Trung Quốc khai mạc Đại hội Đảng: Chờ 'tư duy đối ngoại mới'

Trung Quốc khai mạc Đại hội Đảng: Chờ 'tư duy đối ngoại mới'
TP - Hôm nay, Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đọc báo cáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc về phương hướng phát triển của nước này trong 5 năm tới, trong đó có “tư duy đối ngoại mới” của ông.
Trung Quốc khai mạc Đại hội Đảng: Chờ 'tư duy đối ngoại mới' ảnh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/7/2017 tại Mátxcơva. Ảnh: Kremlin.ru.

Tổng cộng 2.354 đại biểu và khách mời sẽ tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 18 tới 24/10 tại Bắc Kinh, Xinhua đưa tin hôm qua. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có Ban chấp hành trung ương mới, Bộ Chính trị mới 25 ủy viên, trong đó có 7 ủy viên thường vụ. Ngay sau khi Đại hội 19 bế mạc, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị Trung ương 1 khóa 19. Sau khi hội nghị này kết thúc, Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ ra mắt giới báo chí trong và ngoài nước

Ông Tập Cận Bình được dự đoán tiếp tục làm Tổng bí thư với vai trò lãnh đạo hạt nhân. Điều lệ Đảng sẽ được sửa đổi để bổ sung một học thuyết của ông Tập, cùng với đóng góp của những người tiền nhiệm Mao Trạch Đông và nhà cải cách Đặng Tiểu Bình. Trong bài xã luận vừa đăng, báo Trung Quốc China Daily viết rằng, “tư duy đối ngoại mới” của Trung Quốc có thể tạo nên nền tảng của học thuyết này.

Ông Tập đã đi tổng số 570.000km trong 5 năm qua, dành 193 ngày cho 28 chuyến thăm đến 56 quốc gia ở 5 châu lục, theo báo Trung Quốc People’s Daily (Nhân dân nhật báo). Trong số ra đầu tuần này, People’s Daily dành 7 trang để nói về hoạt động ngoại giao quốc tế của ông Tập, trong đó có những đóng góp của ông đối với toàn cầu hóa kinh tế, sự kiện Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20, lập ra Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á.

Ông Kerry Brown, Giám đốc Viện Lau China thuộc trường King’s College (Anh), nói rằng, trước đây, chính sách đối ngoại chỉ chiếm 5% thời gian thảo luận của các đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Họ phần lớn thảo luận các vấn đề trong nước nhưng bây giờ khác. Công việc bận rộn của ông Tập trong 5 năm qua tập trung nhiều vào chính sách đối ngoại, và lần này sẽ là đại hội đảng toàn cầu đầu tiên”, báo Úc Sydney Morning Herald dẫn lời GS Brown. “Đó là sự thừa nhận rằng chỉ có đóng vai trò người chơi toàn cầu mới giúp Trung Quốc trở nên lớn mạnh hơn chính mình. Đại hội lần này là một phần trong cuộc tìm kiếm sự công nhận đó”, ông Brown nói.

Trong 5 năm qua, ông Tập đã đưa Trung Quốc “lên hàng cao nhất của cuộc chơi quyền lực, một phần nhờ những khó khăn Mỹ đang đối mặt”, ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia nghiên cứu quốc tế tại ĐH Baptist Hong Kong, nhận định. Ông Tập đã tạo ra một “huyền thoại mới” rằng Trung Quốc là sinh viên giỏi nhất về toàn cầu hóa kinh tế, và đã làm “rất tốt” trong việc xác định vị trí của mình trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Bắc Kinh cũng rất tích cực tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, ông Cabestan đánh giá.

Những trở ngại

Bài viết vừa đăng trên trang web của Viện Carnegie về Hòa bình quốc tế cho rằng, Đại hội 19 của Trung Quốc sẽ đề cập các chính sách hoặc khái niệm gần gũi nhất với ông Tập kể từ Đại hội 18, bao gồm sáng kiến “Vành đai và Con đường”; quan hệ ngoại giao với các nước; cuộc tìm kiếm quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ và các cường quốc khác; những sự kiện quốc tế đa phương, bao gồm các sự kiện do Trung Quốc tổ chức để đề cao quan điểm của ông Tập trước những vấn đề liên quan toàn cầu hóa và quản trị toàn cầu.

