Truyền hình trả tiền làm giàu cho kênh nước ngoài

Khách hàng đến giao dịch tại cửa hàng dịch vụ truyền hình số K+ - Ảnh: Diệp Đức Minh
Khách hàng đến giao dịch tại cửa hàng dịch vụ truyền hình số K+ - Ảnh: Diệp Đức Minh
Có một thực tế là khán giả truyền hình trả tiền chỉ được xem chủ yếu các chương trình mua bản quyền của nước ngoài.

Một bộ phim ngoại như Hoàng tử gác mái của truyền hình Hàn Quốc được phát sóng xoay vòng trên các kênh truyền hình trả tiền của VTVCab, HTV, SCTV... Đây không phải chuyện lạ mà là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Điều đó cho thấy các kênh truyền hình trả tiền luôn “đói” chương trình để lấp sóng, bên cạnh phải trông chờ thường xuyên vào việc mua bản quyền phát sóng các chương trình truyền hình của nước ngoài thay vì tự sản xuất chương trình.

Hiện nay Fox International Channels (thuộc Tập đoàn truyền thông giải trí 21th Century Fox) là một trong những hãng phân phối chương trình lớn nhất tại VN, phủ khắp hầu hết các hệ thống truyền hình trả tiền với nhiều thể loại chương trình như phim tài liệu, phim truyện, chương trình thể thao.

“Truyền hình trả tiền vẫn là mảnh đất rộng lớn cho các hãng nước ngoài như Fox chứ không phải chúng tôi”, bà Ngô Bích Hạnh, Phó chủ tịch Công ty BHD, đã thẳng thắn chia sẻ trong Hội nghị quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền tại VN.

Vì sao không thể tự sản xuất chương trình?

“Tự sản xuất rất khó mang lại lợi nhuận. Các kênh trong nước thường làm chương trình giải trí như phim, hay các chương trình mua từ các kênh nước ngoài, hoặc mua của nhau. Đó là cách rẻ tiền và an toàn”, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch và CEO Le Media Studio, chia sẻ.

Chương trình khó có lợi nhuận, theo bà Ngô Bích Hạnh, vì thu được ít tiền quảng cáo “người ta thích quảng cáo trên các kênh truyền hình không trả tiền hơn”.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân nữa là chi phí “đầu vào” sản xuất chương trình cũng rất thấp. Cách đây vài năm, Fox International Channels đã hợp tác với BHD để thực hiện bộ phim tài liệu dài 30 phút.

“Họ trả 230.000 USD để thực hiện bộ phim. Không có một kênh truyền hình trong nước nào có thể chi số tiền lớn như vậy để thực hiện một phim tài liệu dài có 30 phút. Kinh phí thấp thì không thể sản xuất chương trình cho thật hay”, bà Hạnh nói.

Dễ thấy một chương trình sản xuất với nội dung đơn giản, không hay rất khó cạnh tranh với các chương trình hấp dẫn của nước ngoài. Và đó là lý do vì sao các kênh truyền hình trả tiền chẳng dại gì lao vào đường khó mà chỉ thích mua chương trình nước ngoài - con đường dễ đi với chi phí rẻ hơn nhiều lần trong khi có thể dễ dàng thu được lợi nhuận.

Truyền hình trả tiền làm giàu cho kênh nước ngoài ảnh 1

Cảnh trong phim Yêu nữ thích hàng hiệu chiếu trên kênh Star Movie - Ảnh: IMDB

Trong khi đó, bà Lê Thị Phương Thủy, Chủ tịch Dream Field Studio (HTV3), thì lại nhìn vấn đề do nguyên nhân khác, đó là thiếu những con người sản xuất được các chương trình hấp dẫn.

“Chúng ta vẫn quen với việc đi “copy”. Định dạng chương trình toàn đi copy thì làm sao sáng tạo được. Ngành công nghiệp sản xuất chương trình truyền hình còn quá mới, cần có thời gian để đào tạo nhân lực”, bà Thủy nhận định.

Đại diện của Fox International Channels tại VN cho biết, đơn vị này không chỉ “bán” các chương trình mà còn sản xuất chương trình. Việc kết hợp với một hãng truyền hình lớn như Fox có thể được coi là giải pháp cho các nhà sản xuất trong nước. Nhưng Fox cũng đưa ra tiêu chí chương trình phải đáp ứng với tiêu chuẩn quốc tế của họ.

Bên cạnh đó, đại diện của một nhà sản xuất chương trình cho rằng, chính các hãng truyền hình cần phải mở đường cho họ. “Chúng tôi có nhiều áp lực quá, vừa sản xuất chương trình vừa lo quảng cáo, đến khi phát sóng thì bản quyền chương trình là của ai chứ không phải của mình nữa”.

Theo thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, chỉ riêng năm 2012, truyền hình trả tiền đã thu được tới 200 triệu USD. Số người sử dụng truyền hình trả tiền tăng lên một cách nhanh chóng, đến năm 2013 là 6,5 triệu lượt thuê bao. Truyền hình trả tiền vẫn cho thấy là một mảnh đất màu mỡ, nhưng thật tiếc khi đây vẫn là địa hạt chủ yếu của các nhà sản xuất nước ngoài.

Hội nghị quốc tế về cơ hội phát triển truyền hình trả tiền tại VN do Hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á - Thái Bình Dương (CASBAA) phối hợp với Tổng công ty truyền hình cáp VN tổ chức đã diễn ra vào ngày 11.9 tại Hà Nội.

Hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị truyền thông trong nước, bên cạnh đó là các hãng truyền hình nổi tiếng thế giới như 21st Century Fox, FOX International Channels, Lightning International, Scripps Networks International, Q.net... tham dự.

Rất nhiều kênh nước ngoài đang chiếu trên truyền hình trả tiền tại VN do các hãng nói trên sản xuất hay nắm bản quyền phát sóng như Star Movie, HBO, Cinemax, Fox Sport, AXN...

Các phiên thảo luận xoay quanh toàn cảnh thị trường truyền hình trả tiền tại VN với các nội dung như: quy định và cải cách, sản xuất nội dung, đóng gói dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ...

Hiện, truyền hình cáp phổ biến nhất với thị phần 44%, kỹ thuật số mặt đất là 36%, truyền hình kỹ thuật số vệ tinh 10%, truyền hình giao thức internet (IPTV) 10%. Về doanh nghiệp, VTVCab đang chiếm 28% thị phần, đứng sau là SCTV, MyTV, HTV, VTC...

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá cao tiềm năng của truyền hình trả tiền, song không phủ nhận thị trường này đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như sở hữu trí tuệ, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, chất lượng nội dung chương trình, kỹ thuật còn chưa tốt.

Theo Minh Ngọc

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG