Trung Quốc đề xuất giúp các nước đang phát triển, bao gồm các nước trên Thái Bình Dương, và nhiều nước ở khu vực này coi nguồn vốn Trung Quốc là cách tốt nhất để họ phát triển kinh tế. Nhưng những người hoài nghi cho rằng vốn vay Trung Quốc có thể đẩy các nước đi vay vào bẫy nợ.
Mỹ và Úc đang lo ngại trước thực tế là Trung Quốc gia tăng vai trò ở khu vực nam Thái Bình Dương. Thủ tướng Úc Scott Morrison sẽ thăm quần đảo Solomon trong tuần tới.
Đón tiếp Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc hôm 28/5, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc tôn trọng nguyên tắc chân thành, thực chất và trung thực trong đẩy mạnh hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương, Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một thông báo đưa ra hôm 28/5.
“Chúng tôi không có lợi ích riêng trên các quốc đảo, và không tìm kiếm cái gọi là ‘phạm vi ảnh hưởng’”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói với Thủ tướng Vanuatu.
Trung Quốc sẽ luôn là một người bạn và đối tác tốt và đáng tin cậy, ông Tập nói.
“Các nước dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều bình đẳng trong cộng đồng quốc tế”, ông Tập khẳng định.
Trung Quốc cũng phản đối “chủ nghĩa sô vanh nước lớn”, ông Tập nói, nhưng không nêu cụ thể.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng làm sâu sắc quan hệ kỹ thuật nông nghiệp với Vanuatu và sẽ tiếp tục khuyến khích các công ty Trung Quốc đầu tư vào đó.
Năm ngoái, Trung Quốc và Vanuatu bác bỏ thông tin trên báo chí rằng Bắc Kinh muốn mở một căn cứ quân sự lâu dài ở Vanuatu.
Quốc gia thuộc nam Thái Bình Dương này cũng là khu vực cạnh tranh giữa Trung Quốc đại lục với Đài Loan, trong bối cảnh Đài Bắc vẫn có quan hệ ngoại giao chính thức với một số quốc đảo nhỏ.
Một quan chức cấp cao Mỹ cuối tuần trước nói rằng các quốc đảo Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Đài Loan nên duy trì quan hệ này khi Bắc Kinh đang “nặng tay” cắt đứt nốt những quan hệ chính thức của Đài Bắc.