Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại:

Trường Sơn kí sự: Bài 6

Trường Sơn kí sự: Bài 6
TP - Vượt đèo Đá Đẽo sáng tinh mơ. Sương núi mờ giăng mù mịt. Càng lên phía đỉnh, hai tai càng lùng bùng vì chênh áp suất. Trong màn mây đỉnh đèo hiện ra tấm bia đá: “Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 đến 1972”.

Núi rừng vùng đèo tịnh không và thâm u. Thảng hoặc đâu đó trong cánh rừng nguyên sinh bên đường vọng ra tiếng chim bìm bịp chợt gần, chợt xa... Tuyến 15A ngày đó, khi vượt qua “cán soong” Đá Đẽo-Đẽo Đá mà đi này, không lực Hoa Kỳ coi đó là tử huyệt.

Chặt đứt được nó là làm tê liệt toàn tuyến. Bảy năm trời, vùng đèo Đá Đẽo chưa có lấy một ngày bình yên. Bom trên trời ào ào giội xuống. Pháo từ ngoài hạm đội cấp tập bắn vào một đoạn đường đèo chưa đầy 10 cây số.

Tất cả bị băm nát,  xới tung lên đến trơ đá, bật gốc. Đá Đẽo ngày đó ngỡ bị san phẳng thành bình địa dưới sức công phá của hàng trăm ngàn tấn đạn bom. Nhưng, Đá Đẽo vẫn sừng sững, cùng những đôi bàn tay trần của hàng trăm thanh niên xung phong (TNXP) cảm tử cho “đường chưa thông không tiếc máu xương”...

Trong ba cá nhân của toàn lực lượng TNXP được phong tặng danh hiệu anh hùng ngày đó, có hai nữ, ngoài chị Nguyễn Thị Kim Huế, trên tuyến đường 12A (chúng tôi đã đề cập trong bài 1) thì, trên tuyến 15A ngay đèo Đá Đẽo này, có Anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp. Nữ trung đội trưởng thép này được phong tặng danh hiệu anh hùng sau chị Huế năm năm (1972)...

Bây giờ muốn tìm gặp chị Hiệp thật khó. Chị hiện ở thôn nghèo, rẻo cao Ba Nương (Xuân Hóa, Minh Hóa). Thi thoảng lắm mới ở nhà. Phần thời gian còn lại chị, ở tuổi 64, thường vào thành phố Đồng Hới để ở cùng với các anh chị em TNXP đạn lửa một thời, giờ đơn thân và không nơi nương tựa trong một ngôi nhà tình nghĩa do một cán bộ đoàn, tự bỏ tiền túi ra xây dựng. Chúng tôi đã gặp chị trong ngôi nhà này.

Chị kể: “Tôi là con thứ tư trong gia đình có bảy anh chị em. 18 tuổi tôi viết đơn đi TNXP. Thấy lớp lớp thanh niên nô nức ra trận, tôi thấy mình phải có mặt trong dòng người đó.

Thế là lên đường. Đơn vị của chúng tôi có mặt hầu khắp các tọa độ lửa trên tuyến 15A ngày đó như bến phà Xuân Sơn, Khe Gát, Bãi Tranh... và dừng lại nơi ác liệt nhất là đèo Đá Đẽo. Có khi cả tháng trời chỉ cầm hơi bằng rau, củ rừng để bám đường, thông tuyến.

Tôi còn nhớ như in chiến dịch 97 ngày đêm năm 1966, không quân Mỹ tập trung chặt đứt Đá Đẽo. Bom đạn mù trời. Toàn bộ lực lượng đều bám mặt đường cho thông xe. Mấy lần đồng đội tìm lôi tôi  bị vùi kín dưới đất đá. Năm 1970, chị lập gia đình. Chồng chị cũng là TNXP.

Năm 1976, chồng chị mất trong một tai nạn giao thông. Chị ở vậy cho đến bây giờ. Mỗi khi trái gió, trở trời, vết thương ngày nào tái phát. Bốn đứa con của chị đều ở nhà làm ruộng. Một chút phụ cấp bệnh binh và khoản tiền anh hùng, chị yên tâm sống quãng đời còn lại với những đồng đội đơn thân trong ngôi nhà này...

Ngôi nhà đồng cảm

Anh Trần Hùng Sơn bàn với vợ là chị Phương – chủ một cửa hàng kinh doanh dịch vụ hiếu hỉ cạnh chợ Đồng Hới, dành phần lớn số tiền đang có để mua đất, làm ngôi nhà chung cho những cựu TNXP đơn thân về đây sinh sống. Vợ anh đồng ý ngay.

Ngôi nhà mà chị Hiệp đang ngồi nói chuyện với chúng tôi được anh Trần Hùng Sơn xây dựng cách đây gần ba năm, thuộc thôn Thuận Hòa (Thuận Đức), cách trung tâm thành phố Đồng Hới 5km.

Nhà khang trang, rộng trên 150 m2, trong khuôn viên gần 1,5 ha. Trần Hùng Sơn sinh năm 1957, nguyên là sỹ quan hải quân, một thời gian dài làm giảng viên tại trường sỹ quan hải quân Nha Trang.

Ra quân năm 1987, về Tỉnh Đoàn Quảng Bình phụ trách công tác chính sách cho các cựu TNXP, hiện anh là phó chủ tịch hội cựu TNXP của tỉnh Quảng Bình.

Gần 500 triệu đồng được vợ chồng anh đầu tư vào đây để có một khuôn viên xanh mát bóng cây và ngôi nhà khá đầy đủ tiện nghi, đủ để những cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn yên tâm ở lại. Trong dự định, anh sẽ mời bảy cựu TNXP khó khăn nhất về ở tiền trạm rồi, sau đó, có thể nhân rộng ra.

Cư dân trong ngôi nhà tình nghĩa của anh đã có chị Nguyễn Thị Liên, quê Hạ Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), không chồng, không con. Chị Nguyễn Thị Hà, quê Chương Mỹ (Hà Tây cũ), chị Nguyễn Thị Khánh, quê Quảng Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình) chồng mất hơn 30 năm nay.

Ba phụ nữ đơn thân ấy, bệnh tật thường xuyên, dựa vào nhau, chia ngọt sẻ bùi như những năm tháng xưa kia đồng cam cộng khổ. Anh Sơn bảo, cứ có thời gian rảnh là các chị lại chụm lại kể chuyện ngày xưa, ngày mở đường đánh Mỹ. Ngôi nhà này gần lắm đường Hồ Chí Minh, đường 15A “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.