ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ. Trong giai đoạn 2010-2019, ngành nước giải khát nộp ngân sách cho nhà nước gần 90,000 tỷ đồng, cung cấp việc làm trực tiếp cho 300,000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động. Vì vậy, khi Bộ Tài chính dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), trong đó mở rộng đối tượng chịu thuế bao gồm cả thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn với lý do bảo vệ sức khỏe người dân thì câu hỏi nghiên cứu CIEM đặt ra là: Liệu thuế TTĐB có đạt được mục tiêu như mong muốn? Nguyên nhân của tình trạng thừa cân, béo phì có phải chỉ do nước giải khát có đường hay còn do các nguyên nào khác? Tác động đa chiều thế nào của thuế TTĐB tới nền kinh tế, doanh nghiệp, và người dân?

Kết quả nghiên cứu chính sách theo cả phương pháp đánh giá tác động pháp luật (RIA) và phương pháp phân tích bảng cân đối liên ngành đều cho thấy việc áp dụng TTĐB có tác động lan tỏa, tiêu cực đối với doanh nghiệp & người dân, Nhà nước, và với nền kinh tế quốc gia. Giá trị sản xuất (GTSX) của 21 ngành hàng sẽ giảm trung bình 0.08%, trong đó mặt hàng cà phê chịu giảm mạnh GTSX .18% và và chè chịu giảm 0.22%. Mặc dù thuế TTĐB 10% sẽ tăng thu ngân sách 2,3 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng do sụt giảm sản lượng sẽ gây thất thu nhà nước 3,6 nghìn tỷ. Các chỉ số kinh tế như tổng giá trị tăng thêm (GVA), GDP, thu nhập người lao động, thặng dư sản xuất, lao động, thu ngân sách qua thuế gián thu đều bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đó là chưa kể đến việc đánh thuế nước giải khát có đường sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành mía đường của Việt Nam do đường sản xuất bởi các nhà máy địa phương là nguyên liệu đầu vào cho ngành thực phẩm và giải khát trong nước. Dự kiến, việc đánh thuế sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía. Theo Quy hoạch phát triển ngành đồ uống được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam dự kiến sẽ tăng tỷ trọng của nước giải khát không cồn và giảm tỷ trọng của rượu bia do tác động tiêu cực của các sản phẩm này. Tuy nhiên, việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường sẽ đi ngược lại mục tiêu trên khi các nhà sản xuất đồ uống không cồn sẽ buộc phải cân nhắc lại kế hoạch đầu tư, kinh doanh của mình.

Vậy từ kết quả nghiên cứu, bà có khuyến nghị chính sách nào đối với cơ quan chức năng?

Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Các chính sách ban hành cần đảm bảo nhất quán với định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp. Những rủi ro chính sách sẽ dẫn tới bào mòn sức khoẻ, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Xét trên tổng thể, cả về khía cạnh sức khỏe cộng đồng, cũng như việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đề xuất đưa các sản phẩm đồ uống vào danh mục chịu thuế TTĐB sẽ không hữu hiệu, vì sắc thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn hơn lợi ích có thể đạt được; đồng thời cũng không thật sự đạt hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì. Do vậy, đối với dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi), xin ý kiến nghị như sau:

Một là, cơ quan soạn thảo nên đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế TTĐB.

Hai là, Chính phủ nên lùi thời hạn hoặc có lộ trình đối với việc áp dụng sắc thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thích ứng, kế hoạch cải tiến sản phẩm, trong khi có thể khấu hao dây chuyền công nghệ cũ.

Ba là, Chính phủ có thể đưa ra những biện pháp mang tính thị trường hơn như khuyến cáo về dinh dưỡng, yêu cầu dán nhãn phân loại sản phẩm theo lượng đường.

Các hành động chính sách sẽ tác động đến cách thức vượt qua khó khăn và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp hơn bao giờ hết cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ sự đồng hành, chia sẻ của Chính phủ.

Cảm ơn bà!

Dự kiến, việc đánh thuế sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía. Mặc dù thuế TTĐB 10% có thể sẽ tăng thu ngân sách 2,3 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng do sụt giảm sản lượng gây sẽ thất thu nhà nước 3,6 nghìn tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.