Trung Quốc chống tham nhũng: Gian nan đánh hổ, đập ruồi

Trung Quốc chống tham nhũng: Gian nan đánh hổ, đập ruồi
TP - Chống tham nhũng, xây dựng tác phong làm việc mới đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Trung Quốc. Sau khi trở thành Tổng bí thư ở Đại hội 18, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố mạnh mẽ: “Chống tham nhũng, phải đánh cả hổ, đập cả ruồi”.

> Trung Quốc trước ngưỡng cửa cải cách lịch sử
> Bắc Kinh để mắt người nhập cư

Thực tế cho thấy, chống tham nhũng đã được đưa lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Hội nghị Trung ương 3 khai mạc vào ngày 9/11 cũng đưa “Phản hủ bại” (cách người Trung Quốc gọi chống tham nhũng) thành nội dung chủ yếu. Nhân dịp này, báo chí Trung Quốc đã liên tiếp đăng bài điểm lại những việc đã làm được trong lĩnh vực khó khăn và nhạy cảm này.

xử lý hàng trăm cán bộ/ngày

Ngay sau Đại hội 18, một loạt các quan chức cấp Bộ trở lên bị xét xử vì hành vi tham nhũng hoặc lợi dụng chức quyền, như Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, Phó Tỉnh trưởng Sơn Đông Hoàng Thắng, Phó Tỉnh trưởng Cát Lâm Điền Học Nhân.

Tiếp đó, 11 quan chức cấp thứ trưởng trở lên vừa ngồi lên ghế sau Đại hội 18 đã bị lôi xuống. Sau Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành, Trưởng ban Mặt trận tỉnh ủy Quảng Đông Châu Chấn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách quốc gia Lưu Thiết Nam, Phó tỉnh trưởng An Huy Nghê Phát Khoa, Phó tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài nguyên quốc gia Tưởng Khiết Mẫn, Thị trưởng Nam Kinh Quý Kiến Nghiệp, UV Thường vụ tỉnh ủy Quý Châu Liêu Thiếu Hoa...lần lượt bị cách chức hoặc đình chức để điều tra vì vi phạm kỷ cương, pháp luật nghiêm trọng, một số đã bị chuyển giao sang cơ quan tư pháp.

6 tháng đầu năm 2013, cơ quan kiểm sát cả nước đã điều tra 87 quan chức lãnh đạo cấp sở (tỉnh) trở lên dính vào các vụ án tham ô, nhận hối lộ; lập hồ sơ 2.975 vụ án tham ô lớn (số tiền từ 500 ngàn NDT trở lên), tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước; ngoài ra còn điều tra 13.842 người khác trong 9.747 vụ án tham nhũng với tổng số tiền lên tới 1,77 tỷ NDT. Riêng tỉnh Quảng Đông, có 4.613 quan chức bị dính trong 4.423 vụ án tham nhũng, 4.308 bị xử lý kỷ luật đảng, 298 bị giao cơ quan tư pháp trong đó có 29 cán bộ cấp phòng , 242 cán bộ cấp huyện, thu hồi 623 triệu NDT.

Ngày 5/11, Trương Quân, Phó bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật (KTKL) Trung ương, thành viên Tổ lãnh đạo tuần tra Trung ương cho biết: 9 tháng đầu năm 2013, cơ quan KTKL các tỉnh, thành phố đã lập 117.000 hồ sơ, xử lý 107.000 đảng viên, công chức, tính ra mỗi ngày có 396 người bị xử lý kỷ luật.

Đánh hổ trong quân đội

Ngày 5/11, Tân Hoa xã dẫn một báo cáo do quân đội Trung Quốc công bố: thời gian qua, quân đội (giải phóng quân) và cảnh sát vũ trang đã tiến hành một phong trào chỉnh phong gọi là “Phản Tứ phong” (chống hình thức, quan liêu, hưởng lạc, cờ bạc). Qua đó đã phát hiện có tới trên 8.100 căn hộ và hơn 25.000 xe hơi bị các cán bộ quân đội chiếm dụng trái phép.

