'Truy xuất' Phạm Khắc Quang

Người xem chăm chú bên một tác phẩm tại triển lãm “In Vitra +”. Ảnh: Ngọc Trâm
Người xem chăm chú bên một tác phẩm tại triển lãm “In Vitra +”. Ảnh: Ngọc Trâm
TP - Trong một lần rảnh rỗi, cầm lọ thuốc bổ săm soi xuất xứ, Phạm Khắc Quang “đứng hình” 3 giây trước những ký hiệu mã vạch, sững sờ nhận ra thứ lâu nay mình tìm kiếm. Và trong khoảnh khắc ấy, ông Quang “đồ họa” đã bị lọ thuốc “truy xuất” ngược. Loạt tác phẩm của triển lãm “In Vitra” đã ra đời như thế.

“In Vitra +” - Kính và hơn thế nữa

Những ngày cuối năm, khi người người nhà nhà hối hả, gấp gáp hơn lệ thường thì ở một góc nhỏ yên tĩnh của không gian nghệ thuật Manzi, Phạm Khắc Quang lặng lẽ bày tranh khoe. “In Vitra +”, triển lãm cá nhân thứ 4 của Quang, được thực hiện với tham vọng lấy kỹ thuật làm trọng tâm duy nhất, thử nghiệm và thay đổi hoàn toàn kỹ thuật in khắc truyền thống, hay nói như họa sĩ người Anh Claire Driscoll khi nhận xét “triển lãm này là một sự đột phá về quy trình và kỹ thuật, nơi người nghệ sĩ có thể khảo nghiệm những khả năng của mình bên ngoài các giới hạn thông thường”.

Không còn thỏa mãn với vải, giấy hay toan, ở triển lãm lần này, Phạm Khắc Quang bày 20 tác phẩm, trong đó 18 bức đồ họa trên kính, 2 bức còn lại thử nghiệm đồ họa trên inox. Những kỹ thuật vẫn được giới đồ họa Việt xem là “khó nhằn” nhưng Quang đã chinh phục được. Cũng lần này, thay vì sử dụng những cấu trúc hình tròn quen thuộc, Phạm Khắc Quang thử sức với cấu trúc đường kẻ dọc như mã vạch, với mật độ phân bố, kích thước khác nhau tạo ra các tác phẩm đồ họa sống động.

Kỹ thuật in đồ họa trên kính vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Quang kể, bắt tay vào làm mới thấy không đơn giản chút nào. Chọn màu gì in trên kính để tương thích với nhiệt độ nóng chảy của kính? Nhiệt độ của lò bao nhiêu? Nung trong bao lâu?... Tất cả đều mới mẻ. In xong, chạy khắp nơi nung thử, nhưng không thành. Đầu tư hơn 1.000 USD mua hẳn một cái lò thí nghiệm của Trung Quốc, cũng chả ăn thua. Vỡ có, hỏng có, bay màu có. Nghĩ mãi, Quang quyết định ôm lò về quê tìm nguồn điện 3 pha. Và cứ thế, sáng sáng đưa con đi học xong lại nhảy xe khách về Hải Dương, chiều đến giờ thì phi lên Hà Nội đón con, hôm sau lại thế. Hơn nửa năm “nung” tiền và công sức, thì Quang tìm ra cách. Mẫu in thử đạt hơn 90%. Nhưng bắt tay vào làm tác phẩm thì cần lò chuyên nghiệp hơn, ổn định nhiệt hơn. Lại một công cuộc loay hoay đi tìm lò, trong khi chỉ còn 3 tháng là đến ngày khai mạc triển lãm. Quang đánh bạo đến nhà máy sứ Hải Dương cậy nhờ. Lò đạt tiêu chuẩn nhưng hơi nhỏ, mỗi lần nung chỉ được mấy miếng, mà mỗi bức tranh của Quang in 5 bản, tổng 20 bức là 100 miếng kính. Lại tiếp tục hành trình đi đi về về Hà Nội- Hải Dương. Đến kíp lái xe cũng nhẵn mặt.

