Truyền hình trực tiếp lễ tưởng niệm các nạn nhân TNGT

Truyền hình trực tiếp lễ tưởng niệm các nạn nhân TNGT
TP - Việt Nam sắp có ngày lễ tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT), Quỹ hỗ trợ nạn nhân TNGT, đồng thời có thể bổ sung hình phạt đối với người vi phạm an toàn giao thông (ATGT), Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

> Sẽ tưởng niệm người chết do tai nạn giao thông

Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng
Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng .

Tưởng niệm hằng năm

Kế hoạch tổ chức ngày lễ tưởng niệm những người tử vong vì TNGT được Ủy ban ATGT Quốc gia tiến hành đến đâu?

Liên Hợp Quốc cách đây 7 năm đã chọn ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hằng năm làm ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT.

Theo thông lệ quốc tế, ngày tưởng niệm năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 18-11 tới đây.

Năm 2011, Ủy ban ATGT thông qua một tổ chức quốc tế có một hoạt động nhỏ tại TPHCM với nội dung mang tính thử nghiệm về ngày này .

Năm nay là năm ATGT nên Ủy ban nhận thấy nếu tổ chức tốt ngày tưởng niệm sẽ là dịp để đưa thông điệp cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng của TNGT đối với toàn xã hội.

Đây cũng là dịp truyền thông để người tham gia giao thông dần hình thành nếp sống văn hóa giao thông.

Ngày lễ này sẽ được tổ chức ra sao?

Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ ban hành kế hoạch tổ chức cụ thể ngày tưởng niệm trong tháng 7. Sự kiện sẽ diễn ra tại các địa phương, được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Việt Nam sắp có ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT. Ảnh: Đức Nam
Việt Nam sắp có ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT. Ảnh: Đức Nam.

Ngoài lễ tưởng niệm, vào ngày đó, dự kiến ra mắt Quỹ hỗ trợ nạn nhân TNGT (trong thực tế có nhiều trường hợp vì TNGT mà dẫn tới khánh kiệt).

Ở châu Âu, vào thời khắc chính của lễ tưởng niệm, các nhà thờ rung chuông cùng thời điểm. Theo quan niệm của họ, chết vì TNGT là chết oan, vì vậy cần phải cảnh báo cho toàn xã hội. Nước ta sẽ chọn cách tổ chức phù hợp thuần phong mỹ tục.

Ủy ban muốn bổ sung phạt lao động công ích với người vi phạm ATGT?

Trong dự thảo Nghị định 34 sửa đổi, Ủy ban đã đề nghị các hình phạt bổ sung như tước bằng lái xe vĩnh viễn, tính toán việc tạm giữ phương tiện như có thể buộc người vi phạm tự bảo quản chứ không tổ chức bãi giữ xe như hiện nay.

Bên cạnh đó là lao động công ích. Tuy nhiên, một số bộ ngành chưa đồng ý đưa vào. Việc này là rất ý nghĩa. Ví dụ, khi một người vượt đèn đỏ, anh ta phải khoác một cái áo để đứng ra điều khiển giao thông cho đến khi có người khác vi phạm thay thế mới được nghỉ.

Điều phối tiền xử phạt

Tiền xử phạt vi phạm giao thông được dùng như thế nào?

Năm 2011, tiền xử phạt vi phạm giao thông là 1.700 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm, riêng lực lượng CSGT xử phạt được 1.020 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 2011 gần 50%.

Sắp tới, 6 tháng cuối năm, nếu Chính phủ thông qua Nghị định 34 sửa đổi với mức xử phạt cao lên thì số tiền (xử phạt được) dự kiến còn cao hơn.

Hiện nay, số tiền này được nộp vào ngân sách, nhưng địa phương nào được chi tại địa phương ấy - tức chi tại chỗ (địa phương đó sử dụng).

Theo quy định, lực lượng CSGT được chi 70%, Ban ATGT các tỉnh 10%, Thanh tra giao thông 10%, 10% còn lại dùng cho các hoạt động khác ở địa phương như kho bạc, hoạt động chỉ đạo... Quy định của Bộ Tài chính, với những tỉnh, tiền xử phạt trên 30 tỷ đồng/năm, mỗi CSGT không được bồi dưỡng quá 1,5 triệu đồng/tháng.

Như vậy, tiền chi bồi dưỡng cho CSGT sẽ không hết. Có những tỉnh tiền xử phạt lên tới 60-70 tỷ đồng/năm, tiêu không hết kinh phí nên chuyển một phần sang xử lý điểm đen TNGT.

Hiện, có ý kiến cho rằng phải nộp khoản tiền xử phạt vào ngân sách nhà nước và chi tiêu chung. Đây là điều khiến Ủy ban ATGT Quốc gia lo ngại.

Trên thế giới, chưa có quốc gia đưa tiền xử phạt vi phạm ATGT vào ngân sách để chi chung. Ở châu Âu, họ đưa vào Quỹ Đảm bảo ATGT.

Ủy ban vừa đề xuất, tiền xử phạt được giữ nguyên cho các địa phương nhưng có sự điều phối. Chẳng hạn, đối với các địa phương thu trên 30 tỷ đồng thì phải điều phối về Bộ Công an, hoặc các tỉnh khác (để san sẻ cho địa phương có xử phạt ít).

Các tỉnh như miền núi phía Bắc, mỗi năm chỉ thu từ xử phạt 3-7 tỷ đồng. Số tiền đó chưa đủ để hỗ trợ lực lượng CSGT, đừng nói đến chuyện mua trang thiết bị.

Như cả tỉnh Hà Giang chỉ có 1 máy đo nồng độ cồn, năm 2011 tiền xử phạt chỉ khoảng 3 tỷ đồng. Số tiền điều phối sẽ được dùng để mua trang thiết bị tuần tra kiểm soát như ô tô, máy đo nồng độ cồn… Ngoài ra, quy định lượng phần trăm nhất định để xoá điểm đen TNGT phát sinh đột xuất, quy hoạch biển báo hiệu...

Cám ơn ông.

Đình Thắng
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG