Đang học ngành “người mẫu và các quy tắc ứng xử” tại trường Cao đẳng Thương mại và Công nghiệp Nghĩa Ô gần thành phố Thượng Hải, nữ sinh viên Jiang Mengna mong muốn gia nhập lực lượng những người trẻ tuổi Trung Quốc kiếm bộn tiền từ việc trở thành ngôi sao trên mạng. Nhiều người trẻ Trung Quốc đang kết nối trực tiếp với khoảng 700 triệu người sử dụng điện thoại thông minh ở nước này thông qua việc phát hình ảnh của họ lên mạng để tạo hiệu ứng, quảng cáo cho thương hiệu sản phẩm hoặc kinh doanh trên mạng. Được gọi bằng tên “wanghong” (nghĩa là “hot” trên mạng), lực lượng này đang tạo nên một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la Mỹ, lớn đến mức trở thành ngành học trong một số trường đại học và cao đẳng.
Tại trường Cao đẳng Thương mại và Công nghiệp Nghĩa Ô, Jiang và 33 sinh viên, hầu hết là nữ, được đào tạo các kỹ năng trang điểm, khiêu vũ, trình diễn catwalk trong ánh đèn nhấp nháy. Họ cũng được dạy cách ăn mặc hợp mốt, trình diễn trước camera và học về các thương hiệu hàng xa xỉ. “Tôi thích tự chọn quần áo đẹp cho mình và chụp ảnh. Tôi thấy chuyên ngành này rất hợp với tôi”, Jiang kể. Cô dành khoảng 30 phút vào giờ ăn trưa để phát hình ảnh mình lên mạng.
Cô nhận được 60 nhân dân tệ (200.000 đồng) “tiền thưởng ảo” - biểu tượng cảm xúc có giá trị nhỏ dành cho các wanghong, cho đến khi họ trở thành hiện tượng trên mạng. “Nhu cầu học chuyên ngành này ngày càng cao vì thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh”, cô Hou Xiaonan, giáo viên dạy khiêu vũ của trường, cho biết.Wang Xin, 20 tuổi, bỏ ngành kế toán để chuyển sang học wanghong. “Tôi có một ý tưởng, một giấc mơ đứng dưới ánh đèn sân khấu và đám đông dõi theo tôi”, Wang nói.
Trong lớp học, các sinh viên đang bước theo nhịp chân của cô Wang Houhou, người tự mô tả mình là nghiện mua sắm, và bạn nhảy Wang Ruhan. Từ năm ngoái, khi mới bắt đầu đưa lên mạng xã hội những lời khuyên về thời trang và nơi mua quần áo đẹp, cặp đôi này không nghĩ rằng sở thích của họ có thể giúp kiếm tiền. Không lâu sau đó, những lời khuyên và đoạn video của cặp đôi ở Thượng Hải này thu hút vài trăm ngàn người xem, trong đó có cả những nhà bán lẻ. Giống như những wanhong khác, cặp đôi này đang tận dụng sự nổi tiếng của mình để bán hàng thời trang trên mạng. “Tôi tìm thấy một món đồ thú vị để mặc, rồi tôi chụp ảnh đưa lên blog, thế là nhiều người đi tìm mua món đồ giống như vậy”, cô Wang Houhou kể.
Hãng tư vấn Analysys International ước tính, ngành công nghiệp wanghong của Trung Quốc trị giá khoảng 53 tỷ nhân dân tệ (khoảng 180 nghìn tỷ đồng) trong năm 2016 và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017.“Một người vô danh có thể đột nhiên trở nên nổi tiếng và người bình thường cũng có thể thành sao”, ông Yuan Guobao, tác giả cuốn sách “Nền kinh tế Wanghong”, mô tả.
Một nhân vật kỳ cựu trong các wanghong là cô Jiang Yilei, 30 tuổi, ở Thượng Hải. Tốt nghiệp trường đào tạo diễn viên hàng đầu Trung Quốc, Jiang là tác giả của hàng loạt đoạn phim chi phí thấp nhưng trở thành hiện tượng trên mạng với nhiều nội dung từ cuộc sống đô thị đến mối quan hệ xã hội. Cô gái mang biệt danh “Papi Jiang” giờ có 23 triệu người theo dõi (follower) và là gương mặt đại diện cho nhiều thương hiệu như hãng giày New Balance hay hãng đồng hồ xa xỉ Jaeger-LeCoultre.