Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố ấn phẩm về kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố ấn phẩm về kinh tế Việt Nam
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa  tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 với chủ đề “Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển”, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020 của trường.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, trước những tác động tiêu cực nặng nề của đại dịch, Chính phủ các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phản ứng với quy mô và tốc độ nhanh chóng và quyết liệt chưa từng có trong lịch sử.

Những phản ứng chính sách kịp thời đó ban đầu được đánh giá là đã giúp làm giảm bớt những khó khăn kinh tế mà đại dịch đem lại đối với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng nhấn mạnh, nhiều gói chính sách được coi là khó tiếp cận, không phù hợp với thực tiễn, tiêu tốn nguồn lực và không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Việc tổng kết thực tiễn và đánh giá các chính sách phản ứng với đại dịch trong thời gian qua là hết sức cần thiết, không chỉ về mặt thực tiễn để đưa ra các khuyến nghị chính sách giúp nền kinh tế vượt qua và giảm thiểu tổn thất kinh tế đối với người dân và doanh nghiệp, từ đó phục hồi và phát triển bền vững; mà còn có ý nghĩa về mặt lý luận trong việc thiết kế và thực hiện các chính sách phản ứng đối với những cú sốc tương tự COVID-19.

Theo PGS.TS Tô Trung Thành, đồng chủ biên ấn phẩm phân tích, thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ như thế nào nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới, mà sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm. Theo đó, thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát khủng hoảng COVID-19 và biến khủng hoảng thành cơ hội. Việt Nam đã nâng cao sự hiện diện trong thương mại toàn cầu và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh với việc kết nối, tận dụng các công cụ công nghệ thông tin mới tốt hơn; có tính toán đến chuyển đổi và tạo ra công nghệ xanh nhằm duy trì thế mạnh cạnh tranh…

Tuy nhiên, ông Jacques Morisset cũng chỉ rõ dịch COVID-19 khiến tại Việt Nam xuất hiện những nguy cơ tổn thương mới. Cụ thể như: 46% hộ gia đình cho biết thu nhập tháng 12/2020 thấp hơn so với 1 năm trước đó. Các chương trình xã hội hiện nay mới chỉ tập trung vào đối tượng nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các nhóm đặc biệt; các chương trình gần đây trong gói hỗ trợ của tháng 4/2020 chưa được thực hiện tốt, chưa đến 1% đối tượng được nhận hỗ trợ…

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm đưa đất nước vượt qua đại dịch COVID-19. Theo đó, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức, tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Các chính sách hỗ trợ lợi nhuận hoặc hàng hóa xa xỉ chưa phù hợp cần được thiết kế lại.

Chính phủ cũng cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng chính sách, giảm mức thu các loại phí, lệ phí dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch. Các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp theo thứ tự ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động; đồng thời, giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất để đảm bảo cơ cấu tín dụng lành mạnh và an toàn hệ thông trong tương lai.

Các chuyên gia cũng cho rằng song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang được thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID -19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Cụ thể như: đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; hoàn thiện thể chế, tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo… Những giải pháp mang tính dài hạn này để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng cần được kiên quyết thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.

Ngay trước hội thảo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đã tổ chức họp báo công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020. PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2020 có chủ đề là "Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển".

Đây là ấn phẩm thường niên, quy tụ được lực lượng nghiên cứu mạnh của Nhà trường. Sản phẩm nghiên cứu thường niên này của trường có mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2020, đánh giá các chính sách ứng phó đối với đại dịch COVID-19 của Chính phủ trong năm 2020, từ đó đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

MỚI - NÓNG