Trung Quốc: Tân quan tân chính sách?

Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình được dự đoán sẽ đảm nhiệm chức vụ của ông Hồ Cẩm Đào Ảnh: BusinessWeek
Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình được dự đoán sẽ đảm nhiệm chức vụ của ông Hồ Cẩm Đào Ảnh: BusinessWeek
TP - Thay đổi lãnh đạo cấp cao ở Trung Quốc trong năm nay được kỳ vọng đem lại chính sách, phương pháp mới để xử lý nhiều vấn đề xã hội bức xúc như: biểu tình, khoảng cách thu nhập, quản lý Internet…

Trung Quốc sẽ thay đổi lãnh đạo cấp cao vào cuối năm nay, khi Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc bầu lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc sẽ rất đáng kể vì 7 trong 9 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị chuẩn bị hết nhiệm kỳ hai hoặc đến tuổi nghỉ hưu.

Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường được cho là hai người trụ lại Ban Thường vụ.

Sau Đại hội 18 diễn ra vào mùa thu tới, người giữ chức vụ tổng bí thư sẽ được bầu làm chủ tịch nước tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào đầu năm 2013. Cũng tại đại hội này, tân chủ tịch nước sẽ đề cử tân thủ tướng.

Theo báo chí Trung Quốc, vì phải đến đầu năm 2013, các tân lãnh đạo Trung Quốc mới đảm nhận nhiệm vụ, nên năm chuyển tiếp 2012 chắc chắn sẽ có nhiều diễn biến thú vị, khi mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo để lại những dấu ấn cuối cùng trên di sản chính trị của họ.

Tân lãnh đạo xử lý bất ổn xã hội theo cách mới?

Trong khi Đảng và Nhà nước Trung Quốc quyết tâm giữ cho năm chuyển tiếp không xảy ra biến động, báo chí nước này đưa ra quan điểm của nhiều đối tượng về thế hệ lãnh đạo mới.

Các nhà phân tích khẳng định, tác động của thay đổi lãnh đạo cấp cao sẽ không đến trong một sớm một chiều, nhưng những người được cho là tân lãnh đạo sẽ sớm bắt đầu phát tín hiệu về cách họ xử lý một loạt vấn đề khó xử trong nước.

Công chúng sẽ săm soi báo chí và tuyên bố của Đảng, dù là những thay đổi nhỏ về chính sách giải quyết các thách thức như: khoảng cách thu nhập tăng, xử lý biểu tình, tập trung đông người, tự do Internet, tham nhũng, vấn đề kinh tế, quan hệ đối ngoại...?

Một số học giả cho rằng, cách xử lý biểu tình tháng trước tại làng Wukan ở tỉnh Quảng Đông có thể đã phát tín hiệu về một định hướng mới.

Trong cuộc biểu tình, người dân Wukan phong tỏa làng cá của họ để phản đối nhiều quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt là về đất đai (lấy đất của dân). Biểu tình kết thúc trong hòa bình khi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Wang Yang đồng ý thay giới chức địa phương và đảo nghịch các quyết định về đất đai.

Giáo sư Xiao Gongqin (Trường Đại học Thượng Hải) nói rằng, đây là dấu hiệu cho thấy cách xử lý biểu tình, tụ tập đông người trong năm 2012 sẽ linh hoạt hơn và mang tính tham vấn cao hơn. "So với trước đây, những vấn đề hiện nay phức tạp hơn, nên cần có phương pháp mới để khiến chính sách của chúng ta toàn diện, cởi mở hơn", Giáo sư Xiao nói.

Giáo sư Xiao cũng trông chờ những nỗ lực lớn hơn của chính phủ nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập trong năm nay. "Không cải thiện sinh kế của người dân, sự bất mãn và phẫn uất ngày càng tăng đối với bất bình đẳng của cải sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội, và có thể dẫn tới đương đầu với chính phủ", Giáo sư Xiao nhận định.

Nhiều nhà phân tích mong đợi chính phủ năm nay tăng đầu tư cho việc phân bổ công bằng các dịch vụ xã hội hóa. "Mấu chốt vấn đề là xây dựng một hệ thống an sinh xã hội có độ bao phủ tốt, gồm có giáo dục công và y tế tốt hơn", Gong Fangxiong, Giám đốc điều hành hãng JP Morgan Asia, nói.

