Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lý giải việc một số sinh viên bị 'giam bằng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Do xuất phát từ một số điểm chưa thống nhất giữa quy định của Việt Nam với các yêu cầu của phía đối tác nước ngoài nên một số sinh viên theo học chương trình liên kết của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bị chậm lấy bằng tốt nghiệp. 

Vừa qua, như Tiền Phong đã thông tin, một số sinh viên theo học tại Viện đào tạo Quốc tế, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân phản ánh không được trả bằng tốt nghiệp. Nguyên nhân do nhà trường yêu cầu sinh viên phải bổ sung chứng chỉ tiếng Anh để đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lý giải việc một số sinh viên bị 'giam bằng' ảnh 1

Ảnh: Minh Học

Trả lời về vấn đề này, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết Chương trình Cử nhân Quốc tế của Trường (IBD@NEU) được Văn phòng Chính phủ và Bộ GD&ĐT phê duyệt thực hiện từ năm 2005.

Theo Đề án của Chương trình, sinh viên chưa có chứng chỉ tiếng Anh đạt yêu cầu (IELTS 6.5 hoặc IELTS 7.0 tùy theo giai đoạn) cần hoàn thành chương trình học tiếng Anh TEG và có chứng chỉ tiếng Anh TEG Level 4 do đối tác TEG/TMC Singapore cấp. Đây là điều kiện đầu vào tiếng Anh của giai đoạn chuyên ngành theo yêu cầu của các đối tác nước ngoài cấp bằng (gồm các Trường ĐH Sunderland, ĐH West of England, ĐH Coventry – Vương quốc Anh).

Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2012/NĐ-CP về Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, quy định trình độ ngoại ngữ đối với liên kết đào tạo trình độ ĐH thì đối tượng tuyển sinh phải có trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương.

Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP về Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định điều kiện tiếng Anh áp dụng cho sinh viên tham gia học tập trong các chương trình liên kết đào tạo quốc tế phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Sau khi những Nghị định nêu trên được ban hành, sinh viên của Chương trình IBD@NEU vẫn được Trung tâm Công nhận Văn bằng, Cục Quản lý chất lượng (QLCL), Bộ GD&ĐT cấp chứng chỉ công nhận văn bằng cho đến cuối năm 2020.

Ngày 30/3/2021, Cục QLCL, Bộ GD&ĐT có công văn số 231/QLCL-CNVB về việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh TEG gửi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu rõ: “Cục QLCL chỉ xem xét công nhận văn bằng cho từng trường hợp cụ thể của sinh viên nhập học chương trình bồi dưỡng tiếng Anh TEG từ năm 2016 trở về trước. Sinh viên nhập học chương trình TEG từ thời điểm tháng 01/2017 đến thời điểm hiện tại để được xem xét công nhận văn bằng cần cung cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu (IELTS 5.5/TOEFL 500) hoặc chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 trở lên [...]theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Như vậy, theo công văn 231/QLCL-CNVB thì chứng chỉ TEG Level 4 chưa được Bộ xem xét đảm bảo đủ trình độ bậc 4/6 theo Khung tham chiếu ngoại ngữ Việt Nam.

Điều này đã khiến Trường ĐH Kinh tế quốc dân băn khoăn về cơ hội được công nhận văn bằng đối với các bạn sinh viên đã tốt nghiệp chương trình IBD@NEU chưa có chứng chỉ B2 hoặc tương đương, và cần làm rõ vấn đề này vì quyền lợi của sinh viên.

Do đó, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã có văn bản gửi đến các bộ phận liên quan thuộc Bộ GD&ĐT (Vụ Giáo dục ĐH, Cục QLCL và Thanh tra). Đồng thời, Nhà trường đã tích cực hỗ trợ sinh viên thi tiếng Anh 3 đợt để các em nhận các chứng chỉ B2 hoặc tương đương, để giúp các em đảm bảo quyền lợi được công nhận văn bằng.

Bộ GD&ĐT sau đó đã trực tiếp làm việc cùng với Đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân để thảo luận giải pháp nhằm giải quyết vấn đề trên. Theo tinh thần chủ trương tại cuộc họp với Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã thực hiện trả bằng cho các bạn sinh viên vì đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện yêu cầu của đối tác đào tạo và cấp bằng. Về phía điều kiện Việt Nam, Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu Trường ĐH Kinh tế quốc dân tiếp tục giải trình để chứng minh chương trình đào tạo tiếng Anh TEG Level 4 đảm bảo trình độ bậc 4/6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.

Ngoài ra, từ năm 2022, Nhà trường đã đưa chương trình tiếng Anh B2 vào giảng dạy cho đến khi chứng chỉ TEG Level 4 được công nhận.

Bà Trịnh Thị Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế khẳng định Viện và Nhà trường luôn lắng nghe, tiếp nhận và hết sức chia sẻ với những bức xúc của sinh viên. Các thầy cô trong Nhà trường đã dành nhiều tâm huyết để đào tạo các em trong suốt 4 năm là mong nhìn thấy các em trưởng thành và được nhận tấm bằng tốt nghiệp một cách xứng đáng, bởi sự thành công của các em chính là phần thưởng lớn nhất cho các thầy cô.

"Tuy nhiên Nhà trường cũng mong sinh viên thông cảm vì việc này xuất phát từ một số điểm chưa thống nhất giữa quy định của Việt Nam với các yêu cầu của phía đối tác nước ngoài. Quan điểm nhất quán của Nhà trường là luôn đặt lợi ích chính đáng của người học lên trên hết, mà trong đó, việc đảm bảo tính pháp lý và sự công nhận của tấm bằng Cử nhân sinh viên nhận được là nguyên tắc tối cao", bà Giang chia sẻ.

Cho đến nay, trong tổng số 166 sinh viên tốt nghiệp năm 2022, hầu hết các em đều đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của Việt Nam và các đối tác; chỉ có 17 sinh viên tốt nghiệp với chứng chỉ tiếng Anh TEG Level 4 thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi quy định trên. Hiện đã có 144 sinh viên đã nhận bằng để phục vụ cho quá trình tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Trong số 17 sinh viên tốt nghiệp với chứng chỉ tiếng Anh TEG Level 4, hiện chỉ còn 9 sinh viên chưa đến nhận bằng tốt nghiệp.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.