Xử lý được phần kính rồi, Quang lại nổi lòng tham. Khung gỗ vẫn không làm anh sướng. Quang muốn làm khung nhôm hợp kim. Hàn được nhôm thì lại lọ mọ tìm công nghệ xử lý bề mặt sao cho đẹp và bền. Chính lúc này, Phạm Khắc Quang nảy ra ý tưởng: đồ họa trên kim loại. Thế là, cùng lúc vừa xử lý bề mặt cho khung tranh vừa thử nghiệm tranh khắc cao su trên inox.

Sống được bằng nghề

Từng thử nghiệm trên nhiều chất liệu tranh đồ họa như khắc kẽm, khắc axit, in đá lito… nhưng chất liệu anh gắn bó hơn cả là khắc gỗ nhất là mảng tranh khắc gỗ màu phá bản. Kỹ thuật tranh khắc gỗ màu phá bản chỉ sử dụng một bản gỗ cho nhiều lần khắc và in. Mỗi một lượt màu tương ứng với một lần khắc. Trung bình một bức tranh sẽ có 9 lượt màu. Cuối cùng bản khắc sẽ bị phá bỏ hoàn toàn sau lượt in cuối.

“In Vitra +” đáng lẽ diễn ra sớm hơn, nhưng giữa năm 2018, Phạm Khắc Quang được mời tham gia nhóm dự án “Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Quốc Hội” cùng 14 nghệ sĩ đương đại khác. Gác lại công việc dang dở, Quang lao vào sáng tác miệt mài trong 3 tháng trời để hoàn thành dự án.

Tranh đồ họa khó bán vì kén người chơi. Đòi hỏi người chơi phải có kiến thức nhất định về ngôn ngữ, phương pháp đồ họa. Tranh đồ họa cũng đặc biệt ở chỗ có thể nhân bản (dù ít) chứ không độc bản như sơn dầu hay sơn mài… nên các nhà sưu tập cũng không mặn mà lắm. Muốn chơi tranh đồ họa cần phải có tinh thần cởi mở, chia sẻ. Thế nên, nghệ sĩ Việt sống được bằng đồ họa không nhiều, hầu hết phải đi làm nhiều việc khác để phục vụ cho đam mê của mình. Phạm Khắc Quang được đánh giá là một trong những nghệ sĩ hàng đầu, có những thử nghiệm táo bạo, những cống hiến cho nghệ thuật đồ họa trong nước. Anh cũng là một trong những nghệ sĩ ít ỏi có thể sống được nhờ tiền bán tranh. Những tác phẩm của anh không chỉ được trưng bày trong nước mà còn xuất hiện trong những triển lãm quốc tế như tại Trung Quốc, Đan Mạch, và Bỉ.

Triển lãm hôm nay là những ngày dài miệt mài tìm tòi và góp nhặt từng khám phá, vận dụng từng chút một hiểu biết khi thực hành sáng tạo với một vật liệu hoàn toàn xa lạ. Nó không phải là công sức của vài năm hay vài tháng lao động mà là thành quả của một quá trình dài hơn một thập kỷ sáng tạo nghệ thuật của Phạm Khắc Quang.

Triển lãm “In Vitra +” khai mạc từ ngày 18/1, kéo dài đến ngày 18/2/2019, tại không gian nghệ thuật Manzy, Hà Nội.

Họa sĩ Phạm Khắc Quang sinh năm 1975 tại Hải Dương. Tốt nghiệp khoa Đồ Họa Trường Đại Học Mỹ thuật Việt Nam năm 2003 và gây chú ý khi giành Huy chương bạc tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 2010).

'Truy xuất' Phạm Khắc Quang ảnh 1 Hoạ sĩ Phạm Khắc Quang
MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.