Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định số 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển của Nhà trường lại được bắt đầu từ một sự kiện quan trọng là ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội với nhiệm vụ đào tạo giáo sư Văn khoa ban Trung học.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm phòng truyền thống trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh Tiến Tuấn |
Nhiều người đã trở thành các nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà thơ nổi tiếng mà tên tuổi của họ mãi làm rạng danh nền học vấn nước nhà như giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Văn Thiêm, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Phạm Huy Thông, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Lân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật...
Giáo dục là "bà đỡ" cho sự sáng tạo
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là sự định vị của giáo dục Việt Nam, của đại học Việt Nam, tọa độ của khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới. Quan trọng hơn, ai cũng ý thức sâu sắc rằng, đất nước muốn văn minh phải nâng cao dân trí, phải có người thực tài và người tài phải được tôn trọng đúng nghĩa, được tự do làm việc và cống hiến. Nghĩa vụ của giáo dục là khơi thông dân trí để họ được sống bình đẳng; phát hiện, nuôi dưỡng và bồi dưỡng nhân tài để họ tự do sáng tạo, để phục vụ đất nước.
Điều này đặt ra cho trí thức, cho nhà giáo Việt Nam nhiều câu hỏi lớn. Không chỉ vậy, bài học về tư cách, về bản lĩnh, về tính phụng sự, về việc dùng người luôn là chìa khóa mở đường cho đất nước phát triển.
Chia sẻ với các thầy cô giáo, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết, trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải là mảnh đất cho những ý tưởng mới ươm mầm và trỗi dậy; có nghĩa vụ xác định, giáo dục là tạo động lực, là hình thành cách tư duy và hướng đến hành động hiệu quả. Giáo dục tạo ra sự thay đổi và tiến bộ; chinh phục cái mới, và là "bà đỡ" cho những ý tưởng sáng tạo.
"Trọng trách của một đại học sư phạm trọng điểm không đơn thuần là giải quyết các nhiệm vụ trước mắt mà phải dự báo được những gì sẽ diễn ra trong tương lai của giáo dục và đưa ra cách thức giải quyết. Chính thế, hãy dám thay đổi, hãy dám làm cái mới, dẫu biết rằng, có lúc phải trả giá, nhưng hãy dấn thân, nếu đó là vì lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc.
Muốn vậy, Nhà trường sẽ phải xây dựng mô hình quản trị mới, cải tiến và cập nhật chương trình đào tạo, cách thức đào tạo hiện đại, trên nền tảng công nghệ số; xây dựng một môi trường học thuật thoáng đãng, văn minh, hiện đại; có các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục, tạo cơ sở lý luận vững chắc để cải thiện chất lượng giáo dục; mạnh dạn đề xuất các cơ chế để những tài năng sư phạm hội tụ về đây được phát triển và cống hiến để đào tạo ra các sinh viên đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời đại mới" - GS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hệ thống các trường sư phạm, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có vị trí rất quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đi đào tạo các thế hệ tương lai của đất nước, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vì lẽ đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Nhà nước xác định là một trong hai trường đại học sư phạm trọng điểm của cả nước, là một trong những cái nôi đào tạo ra những thực hiện sứ mệnh trồng người.
70 xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phấn đấu không ngừng và đạt nhiều thành tích vẻ vang. Nhà trường đã nhiều lần vinh dự đón nhận danh hiệu và phần thưởng cao quý của Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ nhất năm 1981; Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ nhất năm 1996, lần thứ hai năm 2016; Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2001 và lần thứ hai năm 2011, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2004.
Nhân kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường lại đón nhận niềm vui lớn, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định tặng thưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai.