Trường Sơn kí sự

Trường Sơn kí sự
TP - Ông Canh nhìn ra con đường 12 rồi buông: “Có được con đường này, đi lại đỡ hơn rất nhiều. Nhưng, cũng vì thế, rừng cũng bị phá nhanh hơn nhiều. Thanh niên trong bản tứ tán kéo nhau vào rừng  mưu sinh hết cả...”.

>> Bài 2: Đêm Cha Lo

Bài 3: Những cư dân dọc đường 12A

Trường Sơn kí sự ảnh 1
Một góc bản Ra Mai

Về đâu Kờ Rong

Một thanh niên đen sắt như lõi gỗ mun vẫy tay xin đi nhờ. Thanh niên đó lưng mang gùi nặng và tay cầm một con dao lài, thứ dao đi rừng của người dân tộc vùng này. Tiếng Kinh khá chuẩn, thanh niên này xin đi nhờ xe về La Trọng.

Hồ Con, tên của người thanh niên, đưa chiếc gùi đầy măng và rau rừng ra phía sau, ngồi vào xe tay vẫn cầm điếu thuốc lá cuốn lá nặng gắt. Hồ Con bảo, nhà của anh ta ở bản Kờ Rong, sát ngay đường 12 này. Mấy chục năm nay rồi bản của anh vẫn ở đó...

Xe chạy chừng 20 phút thì đến bản. Hồ Con xuống xe và mời chúng tôi vào bản của anh chơi. Tiếng là bản nằm sát đường nhưng muốn vào bản thì phải đi vòng một quãng xa và lội băng qua một con suối.

Bản nghèo với chừng 20 ngôi nhà sàn lợp lá và có 140 cư dân đang sống ở đây. Đã quá lâu rồi dân bản không gia cố nhà cửa nên nó hoai mục và dột nát.

Nhà trưởng bản Hồ Canh nằm ngay giữa bản xem ra là vững chãi và bề thế nhất. Dù thế, mái nhà cũng bung một khoảng lớn, phơi lộ cả mảng trời lấy sáng chiếu vào chỗ chúng tôi ngồi.

Ông Hồ Canh tầm tuổi ngoài 50, nói với chúng tôi rằng, thời chiến tranh, bản của ông dạt sâu hút trong rừng thẳm tránh bom đạn Mỹ. Mãi khi lặng yên tiếng súng mới dắt díu nhau kéo ra con suối gần đường 12 này.

Theo ông Canh, ngày bản chọn vị trí này định cư, ai cũng bảo đây là vị trí đắc địa. Rừng núi ngút ngàn. Cá dưới suối khe cứ nghĩ ăn đến bao giờ cho cạn. Thế rồi ngày qua ngày, rừng trống hoác thành đồi ở phía sau. Nương rẫy cứ theo mùa lan rộng sang những cánh rừng nguyên sinh khác.

Giờ đây, muốn có một cái rẫy tốt, phải vào sâu hơn nửa ngày đường mới kiếm được. Tiếng là bám được mặt tiền đường 12, nhưng dân bản chẳng biết làm gì hơn ngoài phát, đốt, cốt, trỉa.

Ông Canh nhìn ra con đường 12 rồi buông: “Có được con đường này, đi lại đỡ hơn rất nhiều. Nhưng, cũng vì thế, rừng cũng bị phá nhanh hơn nhiều. Thanh niên trong bản tứ tán kéo nhau vào rừng  mưu sinh hết cả...”.

Ghé chân vào nhà ông Hồ Bạch (54 tuổi), ông gầy sắt ngồi ở chái nhà mông lung nhìn đoàn xe siêu trường, siêu trọng nối dài thêm móoc, ì ạch chở thạch cao vượt dốc ngoài con đường 12 kia.

Ngôi nhà sàn trống hoác, hoai dột tứ bề. Vợ con ông đi đâu hết cả. Gia đình ông có đến 10 người con và, như cây rừng, nó tự tìm lấy cái ăn trong rừng thẳm.

Ông Bạch bảo, dân bản ở đây gần như thiếu đói quanh năm. Măng rừng, rau rừng, củ rừng là cứu cánh cho họ cầm cự qua những mùa giáp hạt. Người dưới xuôi, theo con đường 12 này thường lên đây thu gom các sản vật mà dân bản kiếm được.

