Trung Quốc: Nghiên cứu dùng AI chặn vũ khí siêu thanh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho biết họ đã phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng dự đoán hướng bay của tên lửa siêu thanh, trong quá trình vũ khí này lao đến mục tiêu với tốc độ gấp 5 lần âm thanh.

Hệ thống phòng không dựa trên AI có thể dự đoán quỹ đạo của vũ khí siêu thanh để kích hoạt phản ứng đáp trả trong vòng 3 phút, nhóm nghiên cứu khẳng định. “Các cường quốc quân sự thế giới đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt để phát triển vũ khí siêu thanh, tạo nên những thách thức mới nghiêm trọng đối với an toàn trên không”, ông Zhang Junbiao, nhà khoa học công tác tại Khoa Công nghệ cảnh báo sớm - Học viện Cảnh báo sớm Không quân tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nhận định. “Việc dự đoán hướng đi có ý nghĩa lớn để đánh giá ý định và can thiệp phòng thủ trên không”, ông Zhang và các đồng nghiệp viết trong bài báo đăng trên Tạp chí Vũ trụ.

Trung Quốc: Nghiên cứu dùng AI chặn vũ khí siêu thanh ảnh 1

Các cường quốc quân sự đang chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh và chống siêu thanh. Ảnh: Getty

Tên lửa siêu thanh hoạt động khác với tên lửa đạn đạo truyền thống, có thể ra ngoài rồi đi vào khí quyển “giống như viên đá nảy trên mặt nước, bắn sang bờ trái hoặc bờ phải, vì thế rất khó theo dõi và đánh chặn”, theo Tạp chí Vũ trụ. Tên lửa siêu thanh bay với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) hoặc cao hơn, khiến các hệ thống phòng không có rất ít thời gian để phản ứng. Các chuyên gia tin rằng công nghệ hiện tại không thể ngăn chặn tên lửa siêu thanh.

Tuy nhiên, ông Zhang và các đồng nghiệp cho rằng AI có thể xử lý nhiệm vụ này. Bên phòng thủ thường không biết gì về kích cỡ, hình dáng, hệ thống kiểm soát khí động học và mục đích của vũ khí của đối phương, nhưng AI có thể dự đoán tương đối chính xác những thông số này bằng cách phân tích dữ liệu bay.

Tên lửa dù hiện đại hay nhanh đến đâu cũng phải tuân thủ các định luật vật lý nhất định, và mỗi bước di chuyển đều để lại manh mối, dù nhỏ nhưng hữu ích, về thiết kế, năng lực và nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu khẳng định. Một thuật toán học máy có thể học từ dữ liệu thu được trong giai đoạn đầu khi tên lửa vừa bay, dùng kiến thức thu được để tính toán lộ trình hợp lý nhất trong giai đoạn cuối cùng của tên lửa.

Trung Quốc, Nga, Mỹ phát triển nhiều loại tên lửa siêu thanh

Ông Zhang và các đồng nghiệp thừa nhận rằng, không dễ biến lý thuyết thành mô hình thực tế. Họ cho biết, dữ liệu thô thu được từ hệ thống cảnh báo sớm chứa rất nhiều nhiễu động, có thể gây nhầm lẫn cho hệ thống AI, và quá nhiều dữ liệu cũng có thể khiến máy tính quá tải. Để vượt qua vấn đề này, nhóm nghiên cứu phát triển thuật toán học máy có thể tự động loại bỏ tiếng ồn từ tín hiệu thu thập được. Để tiết kiệm năng lực tính toán, thuật toán cũng mô phỏng hoạt động của não người, bằng cách chỉ tập trung vào dữ liệu mới nhất và quan trọng nhất.

Nhóm nghiên cứu cho biết, họ sử dụng hệ thống AI phức tạp hơn tất cả công nghệ trước đây để dự đoán đường bay của tên lửa siêu thanh. Hệ thống mới có thể chạy trên laptop và cho ra kết quả trong vòng 15 giây, nghiên cứu khẳng định. Các thử nghiệm mô phỏng cho thấy phương pháp này vẫn hiệu quả với nhiều loại vũ khí bay với tốc độ Mach 12.

Trung Quốc và Nga đã phát triển nhiều loại tên lửa siêu thanh, trong khi Mỹ đang cố gắng bắt kịp. Đầu tháng trước, Mỹ khẳng định đã thử thành công tên lửa siêu thanh bay với tốc độ Mach 5. Giới nghiên cứu quân sự đề xuất nhiều biện pháp đối phó tên lửa siêu thanh, trong đó có hệ thống cảnh báo sớm đặt trên không trung để phát hiện và đánh chặn tên lửa siêu thanh ở giai đoạn sớm hoặc giữa, dùng laser cường độ cao để làm mù hoặc phá hỏng cảm biến hoặc tên lửa bay ở tốc độ siêu thanh. Tuy nhiên, hầu hết những công nghệ này vẫn đang trong quá trình phát triển.

Hải quân Trung Quốc được cho là đã lắp vũ khí mới vào tàu chiến để có thể đánh bại vũ khí siêu thanh, bằng cách bắn 10.000 loạt pháo mỗi phút về hướng dự đoán tên lửa sẽ bay tới.

Một nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh tham gia vào chương trình radar quân sự cho rằng AI sẽ đóng vai trò lớn trong công nghệ chống vũ khí siêu thanh, nhưng hiệu quả còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Ví dụ, một tên lửa siêu thanh được bao quanh bởi khí gas cực nóng và i-on hóa có thể gây nhiễu tín hiệu radar hoặc tín hiệu nhiệt, khiến việc phát hiện chính xác chuyển động trở nên khó khăn.

Bắc Kinh tập trận gần đảo Đài Loan

Ngày 1/6, quân đội Trung Quốc cho biết họ triển khai đợt “tuần tra sẵn sàng chiến đấu” trên vùng biển và vùng trời gần đảo Đài Loan (Trung Quốc) những ngày gần đây, khẳng định đây là hành động cần thiết để đáp trả “sự câu kết” giữa Washington và Đài Bắc. Ngày 31/5, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết Mỹ dự định thiết lập quan hệ hợp tác giữa lực lượng Vệ binh quốc gia với lực lượng phòng vệ Đài Loan.

MỚI - NÓNG