Trung Quốc xử quan 'ăn' đất và nhà
Năm 2011 sẽ là năm chống tham nhũng mạnh mẽ của Trung Quốc, đặc biệt là tham nhũng trong lĩnh vực nhà đất ở nước này, theo tuyên bố được đưa ra sau kỳ họp lần 6 của Ủy ban điều tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản trung Quốc (CCDI) từ ngày 9 đến 11-1.
Một người lao động nghèo đi ngang qua khu nhà cao tầng ở Thượng Hải. Ảnh: China Daily. |
CCDI nhấn mạnh sẽ xử lý triệt để các quan chức sai phạm trong lĩnh vực này, trong bối cảnh giá nhà đất đang tăng quá cao và trở thành mối quan tâm hàng đầu ở Trung Quốc.
Trong đó, như Tân Hoa xã cho biết, các quan chức sở hữu trái phép nhiều nhà cửa, đất đai; kinh doanh hoặc cho chiếm nhà giá rẻ dành cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội để cho thuê... sẽ bị kỷ luật nặng.
Năm 2011, các cơ quan điều tra kỷ luật trực thuộc CCDI sẽ tiếp tục xử lý mạnh các quan chức tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cũng như những sai phạm trong định giá, ký kết thông qua các dự án xây dựng, có dấu hiệu lừa dối công chúng hoặc giành hợp đồng xây dựng bất hợp pháp.
Số liệu thống kê của CCDI cho biết trong năm 2010 có 146.517 quan chức bị kỷ luật do liên quan đến tham nhũng, trong đó có 5.098 lãnh đạo từ cấp huyện trở lên và 804 người đã bị chuyển hồ sơ sang cơ quan công tố. Nhân Dân Nhật Báo ngày 10-1 dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc hiện “vẫn rất nghiêm trọng”.
Giải thích ưu tiên chống tham nhũng trong lãnh vực nhà đất, nhật báo Thanh Niên Trung Quốc cho biết các chương trình xây dựng nhà giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp, từ khi được chính phủ ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đã trở thành một mảnh đất béo bở cho nạn tham nhũng ở các cấp, đặc biệt là quan chức địa phương.
Hệ thống nhà phúc lợi xã hội vô hình trung đã trở thành hệ thống tài sản riêng thuộc quyền sở hữu của một số quan chức.
Nhật báo Trung Quốc ngày 10-1 phanh phui: Lưu Giang Huy, giám đốc Cơ quan quản lý nhà đất huyện Đãng Sơn (An Huy), đã bị kêu án 19 năm rưỡi tù giam với các tội danh tham nhũng và sở hữu một số lượng lớn nhà đất không rõ nguồn gốc dù Lưu chỉ là một quan chức cấp huyện.
Trước mắt số tài sản trị giá 300.000 nhân dân tệ (45.327 USD) của Lưu đã bị tịch thu. Tháng 7-2010, nhật báo Thanh Niên Trung Quốc cho biết khu nhà chung cư “Vườn thế kỷ” ở thành phố Hân Châu (Sơn Tây) được quy hoạch dành cho đối tượng chính sách xã hội, nhưng gần 1.600 căn nhà trong dự án này lọt vào tay các quan chức địa phương ngay khi dự án này còn nằm trên giấy, sau đó được bán lại để hưởng chênh lệch khá cao.
Năm 2010, Chính phủ Trung Quốc đưa ra dự án xây dựng 5,8 triệu căn nhà giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp. Một mặt, dự án này nhằm giảm nhiệt tình hình giá cả nhà đất đang cao ngất ngưởng ở các thành phố lớn của nước này, đặc biệt là Bắc Kinh.
Mặt khác, nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, tránh một cuộc khủng hoảng bong bong bất động sản gây tác hại đến nền kinh tế. Thế nhưng, như báo chí Trung Quốc ghi nhận: cùng với dự án này, số quan chức trong ngành địa chính các địa phương ngồi tù vì tham nhũng ngày càng nhiều!
Hàng loạt dự án tương tự ở các tỉnh Sơn Đông và Sơn Tây đã được bán cho quan chức địa phương với giá thấp hơn thị trường từ 30-80%, trong khi người có thu nhập thấp chờ dài cổ cũng không chạm đến được căn nhà vốn dĩ được xây dựng để dành riêng cho họ.
Giáo sư Hồ Tinh Đẩu, chuyên gia kinh tế thuộc Trường đại học Kỹ thuật công nghệ Bắc Kinh, cho biết tham nhũng nhà giá rẻ đang trở thành một dạng tham nhũng vô hình siêu lợi nhuận ở Trung Quốc.
“Nhiều căn hộ chính sách do nhà nước hỗ trợ đã chảy vào túi riêng của các quan chức địa phương - ông nhận xét - Chính sách đang trở thành một kênh để quan chức nhà nước đục khoét tài sản chung của nhà nước. Các quan chức nhà nước có lợi thế thông tin về các dự án chính sách cũng như các dự án quy hoạch đô thị khác, nên họ đã lợi dụng lợi thế này để biến của công thành của riêng”.
Theo Mỹ Loan
Tuổi Trẻ