Bình Dương:

Trưởng khu phố ăn chặn tiền bảo trợ xã hội của dân

TPO - Ông Nguyễn Văn Nam – Trưởng ban Điều hành KP. Cây Chàm, phường Thạnh Phước, TX. Tân Uyên (Bình Dương) sau khi nhận “dùm” tiền trợ cấp của nhiều người đã không đem lại cho người được hưởng. Vụ việc chỉ được phát hiện sau gần 3 năm nhân viên bưu điện đi tìm người nhận trợ cấp và “bí mật” được lật tẩy.

Trưởng khu phố ẵm tiền trợ cấp

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, vào đầu năm 2016 ông Huỳnh Văn O (SN 1960, ngụ KP. Cây Chàm, phường Thạnh Phước, TX. Tân Uyên, Bình Dương) được cơ quan chức năng địa phương đến xem xét, sau đó đưa ông O vào danh sách những người được nhận tiền trợ cấp bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, mãi đến cuối năm 2016, gia đình ông O mới được ông Nguyễn Văn Nam – Trưởng ban Điều hành KP. Cây Chàm đến đưa tiền trợ cấp 510.000 đồng.

Lúc bấy giờ, gia đình ông O không biết mình được hưởng chế độ như thế nào và số tiền bao nhiêu. “Chồng tôi bị bệnh thần kinh lúc tĩnh, lúc mơ. Cuộc sống của gia đình tôi khó khăn vì người trụ cột không làm gì ra tiền. Thấy hoàn cảnh khó khăn, chính quyền đã đến làm thủ tục và nói sẽ xem xét, hỗ trợ. Tuy nhiên, tôi không biết thời gian nào được hưởng và hưởng bao nhiêu tiền. Khi ông Nam đến đưa tiền thì tôi nhận 510.000 đồng”, vợ ông Huỳnh Văn O kể.

Trưởng khu phố ăn chặn tiền bảo trợ xã hội của dân ảnh 1 UBND phường Thạnh Phước

Đến năm 2017, ông Nam cũng chỉ đến đưa cho ông Nguyễn Văn O 1 lần với số tiền 510.000 đồng. Khi nhận tiền, gia đình ông O vẫn mặc nhiên nhận mà không thắc mắc chuyện mình được nhận bao nhiêu và đến khi nào, vì nghĩ chỉ được hỗ trợ “tùy tâm”. Tuy nhiên, đến tháng 6/2018 gia đình ông O mới biết được mình thuộc diện nào và được nhận bao nhiêu tiền.

Vào thời điểm này, UBND phường Thạnh Phước đã bàn giao việc chi tiền trợ cấp xã hội qua bên bưu điện phường để đơn vị này trực tiếp chi trả. Khi nhân viên bưu điện trực tiếp đến tìm nhà ông O để trả tiền trợ cấp thì vợ ông O có hỏi về việc mình nhận tiền trợ cấp như thế nào.  Nhân viên bưu điện giải thích, trường hợp ông O được nhận trợ cấp hàng tháng với số tiền 510.000 đồng. Khi biết chuyện, vợ ông O búc xúc đến gặp cán bộ Thương bình Xã hội phường Thạnh phước để phản ánh.

Khi chuyện “ém tiền” trợ cấp của người dân bị vỡ lỡ, ông Nam sau đó đã thương lượng với gia đình ông O để trả lại số tiền trợ cấp trước đây nhận dùm nhưng không trả. Tuy nhiên, ông Nam chỉ trả lại số tiền 10 tháng.

Xem xét, kỷ luật cán bộ

Ông Nguyễn Văn Nam – Trưởng ban Điều hành KP. Cây Chàm đã nhận giúp tiền của hàng chục trường hợp được nhận tiền trợ cấp xã hội trên địa bàn. Ông Huỳnh Văn O không phải là trường hợp cá biệt bị ông Nam “ém “ tiền trợ cấp. Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Ngô Văn Tùng cũng rơi vào trường hợp tương tự. Ông Nam sau khi nhận giúp tiền trợ cấp cho ông Tùng cũng không đưa về trả lại cho ông Tùng.

Nói về lý do vì sao nhận tiền nhưng không đưa lại cho người được thụ hưởng, ông Nguyễn Văn Nam cho biết: “Tôi bận nhiều việc nên quên. Hơn nữa, các hộ được nhận tiền trợ cấp thay đổi chỗ ở thường xuyên nên không gặp để đưa tiền”. Trong khi đó, người dân tại KP. Cây Chàm cho biết vợ chồng ông Huỳnh Văn O buôn bán nhỏ ở chợ Tân Lương (cách nhà ông Nam vài trăm mét) và hộ ông Tùng sinh sống cố định (cách nhà ông Nam cũng vài trăm mét). Việc ông Nam nói không gặp hộ ông Tùng, ông O là ngụy biện.

Trưởng khu phố ăn chặn tiền bảo trợ xã hội của dân ảnh 2 Nhà ông Nguyễn Văn Nam - Trưởng ban Điều hành KP. Cây Chàm

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBND phường Thạnh Phước cho biết, cán bộ chuyên môn Thương binh và Xã hội phường biết vụ việc nhưng che dấu, không báo cáo với lãnh đạo phường. Do đó, khi PV báo Tiền Phong đến tìm hiểu vụ việc ông mới biết. “Cán bộ nhận tiền không trả cho người được trợ cấp là sai. Tôi sẽ làm rõ vụ việc và báo cáo vụ đến Đảng ủy phường. Đồng thời đề xuất hình thức xử lý kỷ luật cán bộ phường và trưởng khu phố. Sau khi có hướng xử lý cuối cùng, UBND phường sẽ thông tin đến báo Tiền Phong”, ông Bình nói.

Vị Chủ tịch phường Thạnh Phước cũng thông tin thêm, trường hợp của ông Huỳnh Văn O được nhận trợ cấp bắt đầu từ đầu năm 2016 đến nay. Từ năm 2016 đến hết năm 2017, việc chi trả tiền bảo trợ xã hội do cán bộ chuyên môn Thương Binh Xã hội phường chi trả. Tuy nhiên, đầu năm 2018, việc chi trả tiền bảo trợ xã hội đã được bàn giao cho bưu điện phường đảm nhiệm chi trả.

Sự việc vỡ lỡ khi tháng 6/2018, ông Nam đi công việc nhiều ngày nên không đến bưu điện nhận tiền giúp những người hưởng trợ cấp. Vì vậy, để thanh toán đúng hạn, nhân viên bưu điện trực tiếp đến nhà ông O để chi trả tiền, từ đó lộ ra chuyện ông Nam nhận tiền không trả.

MỚI - NÓNG