Trung Quốc muốn tăng hợp tác kinh tế với Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 4/7, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết, Trung Quốc đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam, muốn tăng cường hợp tác mọi lĩnh vực, nhất là về thương mại, đầu tư, trong đó có đầu tư đường sắt, năng lượng tái tạo, khu kinh tế qua biên giới…
Trung Quốc muốn tăng hợp tác kinh tế với Việt Nam ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Phó chủ tịch Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên (ngày 24/6 ở Trung Quốc). Ảnh: Nhật Bắc

“Vừa qua, cả Chính phủ Trung Quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự WEF Đại Liên 2024. Điều này thể hiện hai bên đều coi trọng, đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu”, Đại sứ Hùng Ba nói với phóng viên. WEF Đại Liên 2024 đánh dấu lần thứ ba liên tiếp Thủ tướng được mời tham dự hội nghị thường niên của WEF.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có “bài phát biểu rất quan trọng, rất tuyệt vời tại một diễn đàn quốc tế quy mô lớn với sự tham gia của hơn 1.700 đại biểu đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ”, Đại sứ Hùng Ba nói. Phía Trung Quốc cho rằng, với hiện trạng kinh tế Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định, đã vào Top 40 thế giới, kim ngạch xuất khẩu lọt Top 20, phát triển rất tốt trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng GDP 6% trở lên trong năm nay, đóng góp cho kinh tế thế giới.

Viện trợ phát triển đường sắt

Đại sứ Hùng Ba cho biết, Trung Quốc đang ưu tiên phát triển và kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt qua biên giới với Việt Nam. Trong chuyến công tác tại Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc, tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn phát triển hạ tầng hàng đầu của Trung Quốc.

“Tôi nhận thấy hầu hết thành viên hội đồng quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp hạ tầng giao thông Trung Quốc đều tham dự. Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng lĩnh vực này; Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh đã tham dự và phát biểu tại hội nghị”, Đại sứ Hùng Ba cho biết. Trung Quốc hiểu rõ rằng, Việt Nam đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại sứ Trung Quốc nói rằng, như câu ngạn ngữ “Muốn thịnh vượng, trước tiên hãy làm đường”, phát triển và kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt, trong đó có đường sắt cao tốc là phù hợp với xu hướng chung cũng như điều kiện riêng của Trung Quốc và các nước ASEAN, nhất là Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia… “Sau khi phát triển và kết nối với phía Trung Quốc, phía Việt Nam sẽ được kết nối với châu Âu, Trung Á thông qua đường sắt liên vận châu Âu và phía Trung Quốc sẽ được kết nối với ASEAN. Như vậy, vai trò Việt Nam rất quan trọng, kết nối với cả ASEAN, châu Âu và Trung Á”, Đại sứ Hùng Ba nhận định. Giao thông thông suốt đồng nghĩa với hệ thống logistics, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng vận hành trơn tru, đạt hiệu quả cao.

Trung Quốc muốn tăng hợp tác kinh tế với Việt Nam ảnh 2
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trao đổi với phóng viên ngày 4/7 ở Hà Nội. Ảnh: Thái An

Coi trọng hợp tác đường sắt với Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc, khu vực biên giới, Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thành quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội- Hải Phòng, tiến tới nghiên cứu khả thi, cung cấp viện trợ không hoàn lại cho việc phát triển tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Đại sứ Hùng Ba nói.

Theo Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam cuối năm 2023, hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển, bao gồm đẩy mạnh kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội - Hải Phòng. Thông báo 57 ngày 19/2/2024 của Văn phòng Chính phủ có nội dung: “Trước mắt cần tập trung đầu tư tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nói rằng, tăng cường hợp tác du lịch, hàng không giữa hai nước sẽ thúc đẩy đi lại, giao lưu, hiểu biết lẫn nhau. Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đón 1,8 triệu khách Trung Quốc, bằng con số cả năm ngoái. “Năm 2024, khách Việt Nam sang Trung Quốc cũng nhiều, đặc biệt là thanh thiếu niên. Trung Quốc rất hoan nghênh các bạn trẻ Việt Nam du lịch, tìm hiểu thực tế Trung Quốc”, Đại sứ Hùng Ba cho biết.

Hợp tác năng lượng xanh, nông sản

Theo Đại sứ Hùng Ba, phát triển năng lượng xanh cũng là một trọng tâm hợp tác của Việt Nam và Trung Quốc thời gian tới; gần đây tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm, tiếp hàng chục tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, trong bối cảnh thiết bị điện gió, điện mặt trời của Trung Quốc đóng góp 60-70% của thế giới.

Trong khi đó, xuất nhập khẩu nông sản tuy chưa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng việc ký các nghị định thư, tăng xuất nhập khẩu nông sản, nhất là rau quả, có tác động tích cực tới sinh kế nông dân, đời sống người tiêu dùng. Đại sứ Hùng Ba dẫn chứng, năm ngoái xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2022, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,1 tỷ USD. Mới đây, hai bên nhất trí sớm hoàn tất thủ tục để ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Hai bên đã ký tắt kết thúc đàm phán nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi, nên việc chính thức ký nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có cơ hội vượt mốc 1 tỷ USD trong thời gian tới.

Trong chuyến công tác tại Trung Quốc cuối tháng 6 vừa qua, hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trao đổi về nghiên cứu xây dựng thí điểm các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng hợp tác kinh tế cửa khẩu, phát triển cửa khẩu thông minh…, Đại sứ Hùng Ba nói. Đại sứ cho biết: “Trung Quốc mong muốn phát triển các khu hợp tác kinh tế qua biên giới để phát huy mọi thế mạnh của hai nước, tận dụng lợi thế về logistics, nhân lực…, cùng khai thác thị trường thế giới, thu hút đầu tư không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ nước thứ ba, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu”. Hai bên có thể nghiên cứu các khu như Móng Cái - Đông Hưng, Đồng Đăng - Bằng Tường, Lào Cai - Hà Khẩu, Trà Lĩnh - Long Bang…

MỚI - NÓNG