Chiêu trò lập tài khoản “ảo”
Ông Nguyễn Công Bẩy, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, quá trình thực thi nhiệm vụ, Thanh tra sở đã phát hiện nhiều cá nhân vi phạm khi sử dụng không gian mạng. “Chúng tôi phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an tỉnh Đắk Lắk xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội và dịch bệnh COVID-19 trên không gian mạng”, ông Bẩy cho hay.
Theo ông Bẩy, một số đối tượng đã sử dụng sim rác, email để đăng ký, tạo lập tài khoản Facebook, Zalo, YouTube, website… giả mạo nhằm gây khó cho lực lượng chức năng trong việc xác minh, làm rõ và xử lý vi phạm. Đặc biệt, thời gian gần đây, lợi dụng sơ suất của các cơ quan ngành y tế, một số chủ tài khoản đã đăng tải danh sách những người mắc COVID-19 (đầy đủ cả họ tên, địa chỉ nơi cư trú). “Khi đăng tải, chia sẻ lên không gian mạng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, đặc biệt đối với người nhiễm bệnh”, ông Bẩy cho biết thêm.
Theo Thanh tra Sở TT&TT Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân vi phạm, với số tiền 95 triệu đồng. Điển hình, ngày 4/3, cơ quan chức năng xử phạt bà T.T.L.Ph (SN 1979, trú tại huyện Mđrắk, là chủ tài khoản Facebook “L.P”) với số tiền 5 triệu đồng về hành vi “Thu thập, sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý”; Xử phạt T.T.H (SN 1996, trú tại huyện Cư M’gar, chủ tài khoản Facebook “Tr.B.H”) về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”...
Còn Sở TT&TT tỉnh Đắk Nông cũng đã xử phạt hàng loạt trường hợp với các vi phạm tương tự như trên.
Giả mạo văn bản của UBND tỉnh
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Công an tỉnh này chủ trì phối hợp với Sở TT&TT cùng các cơ quan liên quan điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi mạo danh lãnh đạo tỉnh để lừa đảo, trục lợi, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua đó, kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa các đường link, địa chỉ IP, tài khoản mạng xã hội… có dấu hiệu lừa đảo. Động thái này xuất phát từ việc, một số người đã lấy tên, năm sinh các lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng tạo thư điện tử giả mạo gửi đến một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để lừa đảo (đề nghị chuyển tiền đến tài khoản cá nhân) nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản.
Theo đại tá Nguyễn Hữu Lương, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Ðắk Lắk, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện 32 trường hợp đăng các thông tin không đúng sự thật trên không gian mạng, trong đó xử phạt 7 người. “Mục đích của các đối tượng này do hiếu kì, kém nhận thức… chứ không có mục đích chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không vi phạm”, Ðại tá Lương cho hay.
Liên quan đến xử lý vi phạm, tháng 3/2021, Công an tỉnh Lâm Đồng xử phạt B.V.N.H và T.Th.H (đều 15 tuổi, học sinh lớp 9 tại huyện Lâm Hà) và N.L.Q.T (18 tuổi, trú tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) vì đã lan truyền hình ảnh văn bản giả mạo của UBND tỉnh Lâm Đồng có nội dung cho học sinh nghỉ học từ ngày 19/2/2021.
Tại Đắk Lắk, qua đấu tranh, Sở TT&TT tỉnh này đã xử phạt N.Đ.T.P (SN 1987, trú tại TP.Buôn Ma Thuột), là chủ tài khoản Facebook “N.Đ.T.P” với số tiền 5 triệu đồng về hành vi “Giả mạo văn bản của cơ quan Nhà nước và phát tán thông tin giả mạo xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo Chánh Thanh tra Sở TT&TT Đắk Lắk Nguyễn Công Bẩy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định để xử lý mọi hành vi vi phạm trên không gian mạng nói chung và tình hình dịch bệnh COVID-19 nói riêng (xử lý hành chính hoặc hình sự) tương đối đầy đủ cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều trong luật chưa rõ ràng, chồng chéo. Để phù hợp với tình hình thực tiễn, theo ông Bẩy việc bổ sung, sửa đổi, hợp nhất một số văn bản quy phạm pháp luật là điều cần thiết.