Ngày 9/9, tại cuộc họp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, vừa qua Tổ công tác 970 đã làm việc với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM về vấn đề thông quan cửa khẩu phía Bắc.
Theo Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng hơn 600.000 tấn thanh long. Chính vì vậy, chỉ cần thị trường Trung Quốc có biến động nhỏ, ngay lập tức thị trường thanh long trong nước bị chao đảo.
Theo đó, đối với quả chuối, hiện nay chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) cho thông quan qua cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc), nhưng số lượng chưa bằng được so với trước. Còn quả thanh long, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu trở lại qua cặp cửa khẩu này. Tuy nhiên, hai bên đang tiếp tục đàm phán và thống nhất các biện pháp kiểm dịch để thông quan chính thức trở lại.
Gần 2 tháng Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, khiến giá thanh long tại các tỉnh giảm sâu, rẻ như cho |
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị 19 tỉnh, thành phố phía Nam bám sát tình hình thực tế, tranh thủ thời cơ để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt thông tin để có kế hoạch phù hợp đưa hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng ùn tắc.
Thành lập đội thu hoạch cá tra chuyên nghiệp
Tại cuộc họp, các địa phương cũng nêu một số bất cập trong việc thu hoạch, vận chuyển nông sản, thủy sản đặc biệt là cá tra.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ cho biết, trên địa bàn đang tồn 38.500 tấn cá tra nằm dưới ao trong khi 90% nhà máy chế biến của Cần Thơ phải tạm ngừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" dẫn đến cá đến lứa nhưng không thu hoạch được, người nông dân hết sức lo lắng.
Hàng chục nghìn tấn cá tra đến lứa nhưng vướng quy định đi đường của các tỉnh nên không thu hoạch được, người nông dân hết sức lo lắng |
Theo ông Nhơn, hiện nay nhiều địa phương chỉ cấp giấy đi đường cho người làm dịch vụ, đi giao hàng mà không ưu tiên cho người sản xuất nên việc di chuyển từ nhà đến nơi canh tác đang gặp nhiều khó khăn. Có doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng khâu thu hoạch cá tra ách tắc, đội kéo cá muốn di chuyển từ vùng này qua vùng khác phải cách ly 14 ngày, gây chậm trễ trong việc thu hoạch.
Các địa phương trong vùng cần thống nhất quy trình để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Các địa phương có thể thành lập các tổ, đội thu hoạch cá, thu hoạch lúa, trái cây chuyên nghiệp, sau đó cùng thống nhất cho phép đội nhóm này di chuyển để thu hoạch trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, không thể từng cá nhân riêng lẻ đều đòi hỏi phải có giấy đi đường. Các địa phương trong vùng cần thống nhất quy trình để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Các địa phương có thể thành lập các tổ, đội thu hoạch cá, thu hoạch lúa, trái cây chuyên nghiệp, sau đó cùng thống nhất cho phép đội nhóm này di chuyển để thu hoạch trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch.
"Ngay ngày mai (10/9), Tổ công tác 970 sẽ có văn bản cho 6 tỉnh ĐBSCL về việc thành lập đội thu hoạch cá tra chuyên nghiệp và có cơ chế cho đội này vào các địa phương”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.