Các sáng kiến ngoại giao và kinh tế liên quan mật thiết đến ông Tập đều phản ánh những nỗ lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm thúc đẩy các mục tiêu và khái niệm được vạch ra trước đây, từ “Giấc mộng Trung Hoa” đến an ninh toàn diện và “bảo vệ các lợi ích”. Vì thế, sẽ rất ngạc nhiên nếu Đại hội Đảng 19 không nhấn mạnh hoặc đề cập đến chúng.

Ngoài những sáng kiến chính sách cốt lõi, có thể Đại hội Đảng 19 sẽ đề cập quan hệ Trung - Nga, trong bối cảnh quan hệ này được cải thiện đáng kể từ sau Đại hội 18. Tuy nhiên, các đại hội Đảng của Trung Quốc thường không đề cập đến quan hệ cụ thể, ngoại trừ quan hệ với Mỹ.

Một câu hỏi đang được nghĩ đến là liệu đại hội lần này có đề cập gì đến cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên hay không. Dù đây là vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày nay, nhưng xu hướng không nhắc đến vấn đề cụ thể có thể khiến Triều Tiên không được nêu tên. Tuy nhiên, vì tính cấp bách của vấn đề nên đại hội lần này có thể gián tiếp nhắc đến cuộc khủng hoảng trên bán đảo và những đe dọa thẳng thừng của ông Trump nhằm vào Bình Nhưỡng bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng hiện nay thông qua đối thoại và/hoặc tránh sử dụng vũ lực, phải thông qua sự nhất trí chung tại Liên Hợp Quốc.

Khác với chính quyền Mỹ hiện nay, các lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hưởng lợi lớn từ hội nhập kinh tế toàn cầu và vì thế họ phải hợp tác với các cường quốc công nghiệp lớn để giải quyết những mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia nghiêm trọng như biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế đó không loại trừ khả năng xảy ra căng thẳng lớn hơn giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh trong những vấn đề thương mại, đầu tư, quyền chủ quyền và nhiều hoạt động khác liên quan đến quân đội Trung Quốc, Mỹ hay Nhật Bản trên vùng tây Thái Bình Dương.

Theo bài viết mà Viện Carnegie về Hòa bình quốc tế vừa đăng tải, nghiêm trọng nhất trong những căng thẳng này chắc chắn nằm ở châu Á, với các vấn đề tranh chấp chủ quyền và các hoạt động quân sự xảy ra ở khu vực. Khủng hoảng leo thang từ các vấn đề này có thể tác động xấu lên quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và các nước, trong bối cảnh tất cả các bên chưa có biện pháp xây dựng lòng tin sâu rộng hơn và tăng cường hiểu biết lẫn nhau về những nguồn cơn có thể gây xung đột trong tương lai, bao gồm vấn đề Triều Tiên, Đài Loan, tranh chấp trên biển, năng lực và hoạt động quân sự của Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh.

Theo GS Cabestan, sự trỗi dậy của Trung Quốc nhằm thống trị về kinh tế không hề dễ dàng vì “đã thấy sự dội ngược lại từ các nước láng giềng”. Học giả này cho rằng trong nội bộ Trung Quốc đang có lo lắng rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường”, điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của ông Tập nhằm tạo ra các tuyến thương mại bằng cách cung cấp hàng tỷ đô la Mỹ cho các nước đầu tư hạ tầng có thể “quá lộ và quá mạnh tay” nên vấp phải tác động dội ngược.

Thảo luận việc sửa đổi Điều lệ Đảng

Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua tổ chức họp báo về Đại hội 19.  Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thảo luận việc sửa đổi Điều lệ Đảng, qua đó giới thiệu các khái niệm quản lý, tư tưởng và chiến lược mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với ông Tập Cận Bình là hạt nhân. 

Hệ thống thông tin quản lý đảng viên

Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa khai trương hệ thống thông tin quy mô toàn quốc dành cho toàn bộ 89 triệu đảng viên. Hệ thống tin học hoá này có tính năng chứng nhận nhân thân điện tử của đảng viên, phân tích dữ liệu đảng viên, tổ chức đảng, giúp triển khai các chương trình giáo dục, truyền tải thông tin trực tuyến…

MỚI - NÓNG