Ngoài ra báo cáo còn yêu cầu các cán bộ đang sử dụng diện tích nhà ở quá tiêu chuẩn phải cam kết trả lại, tập trung quản lý các xe dã chiến, huỷ bỏ chế độ thư ký với cán bộ cấp quân đoàn và các cán bộ cấp cao phải nộp báo cáo kiểm điểm lên Quân ủy. Quân ủy Trung ương đã thành lập đoàn “Tuần tra chống tham nhũng” do Phó chủ tịch Quân ủy Hứa Kỳ Lượng phụ trách với tuyên bố “Đánh tuốt cả hổ lẫn ruồi và phải dấy lên làn sóng chống tham nhũng trong quân đội”.

Tài sản, nhà cửa của quan tham ở nước ngoài

Tổ chống tham nhũng Trung ương do Ủy viên Thường vụ BCT, Bí thư Ủy ban KTKLTW Vương Kỳ Sơn phụ trách đã xác định hướng trọng điểm tham nhũng là tài sản, nhà cửa của các quan chức ở nước ngoài. Hiện nay, các quan tham, gian thương đã tuồn một lượng tiền rất lớn ra nước ngoài. Trước hiện tượng này, chính phủ Trung Quốc quyết tâm “Không để cho các quan tham và gia quyến được sống sung sướng ở nước ngoài, phải đẩy chúng lâm vào thế tuyệt vọng”.

Xác định phần lớn tài sản của quan tham tập trung tại các khu nhà cao cấp ở London, New York, Los Angeles, Sydney, Toronto, chính phủ Trung Quốc đã hợp tác với các chính phủ nước sở tại để triển khai hoạt động truy bắt toàn cầu. Mỹ đã cam kết hợp tác và tháng 7 vừa qua Canada cũng đã ký hiệp nghị về tịch thu, chia và hoàn trả tang vật, tuồn trong các vụ án.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, từ thập niên 1990 đến 2008, có 18.000 quan chức, nhân viên các đơn vị, công ty, xí nghiệp quốc doanh chiếm đoạt hơn 800 tỷ NDT tiền công, trong đó phần lớn tuồn qua Mỹ, Canada, Australia, Hà Lan. Một báo cáo của Ủy ban KTKLTW cho biết: năm 2012 đã có 1 tỷ USD bị đưa ra nước ngoài.

Mạng chuyên về bất động sản “juwai.com” đưa tin: năm 2012 các khách hàng Trung Quốc đã chi 30 tỷ USD để mua nhà cửa ở nước ngoài, trong đó 9,1 tỷ dùng để mua nhà ở Mỹ. Theo luật chống rửa tiền toàn cầu, các quan tham chuyển tiền trực tiếp vào các ngân hàng hoặc đầu tư cổ phiếu sẽ rất khó thoát, chính vì vậy, đám này thường chọn cách chi tiền mặt để mua bất động sản qua các nhà môi giới dù phải chi thêm một khoản không nhỏ.

Hiệp hội Các nhà kinh doanh bất động sản quốc gia Mỹ cho biết, 70% giao dịch bất động sản được các khách hàng Trung Quốc trả hoàn toàn bằng tiền mặt. Trong năm tài chính 2011-2012, khách hàng Trung Quốc đầu tư gần 4 tỷ USD để mua nhà ở Australia; còn ở Vancouver (Canada) khách Trung Quốc mua nhà chiếm 1/3 tổng số khách mua. Ở London, năm 2012, 27% số khách hàng mua căn hộ là người Trung Quốc. Tuy nhiên, tịch thu và lấy lại những tài sản của các quan tham ở nước ngoài không hề dễ dàng.

Thu Thủy
Tổng hợp theo báo chí Trung Quốc

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.