Trường Đại học công bố báo cáo Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2021

0:00 / 0:00
0:00
Trường Đại học Thương mại tổ chức Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2021 với chủ đề chuyên sâu về "Phát triển kinh tế trong đại dịch COVID- 19".

Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam là một sản phẩm khoa học nằm trong Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm giai đoạn 2018 - 2025 của trường Đại học (ĐH) Thương mại thể hiện quan điểm khách quan và độc lập đối với các vấn đề kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế.

Trường Đại học công bố báo cáo Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2021 ảnh 1

GS.TS Đinh Văn Sơn, nguyên hiệu trưởng nhà trường, Tổng biên tập tạp chí Khoa học Thương mại, chủ biên của Báo cáo thường niên cho biết, báo cáo này là bức tranh toàn cảnh và những nét nổi bật về kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Trong đó, phân tích và đánh giá về tổng quan mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, cân đối cung cầu của một số mặt hàng thiết yếu, thị trường và chủ thể tham gia thương mại; phương thức, loại hình và nhượng quyền thương mại; phát triển một số loại hình hạ tầng thương mại, cán cân thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa theo mặt hàng, thị trường, chính sách quản lý và phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, báo cáo thông tin diễn biến và tác động của đại dịch COVID-19 trên thế giới, tác động của đại dịch đến kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, báo cáo đã phân tích, đánh giá các biện pháp ứng phó, thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng kinh tế, thương mại của Chính phủ Việt Nam năm 2021.

Trên cơ sở dự báo diễn biến đại dịch COVID-19, cũng như xu hướng của nền kinh tế, biến động về chính trị thế giới và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam, báo cáo đã đưa ra những dự báo về kinh tế, thương mại và một số hàm ý chính sách áp dụng cho Việt Nam năm 2022 và các năm tiếp theo.

Theo báo cáo, những tác động của đại dịch tiếp tục làm suy thoái kinh tế, là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và làm suy yếu sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, dịch bệnh kéo dài làm kiệt quệ sức lực của nhiều doanh nghiệp trong nước. Có 119.828 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể trong năm 2021. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có tới 54.960 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh để chờ đợi thời điểm thích hợp tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Tuy nhiên, về tăng trưởng xuất, nhập khẩu năm 2021 có nhiều khởi sắc ấn tượng, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại đã duy trì sản xuất và xuất khẩu, với tổng kim ngạch kỷ lục là 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020...

Báo cáo cũng dự báo năm 2022, các hoạt động thương mại nội địa, xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ và đầu tư tại Việt Nam đều khởi sắc hơn năm 2021. Các chính sách của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là cơ sở và động lực để đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và kinh tế - xã hội về trạng thái bình thường, dần phục hồi và phát triển".

Được biết đây là Báo cáo lần thứ 4 được công bố và nằm trong chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế và thương mại lớn một năm qua.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.