Vương Tam Vận là Ủy viên trung ương đương nhiệm thứ 15 bị điều tra khi còn tại chức kể từ Đại hội 18.
“Điệu hổ ly sơn” để trị
Tuy chức vụ của Vương Tam Vận khi bị bắt giữ điều tra là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, văn hóa, giáo dục của quốc hội, nhưng ông ta chỉ mới ngồi lên ghế này chỉ 75 ngày, vì vậy giới phân tích khẳng định vấn đề “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” khiến ông Vận ngã ngựa xảy ra trong thời kỳ giữ chức Bí thư tỉnh ủy Cam Túc từ tháng 12/2011 đến tháng 4/2017.
Trước đó ngày 11/1, Ngu Hải Yến, Ủy viên thường vụ, Phó tỉnh trưởng thường trực Cam Túc đã bị điều tra; bị khai trừ đảng và cách chức, chuyển cơ quan tư pháp xử lý vì tội tham nhũng. Sau khi Ngu Hải Yến “ngã ngựa”, mấy chục cán bộ cấp sở đã bị điều tra, có người nhảy sông tự tử gây chấn động dư luận, nay đến lượt Vương Tam Vận bị quật ngã cho thấy quan trường Cam Túc đã mục ruỗng.
Vương Tam Vận bị “ngã ngựa” liên quan đến việc Tổ tuần thị (thanh tra) số 3 của trung ương tiến hành tái thanh tra Cam Túc từ ngày 8/11/2016 đến 6/1/2017. Báo cáo về kết quả thanh tra ngày 11/2/2017 của tổ có nhắc đến việc họ “nhận được một số manh mối phản ánh vấn đề vi phạm của một số cán bộ lãnh đạo, đã chuyển giao UBKTKLTW và Ban Tổ chức trung ương xử lý theo quy định”. Câu văn có vẻ bình thường nhưng thể hiện rõ: những lời của Tổ tuần thị quyết không phải chỉ là nói suông! Đầu năm nay, Ngu Hải Yến, Ủy viên thường vụ, Phó tỉnh trưởng Cam Túc đã trở thành “Hổ” tham nhũng đầu tiên ở Cam Túc bị quật ngã, mà Ngu Hải Yến được vào Ban thường vụ tỉnh ủy chỉ 5 tháng sau khi Vương Tam Vận về làm Bí thư Cam Túc.
Trong thông báo kỷ luật cách chức, khai trừ đảng Yến của UBKTKLTW có nêu “Ngu Hải Yến không hề có niềm tin chính trị và quan niệm tính đảng, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, có dấu hiệu phạm pháp nghiêm trọng, gây tổn hại nghiêm trọng môi trường chính trị của tỉnh Cam Túc, tính chất rất xấu xa, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xã hội cực xấu; ông ta còn kết bè kéo phái, bồi dưỡng thế lực tư nhân, đối kháng sự thẩm tra của tổ chức”.
Cấu kết gian thương
Vương Tam Vận sinh 1952, quê Sơn Đông, vốn là một thanh niên trí thức, 16 tuổi đã bắt đầu dạy học tại một trường trung học ở Quý Châu suốt 6 năm, đến 1974 vào học Học viện sư phạm Quý Dương. 6 năm sau khi tốt nghiệp, Vận chính thức bước vào nghiệp chính trị với khởi điểm khá cao: Thư ký Ban Tổ chức tỉnh ủy Quý Châu, rồi làm Bí thư thành ủy Quý Dương, đến tháng 10/1988 đã là Phó Bí thư tỉnh ủy Quý Châu, Vận đã liên tục công tác ở Quý Châu suốt 30 năm.
10 năm sau đó, Vương Tam Vận lần lượt luân chuyển giữ chức Phó Bí thư các tỉnh Tứ Xuyên, Phúc Kiến, An Huy, trong đó giữ chức Tỉnh trưởng An Huy 4 năm. Tháng 12/2011, Vận được điều chuyển làm Bí thư tỉnh ủy Cam Túc, đầu năm 2012 kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐND tỉnh, vào trung ương tại Đại hội 18 (11/2012); cho đến ngày 27/4/2017 thì được điều về Bắc Kinh làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, văn hóa, giáo dục của quốc hội.
Báo chí địa phương nêu chuyện, một ông chủ kinh doanh địa ốc theo chân Vận từ An Huy tới Cam Túc để kinh doanh, được Ngu Hải Yến tạo điều kiện thuận lợi nhảy vào chiếm khu đất vàng ở Lan Châu bất chấp quy định; người này đã hợp tác làm ăn với con trai của Vương Tam Vận. Vận đã đưa quan hệ “quan thương cấu kết” vào Cam Túc và kết thành mối quan hệ làm ăn với những quan chức bản địa như Ngu Hải Yến, sau khi Ngu Hải Yến “ngã ngựa”, Vận cũng không thoát.
Khi vừa đến giữ chức ở Cam Túc, Vương Tam Vận đã gây ấn tượng với khẩu hiệu “Loát tân lại trị” (Làm mới phương pháp lãnh đạo của cán bộ), tự “vạch áo cho người xem lưng” công khai thu nhập bình quân đầu người của dân Cam Túc đứng bét bảng, GDP bình quân đầu người xếp thứ 3 từ dưới lên cả nước, cho rằng lấy đó là áp lực để đột phá. Nào ngờ, sau 5 năm Vận lãnh đạo, cả tốc độ tăng trưởng lẫn xếp hạng mọi mặt của Cam Túc đều bị thụt lùi, thu nhập bình quân đầu người vẫn xếp cuối cùng.
Ngày 13/7, ban thường vụ tỉnh ủy Cam Túc họp hội nghị bất thường bày tỏ “kiên quyết ủng hộ trung ương quyết định điều tra Vương Tam Vận”; trong thông báo có viết: “Bắt đầu từ ban thường vụ tỉnh ủy và người đứng đầu đảng ủy, chính quyền các cấp, phải chấp hành nghiêm quy định trong đảng, chú trọng gia giáo, gia phong của gia đình, đề phòng bị các nhóm lợi ích bủa vây, tránh bị thất thủ trước sự tấn công, dụ dỗ của các loại lợi ích”.
Trong thời gian Vận là Bí thư Cam Túc được dân chúng ở đây gán cho hai biệt hiệu “Ông trừng mắt” và “Ông đồng hồ”. “Ông trừng mắt” xuất hiện sau khi Đài truyền hình trung ương (CCTV) phát tin ông Tập Cận Bình khi về thăm Cam Túc tháng 2/2013, tới một gia đình nông dân ở huyện Vị Nguyên. Trong khi ông Tập Cận Bình nắm tay người chủ nhà thì người này ngoái lại thấy Bí thư Trương Tam Vận đứng phía sau đang trừng mắt. Dư luận cho rằng, Vận có ý đe dọa ông chủ nhà không được để lộ điều gì đó mờ ám; còn “Ông đồng hồ” là chỉ việc thích Vận đeo những loại đồng hồ đắt tiền, mỗi lần xuất hiện trên cổ tay lại đeo một chiếc khác.