Trung Quốc đẩy mạnh trồng cây ăn quả kiểu Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trung Quốc sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nhiều loại nông sản, đặc biệt là rau quả tươi (ở mức lớn nhất thế giới). Phía nam Trung Quốc, đặc biệt là ba tỉnh giáp Việt Nam là Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam cũng như tỉnh đảo Hải Nam có điều kiện khí hậu cận nhiệt đới, thời tiết, thổ nhưỡng tương đối giống Việt Nam, có thể trồng được hoa quả nhiệt đới.

Thu nhập trung bình của người Trung Quốc tăng, dẫn tới nhu cầu với hoa quả tươi chất lượng cao tăng. Vì vậy, song song với việc tăng nhập khẩu chủng loại và số lượng hoa quả tươi từ các nước ASEAN, Trung Quốc tăng canh tác các loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả, để đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu, các chuyên gia nông nghiệp cho biết.

Các loại trái cây Trung Quốc đang tiêu thụ nhiều và tìm cách trồng nhiều bao gồm chuối, thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, dưa hấu, vải thiều và mít.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể sử dụng giống của các nước Đông Nam Á (ví dụ giống hoa hồng Campuchia đã thấy xuất hiện ở chợ hoa Đấu Nam ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; giống sầu riêng Thái Lan, Malaysia đang được trồng ở Hải Nam), rồi tăng đầu tư cho nghiên cứu và công nghệ trồng trọt để lai tạo giống mới, tạo ra phương pháp canh tác mới hiệu quả hơn. Điều này vừa giúp tăng sản lượng trong nước vừa cho phép nước này trồng được nhiều loại cây, đặc biệt là cây ăn quả trước đây nhập khẩu hoàn toàn như thanh long, sầu riêng, bơ… Trước mắt là giúp dân địa phương xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, sau là bán sang các tỉnh thành khác của Trung Quốc (nhất là Bắc Kinh) và xuất khẩu.

Hiện nay, Trung Quốc khai thác rất mạnh xuất nhập khẩu nông sản từ khắp ASEAN (đặc biệt là Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia) khi mà vận tải đường sắt, đường bộ, đường biển kết nối với các nước ngày càng chặt chẽ.

Trong khi đó, chủ trang trại Trung Quốc khép kín các khâu: giống, trồng sạch, đóng gói thương hiệu trang trại cung cấp cho siêu thị, bán trên thương mại điện tử, bán cho du khách tham quan, chụp ảnh sống ảo… Ngoài ra, trình làng các giống mới có mùi vị, hình dáng, tên gọi hợp thị hiếu khách hàng hơn. Ví dụ, dưa hấu nhỏ ngọt lịm (nặng nhất 1kg), giá tương đương 100.000 đồng; quả vải không hạt trồng ở Hải Nam; vải đặt tên là vải Quý Phi (Quý Phi lệ chi), vải vua (Lệ chi vương)…

Một số doanh nghiệp Trung Quốc đang gia tăng hợp tác trồng hoa quả, trong đó có sầu riêng tại Lào, ký hợp đồng bao tiêu cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu và bao tiêu sản phẩm với nông dân Trung Quốc ở vùng biên giới giáp Lào, Việt Nam và Myanmar, đưa ra nhiều mô hình hay.

Các tỉnh thành trồng trái cây nhiệt đới nhiều nhất ở Trung Quốc là Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam, theo sau là Vân Nam và Phúc Kiến. Tứ Xuyên và Trùng Khánh cũng có trồng cây ăn quả nhiệt đới nhưng số lượng còn nhỏ.

Trồng sầu riêng ở Hải Nam, xoài ở Quảng Tây, dứa ở Quảng Đông…

Trung Quốc đẩy mạnh trồng cây ăn quả kiểu Việt Nam ảnh 1

Ông Deng Jialu, Giám đốc Công ty Cà phê Beigui (Vân Nam, Trung Quốc), ngày 18/6/2023 dẫn khách thăm trang trại cà phê 400 ha, nói rằng Việt Nam và Thái Lan là 2 thị trường lớn nhất của Beigui. Ảnh: Linh Nhi

Cuối tháng 6, khoảng 50 tấn sầu riêng trồng trên 93 ha trên đảo Hải Nam được bán ra thị trường. Đây là vụ sầu riêng đầu tiên trên đảo. Sản lượng thực tế quá thấp so với dự báo trước đó là vài nghìn tấn. Trung Quốc tiêu thụ mỗi năm khoảng 1 triệu tấn sầu riêng. Ông Phùng Học Kiệt, Viện trưởng Viện Cây ăn quả - Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam, cho biết sầu riêng Hải Nam thu hoạch từ cuối tháng 6 đến tháng 8 nhưng chỉ bán ở Hải Nam, Hainan Daily đưa tin. Hiện nay Trung Quốc trồng chủ yếu là giống sầu riêng của Đông Nam Á rồi từ từ phát triển, lai tạo giống địa phương.