Giáo sư Zhu Lijia (Viện Quản trị Trung Quốc) cho rằng năm 2012 có thể là bước ngoặt trong 30 năm cải cách kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Ông Zhu nói rằng, tầng lớp lãnh đạo mới cần tập trung bảo đảm phân bổ công bằng dịch vụ và thu nhập. "Tất cả vấn đề xã hội nóng bỏng nhất hiện nay ở Trung Quốc đều là kết quả của việc phân bổ không công bằng các nguồn lực công và của cải", Giáo sư Zhu nói.

Ông Zhu tin rằng, các nhà lãnh đạo cần có phương pháp minh bạch hơn trong việc ra quyết định và chọn quan chức chính phủ. Ngân sách nhà nước và quá trình chi tiêu phải được công khai, minh bạch hơn cho công chúng. "Tôi nghĩ cải cách trong 5 năm tới phải tập trung nâng cao tính minh bạch. Nếu chúng ta không xem xét, giám sát quyền lực dưới ánh sáng ban ngày thì cải cách chỉ có lợi cho nhóm lợi ích, mà không đem lại lợi ích cho công chúng", ông Zhu nói.

Hướng tới xã hội dân sự

Han Han là một blogger Trung Quốc nổi tiếng với những bài viết phản biện và châm biếm, nhằm mục đích thúc đẩy thay đổi lớn trong xã hội. Mới đây, ông đăng ba bài trên Internet với nội dung xem xét triển vọng cách mạng, dân chủ và tự do hơn ở Trung Quốc.

Các bài viết của ông khiến cộng đồng mạng tranh cãi nảy lửa. Theo báo chí Trung Quốc, điều này chứng tỏ Internet sẽ lại đóng vai trò to lớn trong việc thể hiện mối quan tâm của công chúng và thúc đẩy giới lãnh đạo chấp nhận sự phê bình, khoan dung hơn với chỉ trích, đồng thời đẩy nhanh tiến trình hướng tới xã hội dân sự.

Các chuyên gia nói rằng, việc người dân tham gia những tranh cãi chính trị trên mạng và việc sử dụng Internet để chỉ ra khuyết điểm của chính phủ sẽ tăng trong năm tới.

Một số người tham gia thảo luận online thậm chí hy vọng sẽ thấy lộ trình cải cách chính trị xuất hiện, dù thời gian cụ thể cho thay đổi lãnh đạo cấp cao chưa được công bố. "Xu hướng này phù hợp với các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và giúp xây dựng nền dân chủ của dân", Giáo sư Zhu nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đang than phiền về quy định mới của chính quyền Bắc Kinh, Quảng Đông và Thượng Hải. Chính quyền của ba địa phương này yêu cầu người mở tài khoản tiểu blog mới trên hệ thống Weibo nổi tiếng của Trung Quốc phải đăng ký tên thật.

"Việc áp dụng những biện pháp cứng rắn để duy trì ổn định xã hội, hoặc đơn giản là ngăn chặn công luận sẽ có tác động rất nhỏ ở Trung Quốc hiện nay", Giáo sư Xiao nhận định.

Triển vọng kinh tế

Người dân Trung Quốc hy vọng năm Nhâm Thìn 2012 sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội (Ảnh chụp trong công viên Zizhuyuan ở Bắc Kinh hôm 3-1). Ảnh: CFP
Người dân Trung Quốc hy vọng năm Nhâm Thìn 2012 sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội (Ảnh chụp trong công viên Zizhuyuan ở Bắc Kinh hôm 3-1).  Ảnh: CFP.
 

Suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ châu Âu có thể ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay. Nhiều nhà kinh tế dự đoán, tăng trưởng GDP của nước này sẽ chậm lại và ở dưới mức 8,5% trong năm 2012.

Andrew Batson, Giám đốc công ty nghiên cứu kinh tế GaveKal Dragonomics ở Bắc Kinh, dự đoán GDP tăng trưởng 8%. "Trung Quốc đang trải qua giai đoạn đi xuống đáng kể, do sự kết hợp giữa nhu cầu giảm của thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này và sự hạ nhiệt của thị trường nhà ở và cơn sốt đầu tư cơ sở hạ tầng mấy năm trước", ông Batson nói.

Các nhà phân tích cho rằng, còn nhiều khó khăn kinh tế, trong đó có sự phá sản của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiêu thụ trong nước khó tăng, chi phí lao động và nguyên liệu thô tăng, giá nhà giảm, dòng tiền tiếp tục đổ ra nước ngoài, thâm hụt ngân sách của các địa phương tăng...

Thái An
theo báo chí Trung Quốc - Global Times, People’s Daily

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.