Trung Quốc đặt căn cứ hải quân ở Campuchia?

Căn cứ hải quân Ream. Ảnh: Khmer Times
Căn cứ hải quân Ream. Ảnh: Khmer Times
TP - Tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời một số quan chức Mỹ nói Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội của họ sử dụng một căn cứ hải quân ở Campuchia. Sau đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Theo tờ báo Mỹ, thỏa thuận nói trên được ký từ hồi đầu năm nhưng cả Trung Quốc và Campuchia đều không công khai. Thỏa thuận cho phép Trung Quốc có 6 quyền đối với một phần căn cứ hải quân của Campuchia trên vịnh Thái Lan, rất gần sân bay đang được một công ty Trung Quốc xây dựng.

Theo Wall Street Journal, một số chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa rõ, nhưng một dự thảo thỏa thuận ban đầu mà một số quan chức Mỹ được xem nói rằng Trung Quốc được phép sử dụng căn cứ trong 30 năm và sau đó cứ 10 năm lại được tự động gia hạn. Trung Quốc sẽ được phép đưa binh lính tới, cất trữ vũ khí và trú đóng tàu chiến, theo dự thảo thỏa thuận.

Các hoạt động quân sự ở căn cứ, sân bay, hoặc cả hai, sẽ gia tăng đáng kể năng lực của Bắc Kinh trong việc củng cố các nỗ lực đòi hỏi chủ quyền và lợi ích kinh tế ở biển Đông, đe dọa các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á và mở rộng tầm ảnh hưởng đối với eo biển Malacca có vị trí chiến lược.

Các quan chức Trung Quốc và Campuchia đều bác bỏ thông tin về bất cứ kế hoạch cho quân đội Trung Quốc đồn trú trên đất Campuchia. “Chẳng có gì như thế đang diễn ra”, Phay Siphan, một người phát ngôn của chính phủ Campuchia nói hôm thứ Sáu. Ông này gọi đó là “tin giả”.

Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ và đồng minh nói trước đó một thỏa thuận đã được ký kết, tạo điều kiện cho Bắc Kinh có được căn cứ hải quân đầu tiên ở Đông Nam Á và tiền đồn thứ hai ngoài lãnh thổ, trong nỗ lực mà Mỹ gọi là chiến dịch của Trung Quốc trong việc tạo ra một mạng lưới quân sự và các địa điểm lưỡng dụng, cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự.

“Washington quan ngại rằng, bất cứ bước đi nào từ phía chính phủ Campuchia mời gọi sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Campuchia cũng gây hại đối với hòa bình và ổn định của khu vực”, theo  lời Emily Zeeberg, nữ phát ngôn viên của đại sứ quán Mỹ tại Campuchia.

Wall Street Journal nói, căn cứ đó được bao bọc xung quanh bởi rừng rậm và các khoảng rừng đước ngập nước. Căn cứ hải quân nói trên, đặt tại Ream, Shihanoukville, có diện tích gần 77ha bao gồm hai hợp phần vốn được xây dựng bằng ngân sách của Mỹ và được hải quân Campuchia sử dụng. Ở đây có một cầu cảng, nơi hàng chục tàu tuần tra nhỏ neo đậu.

Theo bản dự thảo ban đầu, Trung Quốc sẽ mua hai cầu cảng mới, một để phía Trung Quốc sử dụng, một dành cho Campuchia, theo lời các quan chức Mỹ. Họ cũng cho rằng, sẽ cần phải nạo vét khu vực cảng để đón các tàu hải quân lớn hơn của Trung Quốc.

Dự thảo thỏa thuận cho phép binh lính Trung Quốc được mang vũ khí và hộ chiếu. Người Campuchia nếu không được phía Trung Quốc cho phép không được vào khu vực 25ha trong căn cứ Ream dành riêng cho phía Trung Quốc, các quan chức Mỹ nói.

Cơ sở do phía Mỹ tài trợ xây dựng trước đó tại Ream sẽ được chuyển vị trí để tạo điều kiện “phát triển hạ tầng và củng cố an ninh”, theo một bức thư trong tháng 7 này từ Bộ Quốc phòng Campuchia gửi phía Mỹ mà “phóng viên Wall Street Journal được xem”.

Mỹ và các đối tác đồng minh cũng đang được nói là vận động Campuchia không cho phép quân đội Trung Quốc được sử dụng một sân bay lớn đang được một công ty tư nhân Trung Quốc xây dựng ở Dara Sakor, cách Ream hơn 60km về phía Tây Bắc với giấy phép sử dụng đất trong thời hạn 99 năm.

Tờ báo Mỹ nói các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, công việc đã tiến triển nhanh chóng. Khu vực này có 2 đường băng đủ lớn để “máy bay Boeing 747 hay Airbus A380 hạ cánh”, theo tường thuật của Wall Street Journal  hôm 22/7. Công ty xây sân bay nói nó hoàn toàn phục vụ
thương mại.

Về các thông tin mà Wall Street Journal đưa ra, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng bác bỏ. “Đây là tin tức giả tồi tệ nhất chống lại Campuchia”, ông Hun Sen nói với báo điện tử Fresh News hôm qua. “Không có chuyện như thế xảy ra bởi cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trong lãnh thổ là vi phạm hiến pháp Campuchia”, ông Hun Sen nói. Người phát ngôn bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat nói với Reuters rằng, bản tin của Wall Street Journal “ngụy tạo và vô căn cứ”.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.