Hải Nam dự kiến trồng 6.700 ha sầu riêng trong 3-5 năm tới. Hiện nay nhiều nơi cũng phá bỏ cây cau để trồng sầu riêng nhưng chi phí trồng sầu riêng ở Trung Quốc cao hơn nhiều các nước láng giềng. Ông Kiệt cho rằng sầu riêng Hải Nam sẽ có lợi thế là du khách Trung Quốc được ăn tại vườn chín cây so với ăn sầu riêng nhập khẩu là hái khi mới chín 8-9 phần.

Công ty Đầu tư thực phẩm thử nghiệm Quảng Châu năm 2021 ký thỏa thuận khung về phát triển toàn diện cây ăn quả giai đoạn 2 ở huyện Điền Dương, thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây với tổng vốn đầu tư 500 triệu nhân dân tệ (1.700 tỷ đồng), China Daily đưa tin. Mô hình canh tác này là “Một xanh một đỏ” (tức là trồng xoài xanh và cà chua đỏ). Điền Dương là cái nôi của cây xoài ở Trung Quốc.

Phát triển nông nghiệp hiện đại

Tháng 6, Trung Quốc đưa ra kế hoạch đầu tiên nhằm phát triển nền nông nghiệp hiện đại, chỉ định bốn nhiệm vụ chính cho ngành trong giai đoạn 2023-2030. Một là, trồng trọt phải tiết kiệm năng lượng, chăn nuôi phải chuyên sâu. Hai là ngành thủy sản sẽ tập trung vào nuôi trồng thủy sản sinh thái, phát triển cơ sở hậu cần hiện đại, nhất là về sấy khô, bảo quản nông sản. Ba là, đến năm 2030, tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp và tỷ lệ đóng góp của tiến bộ khoa học - công nghệ cho ngành có thể đạt lần lượt là 60 và 70%. Bốn là, tăng cường hỗ trợ chính sách và hướng vốn xã hội vào đầu tư phát triển nền nông nghiệp thông qua trợ cấp đầu tư, phát hành trái phiếu đặc biệt…

Với khí hậu cận nhiệt đới gió mùa với mùa đông ấm áp và mùa hè dài, nhiều ánh nắng mặt trời, Điền Dương được mệnh danh là “nhà kính tự nhiên”, phát triển nhiều loại rau quả. Xoài được thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm và cà chua từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Năm 2020, tổng diện tích trồng xoài là 27.200 ha, sản lượng 280.000 tấn.

Hiện là mùa cao điểm của xoài Điền Dương trên thị trường. Xoài đang được bán chạy tại Chợ Bán buôn Nông sản và Sản phẩm phụ Điền Dương.

Khối lượng giao dịch bình quân hằng ngày của chợ là 2.000 tấn, ngày cao điểm là 5.000 tấn. Tổng khối lượng giao dịch hằng năm là 700.000 tấn và giá trị giao dịch vượt 1,6 tỷ nhân dân tệ (5.440 tỷ đồng). Xoài Điền Dương được bán ở hơn 230 thành phố lớn và vừa ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam, Nga và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Từ tháng 4, nông dân ở thị trấn Từ Văn, huyện Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông lại bận rộn thu hoạch dứa. Từ Văn hiện có hơn 23.000 ha dứa. Khi đến thăm một ngôi làng ở Từ Văn ngày 11/4 trong chuyến thị sát tới Quảng Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, các ngành công nghiệp nông thôn đặc biệt có nhiều triển vọng, Xinhua đưa tin.

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc có tổng cộng 505 thị trấn và làng được chọn là mô hình phát triển nông thôn. Năm 2022, sản lượng dứa của Từ Văn đạt mức kỷ lục 796.000 tấn, trị giá khoảng 2,5 tỷ nhân dân tệ (8.500 tỷ đồng).

Ngoài tiêu thụ trong nước, dứa trồng ở Từ Văn cũng được xuất khẩu sang nhiều nước, bao gồm Singapore, Nhật Bản, Nga, Kyrgyzstan…

Ngoài ra, Trung Quốc đã và đang trồng rất nhiều cà phê, bơ ở tỉnh Vân Nam; mít ở Quảng Tây; mít, xoài, vải, nhãn… ở Quảng Đông.

MỚI - NÓNG