Như cái gùi măng nặng kia của Hồ Con thì phải vào rừng hai ngày trời và bán cho thương lái chỉ chừng 20 ngàn đồng. Phía dưới con suối này người ta đang ngăn đập sắp làm nhà máy thủy điện. Không biết tới đây dân bản sẽ đi đâu...Khoảnh rừng trước mặt đỏ ối những vết loang da báo hoang trơ sỏi đá của nương rẫy cũ tận dụng lại...

Những chấm sáng giữa rừng thẳm

Bản Y Leng quần tụ ngay hai bên đường 12, có dáng dấp của một thị tứ vùng cao, có lẽ nhờ có con đường 12A thời kỳ công nghiệp hóa. Chợ trung tâm, trường học, bệnh xá, công sở đều được xây hai tầng.

Xe chở hàng từ dưới xuôi lên đậu kín khoảnh đất trước cổng chợ. Chúng tôi tìm nhà ông Hồ Thoòng, người duy nhất ở đây còn giữ một bộ diệp thư (sách lá) được coi là báu vật của người Khùa.

Nhà ông Thoòng nằm sát ngay đường 12A. Một ngôi nhà sàn khang trang, vững chãi nhất nhì của bản Y Leng này. Hỏi ra mới biết, đây là ngôi nhà tình nghĩa người ta làm tặng cho bố ông, anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Phòm. Ông Thoòng chuẩn bị lên rẫy.

Ông bảo rẫy của ông cách đây gần nửa ngày đường. Chỉ tay vào các hàng quán gần khu trung tâm, ông Thoòng nói, họ đều là người dưới Kinh lên ở đây buôn bán, còn người Khùa bản địa thì chẳng có hộ nào đủ vốn và kinh nghiệm để kinh doanh cả.

Cuộc mưu sinh như ngàn đời nay vẫn thế, vẫn nhờ vào nương rẫy và khai thác các sản vật của rừng để tồn tại qua ngày. Những chuyến xe oằn mình chở thạch cao đang dừng lại ăn trưa gần chợ.

Đường 12A đang bị băm nát bởi những con khủng long này. Mặt đường đầy những ổ trâu, ổ voi. Bao nhiêu tiền của đổ vào đây từ năm này đến năm khác, hết duy tu, bảo dưỡng, đến nâng cấp.

Nhớ cái ngày 19 tháng 6 năm 2006 khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lúc đó đang là Bí thư Thành ủy TPHCM, ra thăm Quảng Bình và yêu cầu đến một vùng đồng bào dân tộc đang sống khó khăn nhất.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết kêu gọi các doanh nghiệp cùng đi  hỗ trợ ba tỷ đồng xây dựng nơi đây có một bản kiểu mẫu... Trầy trật mãi gần ba năm trời, bản kiểu mẫu ấy cũng hoàn thành.

Bản có tên là Ra Mai với 50 nhà sàn vững chãi cùng với hệ thống hạ tầng đồng bộ. Cư dân dọc tuyến 12A này khát khao, mơ ước đến một ngày nào đó họ cũng sẽ được sống trong một bản kiểu mẫu như Ra Mai.

Bao máu xương đã đổ cho con đường này trong cuộc kháng chiến khốc liệt. Già làng Hồ Xóc khóc như trẻ nhỏ khi tiếp nhận căn nhà mới ở Ra Mai.

Ông Hồ Nhâm, nguyên Bí thư đảng ủy xã trước đây, giờ là già làng ở vùng Y Leng này đã đến nhìn, ngắm Ra Mai và ước rồi sẽ có một ngày người Khùa, người Mày, người Sách dọc đường 12A sẽ là những cư dân trong những bản mới như Ra Mai kiểu mẫu.

Ông Hồ Thảo lại nghĩ khác, được sống trong bản mới, làng mới, được Chủ tịch nước quan tâm thì những người mang họ Hồ ở đây phải biết cái chữ Bác Hồ. Ông Thảo đã làm được điều đó. Năm đứa con của ông đều được ông cho đến trường học chữ.

Chúng tôi rời tuyến đường 12A với ngổn ngang tâm trạng. Kí ức ngày xưa còn đó. Cứ mỗi km đường 12 có một tiểu đội TNXP bám giữ cho thông xe, thông tuyến.

Hơn 40 năm trôi qua, dọc tuyến đường 12A, vẫn còn đó những mảng đồi nham nhở cháy, đỏ nhức vì miếng cơm, manh áo. Vẫn còn đó những phận người cơ cực, lay lắt, nhọc nhằn tồn tại qua ngày...    

-------------------------

Còn tiếp

Minh Toản

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.