Trung Quốc sắp xoá bỏ 'cải tạo lao động'

Trung Quốc sắp xoá bỏ 'cải tạo lao động'
TP - Các nhà làm luật của Trung Quốc vừa đồng ý xóa bỏ hệ thống lao cải (lao động cải tạo) trong năm nay, một cố vấn pháp luật cấp cao của chính phủ xác nhận.

Chen Jiping, Phó giám đốc Hiệp hội Luật Trung Quốc, nói rằng sự thay đổi trong hệ thống lao cải, tức giáo dục lại thông qua lao động, được thông báo trong hội nghị công tác luật và chính trị hôm 7-1 sắp được áp dụng.

Trước khi xoá bỏ hệ thống lao cải, cảnh sát sẽ phải tìm ra biện pháp trừng phạt thích hợp cho những đối tượng thường bị xếp vào đội phải lao cải như trước đây, ông Chen cho biết.

Phát biểu của ông Chen cho thấy các đối tượng như vậy có khả năng sẽ phải ra toà, bị giam trong thời gian ngắn hoặc bị phạt hành chính.

Theo ông Chen, cải tạo thông qua lao động có tác dụng vào thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc đang củng cố trật tự xã hội và chính trị, nhưng nay Trung Quốc đã có hệ thống luật pháp tốt và nhiều biện pháp trừng phạt thay thế, như cải tạo tại cộng đồng, nên đã đến lúc ngừng sử dụng hệ thống lao cải.

Tính hợp pháp của hệ thống lao cải, trong đó các đối tượng bị giam cầm tối đa 4 năm mà không được xét xử công khai, được nhiều người chú ý từ khi xảy ra nhiều bất cập.

Tang Hui, mẹ của một nạn nhân bị hiếp dâm, là tâm điểm của một trong những trường hợp như vậy. Chị Tang đang làm việc với nhóm công tác của Ủy ban các vấn đề luật pháp thuộc Đảng ủy Hồ Nam để điều tra quyết định bắt chị phải vào trại lao cải hồi mùa hè năm ngoái.

Chị Tang bị chính quyền thành phố Vĩnh Châu phạt 18 tháng lao cải vì chị đòi xử tử cả 7 ngươi đàn ông đã bắt cóc, cưỡng hiếp và bắt con gái 11 tuổi của chị làm gái bán dâm.

Người mẹ 40 tuổi được thả trong vòng 1 tuần, sau khi nhiều cơ quan nghiên cứu, báo chí và người dân chất vấn về quyết định của chính quyền.

Chị Tang buộc tội 2 quan chức cảnh sát ở Vĩnh Châu tham gia cưỡng hiếp con gái chị và bắt cô bé phải bán dâm, nhưng 2 người này đã không bị kết tội. Công an thành phố Vĩnh Châu đến nay vẫn từ chối trả lời những câu hỏi liên quan nhân viên của mình.

Xu Liping, luật sư của chị Tang, cho biết đang soạn hồ sơ kiện lên toà án sau khi chính quyền từ chối yêu cầu bồi thường cho thời gian chị bị giữ trong trại lao động.

Ủy ban lao cải của thành phố không chấp nhận bồi thường 1.400 tệ (380 USD) như chị Tang yêu cầu, vì cho rằng quyết định đó “đã được rút lại, không phải vì nó sai, mà vì vấn đề nhân đạo”.

Hồi tháng 11-2012, Wang Gongyi, Giám đốc Phòng Nghiên cứu thuộc Bộ Tư pháp Trung Quốc, nói rằng khoảng 60.000 người Trung Quốc đã bị phạt bằng hình thức lao cải, trong thời gian từ 6 tháng tới 1 năm.

Bình Giang
Theo China Daily, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG