Trung Quốc có thể gây sức ép

Trung Quốc có thể gây sức ép
TP - Trung Quốc không thay đổi chính sách hăm dọa Philippines và sẽ muốn gây sức ép với các nước thành viên ASEAN để có được sự thỏa hiệp nhằm diễn đạt lại dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC), giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, trao đổi với Tiền Phong qua email.

> Biển Đông trong Tuyên bố chung Ngoại trưởng ASEAN
> Cần sớm có COC

Mới đây, ASEAN và Trung Quốc đạt được một số thỏa thuận xúc tiến trao đổi về Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC). Ông nghĩ sao về triển vọng đàm phán giữa hai bên về vấn đề biển Đông thời gian tới?

Chúng ta chuẩn bị được chứng kiến sự khởi đầu của các cuộc thương lượng kéo dài, có lẽ là vào tháng 8 tới và sau đó là vào cuối năm nay ở cấp ngoại trưởng. Thái Lan - với tư cách là quốc gia điều phối giữa ASEAN và Trung Quốc - đang rất tích cực để thúc đẩy tiến trình này. Tháng 9 năm ngoái, các ngoại trưởng ASEAN đã xem lại dự thảo COC do Indonesia soạn thảo. Cần làm nhiều việc nữa thì mới hoàn thành COC được. Tiếp theo, ASEAN sẽ phải duy trì một mặt trận thống nhất hậu COC.

Trung Quốc sẽ muốn gây sức ép để có được sự thỏa hiệp nhằm diễn đạt lại COC. Trung Quốc cũng sẽ thích tuyên bố rằng, quá trình diễn ra là phục vụ việc thực hiện các hoạt động hợp tác theo DOC. Trung Quốc chắc chắn sẽ khăng khăng đòi hỏi rằng, các siêu cường bên ngoài như Mỹ không được can dự với bất cứ vai trò gì khi mà ASEAN và Trung Quốc đang thảo luận vấn đề này. Nói cách khác, các bên đang bước vào một giai đoạn tích cực, nhưng sẽ là chủ quan khi nghĩ rằng, các vấn đề còn tồn tại sẽ được giải quyết một cách chóng vánh.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 tại Brunei hôm 30/6. Ảnh: Xinhua
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN+3 tại Brunei hôm 30/6. Ảnh: Xinhua.

Từ sau Shangri-La 12, nhiều ý kiến cho rằng, tình hình biển Đông thời gian qua không có nhiều biến đổi, vẫn là việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh, đe dọa ngư dân của các nước tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?

Shangri-La thuần túy là một diễn đàn đối thoại. Vấn đề biển Đông không có trong chương trình nghị sự chính thức. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines không đề cập biển Đông trong bài phát biểu của mình. Trung Quốc không cử Bộ trưởng Quốc phòng tham dự và có giọng điệu chủ yếu là ôn hòa vì lúc đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama...

Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách hăm dọa Philippines. Tuy nhiên, các vụ việc giữa Trung Quốc và Việt Nam không nhiều, không nghiêm trọng như mấy năm trước. Tôi nghĩ rằng, việc Trung Quốc tuyên bố là sẽ thảo luận COC với các quan chức ASEAN ở cấp thứ trưởng, với tư cách là một phần của Nhóm Công tác thực hiện DOC, hồi tháng 4 vừa rồi, đã tạo ra một môi trường mà ở đó không bên nào muốn bị quy lỗi làm đảo lộn tiến trình ngoại giao tiềm năng.

Sau chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington, có vẻ như Mỹ ít nhiều hạn chế việc can dự vấn đề biển Đông? Ý kiến ông thế nào?

Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung, Tổng thống Barack Obama nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Tập Cận Bình vẫn kiên quyết giữ lập trường của Trung Quốc. Về vấn đề này vẫn chưa có tiến triển gì cả. Mỹ chủ yếu quan tâm quần đảo Senkuku/Điếu Ngư. Mỹ có nghĩa vụ trong Hiệp ước đã ký với Nhật Bản, nhưng không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Quan điểm của Mỹ là tham vấn, bàn bạc một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này…

Cảm ơn ông.

Ngày 28/8 tới, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tham vấn chính thức về việc tiến tới COC, Tổng Thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh cho biết như vậy bên lề một cuộc họp báo tại Hà Nội hôm qua. Theo ông Lê Lương Minh, tại cuộc họp cuối tháng 8, ASEAN và Trung Quốc cũng sẽ thảo luận biện pháp tiếp tục thực thi hiệu quả và đầy đủ DOC, cũng như tăng cường quan hệ nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

Philippines - Trung Quốc tranh cãi về quân sự hóa trên biển Đông

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa bác bỏ cáo buộc của Philippines rằng, việc Trung Quốc tăng cường quân sự đe dọa hòa bình và an ninh trên biển Đông. Trước đó, Ngoại trưởng Philippines ra thông cáo báo chí nói rằng, “Philippines thật sự lo ngại tình trạng quân sự hóa trên biển Đông”, và “sự hiện diện dày đặc của các tàu quân sự và bán quân sự của Trung Quốc” ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham đang “đe dọa nỗ lực duy trì an ninh hàng hải và ổn định trong khu vực”. Ngày 11/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông theo hướng hòa bình, không dọa dẫm, không cưỡng ép.

Hôm 12/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố thông điệp nhân dịp nghỉ lễ Ngày của biển (ngày 15/7), trong đó có đoạn: “Tôi sẽ bảo vệ lợi ích của người dân Nhật Bản trên các tuyến hàng hải ổn định, các vùng lãnh hải và vùng kinh tế đặc quyền” (ngụ ý vấn đề tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư.

Thái An
Theo Xinhua, AP, Kyodo

 

Minh Long
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.