Vỏ nhộng dùng để đựng thuốc vốn ra được làm bằng Gelatin thực phẩm được chế biến từ đầu, vỏ tôm, cua hoặc da hay xương động vật.
Tuy nhiên,gần đây, báo chí Trung Quốc đã điều tra và phát hiện vỏ thuốc con nhộng được chế biến từ rác thải công nghiệp, giày da cũ vốn được tận dụng để làm phân bón hay thức ăn gia cầm…nên loại vỏ nhộng này chứa hàm lượng Crom độc hại cao gấp mấy chục lần tiêu chuẩn cho phép.
Nếu thường xuyên sử dụng thuốc được bọc bởi thứ vỏ nhộng độc này với mức 6 viên/ngày trở lên, người uống có thể bị tổn thương cấu trúc DNA, suy gan, suy thận và bị ung thư.
Ngoài ra, chất gelatin lấy từ rác thải còn được làm thành hạt trân châu và nguyên liệu làm bánh gato, kẹo gôm bán cho các hãng sản xuất bánh kẹo, đồ uống…
Nhân dân Nhật báo và Nhật báo Thượng Hải ra ngày 20-4 đưa tin: Mấy ngày qua, Cục Giám quản thực phẩm, dược phẩm quốc gia Trung Quốc (SFDA) đã kiểm tra 33 loại vỏ nhộng. Kết quả, có tới 23 trong số 42 mẫu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Theo báo chí Trung Quốc, đã có một lượng vỏ nhộng độc hại trị giá tới 20 tỷ nhân dân tệ đưa ra tiêu thụ trên thị trường. |
Bắc Kinh đã phát hiện 4 lô vỏ nhộng có vấn đề đã được tiêu thụ, Thượng Hải cũng phát hiện vỏ nhộng của một hãng dược phẩm lớn có chứa hàm lượng kim loại nặng vượt xa mức cho phép.
Ngày 19-4, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến, cho biết: Công an một số tỉnh tích cực hành động, đã niêm phong 10 xí nghiệp, thu và tiêu huỷ 230 tấn vỏ nhộng độc hại, bắt giữ 53 kẻ bị nghi chủ mưu sản xuất vỏ nhộng độc.
Đến nay 13 loại sản phẩm của 9 hãng sản xuất dược đã bị phát hiện dùng loại vỏ nhộng độc hại. Tờ China Daily cho biết, 3 hãng sản xuất vỏ nhộng đã bị thu hồi giấy phép.
Điều khiến dư luận Trung Quốc lo ngại và phẫn nộ là liệu bắt mấy chục người, đóng cửa mấy hãng sản xuất có giải quyết được vấn đề không khi mà các hãng sản xuất vỏ nhộng độc vẫn không chịu công khai xin lỗi, còn cơ quan giám quản cũng không chịu nhận trách nhiệm, trong khi cả Trung Quốc có tới hơn 100 xí nghiệp sản xuất gelatin, trong đó hơn 40 nơi được cấp giấy phép sản xuất gelatin thực phẩm, hơn 20 nơi được phép sản xuất vỏ nhộng dược phẩm.
Năm 2012, toàn thế giới tiêu thụ tới 359.000 tấn Gelatin, trong đó chủ yếu là do Trung Quốc xuất khẩu. Tân Hương là nơi sản xuất vỏ con nhộng chủ yếu ở Trung Quốc, sản lượng tới 80 tỷ viên/năm.
Có thể nói, sản xuất vỏ nhộng độc hại mang lại siêu lợi nhuận. Hãng Thông Hoá Kim Mã năm 2011 thu nhập 10,91 triệu tệ, tăng 45,14% so với năm trước, nhưng lãi ròng tăng tới 78,10%.
Các xí nghiệp nhỏ ở thị trấn Nho Kiều huyện Tân Xương, Triết Giang sản xuất tới 100 tỷ vỏ nhộng/năm, chiếm 1/3 sản lượng toàn quốc do giá rẻ, qua mặt được các xí nghiệp lớn.
Ông chủ một công ty ở đây thừa nhận: Nếu mua nguyên liệu Gelatin thực phẩm giá 50 ngàn tệ/tấn, nhưng mua Gelatin công nghiệp chỉ 25 ngàn tệ. Sở dĩ những nhà sản xuất biết mà cố phạm bởi sự buông lỏng quản lý của SFDA.
Khi phát hiện doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu công nghiệp sản xuất vỏ nhộng độc hại, họ chỉ phạt mức cao nhất là 50.000 nhân dân tệ, không tịch thu tiêu huỷ nên họ chỉ việc nộp phạt rồi tiếp tục sản xuất.
Một lý do khiến dư luận phẫn nộ là những phát biểu của những người có trách nhiệm về vụ bê bối này.
Ngày 19-4, trên báo mạng Nhân dân xuất hiện bài “Chuyên gia y tế: Một ngày dùng 6 viên nhộng có Crom không sao, đừng quá hoảng sợ” phản ánh quan điểm của ông Tôn Trung Thực, một chuyên gia giám quản dược phẩm, cho rằng “đừng nên coi vỏ nhộng có hàm lượng Crom là vấn đề nguy hại lớn”.
Hàng loạt ý kiến phê phán đã liên tiếp xuất hiện trên báo chí và cơ quan có trách nhiệm liên quan đã phải ra tay.
Thu Thủy
Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc