Hiện đã có 9 loại vaccine trong nhóm “ứng cử viên” của COVAX, 4 trong số đó là của Trung Quốc. Trước đây, thái độ của Trung Quốc rất do dự; tờ Thời báo Hoàn cầu, truyền thông chính thức của Trung Quốc dẫn lời ông Tăng Quang, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc nói, cách làm của Trung Quốc là “thận trọng” vì trước đó họ đã hứa sẽ ưu tiên cho một số đối tác và các quốc gia lân cận thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ông Tăng Quang nói rằng Trung Quốc có thể muốn lập một kế hoạch chi tiết trước khi tham gia COVAX, để vừa đảm bảo nguồn cung trong nước vừa đảm bảo nhu cầu đối với các nền tảng này.
Trước đây, Trung Quốc đã tuyên bố rõ, một khi vaccine được phát triển thành công, nước này sẽ ưu tiên cho các nước dọc sông Mekong như một phần của “chính sách ngoại giao vaccine”. Tại thời điểm này, khi tham gia COVAX, Trung Quốc tuyên bố rằng “mục đích là bằng các hành động thiết thực, thúc đẩy việc phân phối vaccine công bằng, đảm bảo rằng vaccine được cung cấp cho các nước đang phát triển, đồng thời thúc đẩy càng nhiều các nước có năng lực tham gia và ủng hộ”.
Hiện vẫn chưa rõ hình thức biểu hiện cụ thể của việc Trung Quốc gia nhập, liệu có phải nước này sẽ mua vaccine từ cơ cấu này, rót vốn để giúp các nước đang phát triển hay là cung cấp thêm vaccine.
Dịch bệnh COVID-19 đang xuất hiện trở lại ở một số quốc gia và khu vực, dân chúng đang mong đợi loại vaccine an toàn và hiệu quả để giúp quay lại cuộc sống bình thường. Hiện nay một phần của vaccine COVID-19 đã bước vào giai đoạn xem xét phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, có nghĩa là vaccine được bán ra thị trường và công chúng có thể được tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện nay việc đặt mua vaccine thuộc về người bán, cung cầu mất cân đối nghiêm trọng. Thứ tự tiêm chủng cho người dân các nước trên thế giới liệu có phải dựa vào khả năng của quốc gia để tự do vét hàng trên thị trường toàn cầu, hay dù nghèo hay giàu thì người dân các nước đều có thể được tiêm chủng công bằng cùng lúc, vẫn chưa có lời giải.
COVAX đã ra đời để thực hiện việc phân phối vaccine công bằng. Aurelia Nguyễn, Giám đốc điều hành của COVAX, nói từ trước đến nay chưa từng có nỗ lực nào tương tự trong lĩnh vực y tế công cộng. “Cơ chế bảo đảm vaccine COVID-19 là một dự án đầy tham vọng, nhưng đó là kế hoạch duy nhất hiện có để chấm dứt đại dịch toàn cầu”. Nhưng kế hoạch này rõ ràng đang đối mặt với nhiều thách thức và nghi ngờ.
Cơ chế đảm bảo vaccine COVID-19 (COVAX) đã tuyên bố trên trang web chính thức của mình rằng mục tiêu là mua 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, bao phủ được 20% dân số thế giới. Nhưng hiện vẫn chưa biết liệu mỗi người cần phải tiêm một hay hai loại vaccine mới sinh ra được kháng thể. Người đứng đầu Tập đoàn Sinopharm của Trung Quốc trước đó nói, mỗi người cần phải tiêm hai loại vaccine do tập đoàn này nghiên cứu mới đạt được hiệu quả phòng chống dịch. Nếu đó là sự thật thì 7,6 tỷ người trên thế giới cần phải có 15,2 tỷ liều vắc xin để giúp chấm dứt đại dịch.
Hiện tại, 2/3 số quốc gia trên thế giới đã tham gia vào COVAX. Các nước tham gia có thể mua vaccine thông qua tổ chức này, hoặc có thể được nhận vaccine miễn phí trong tình huống cần thiết. Tất nhiên, hầu hết các trường hợp miễn phí chỉ xảy ra ở các nước kinh tế kém phát triển. Tuy nhiên, hai nước lớn Mỹ và Nga đã không tham gia COVAX. Trên thực tế, một số quốc gia giàu có cũng đã chốt mua vaccine từ trước và trực tiếp ký hợp đồng với các công ty dược phẩm và nhóm nghiên cứu phát triển vaccine.
Hãng tin AP cho biết, các nước này chiếm khoảng 13% dân số thế giới, nhưng đã chốt mua tới 50% lượng vaccine trên thị trường. Điều này có nghĩa là không còn lại nhiều vaccine trên thị trường và cơ chế đảm bảo vaccine COVID-19 đang đối mặt với sự cạnh tranh đặt hàng gay gắt. Ngoài ra, sự thiếu thốn kinh phí của COVAX đã làm tăng thêm sự không chắc chắn về việc liệu vaccine có thể được tiêm chủng công bằng hay không.
Vào tháng 9, COVAX đã thừa nhận rằng vẫn thiếu 400 triệu USD tiền vốn, cần được các chính phủ hoặc các bên khác đáp ứng. Hãng tin AP dẫn một tài liệu nội bộ của tổ chức này cho biết nếu không thể lấp đầy khoảng trống kinh phí, GAVI sẽ không ký thỏa thuận mua vaccine.
Liên minh châu Âu đã đầu tư 400 triệu euro vào COVAX, nhưng Hãng thông tấn AP cho biết 27 quốc gia EU sẽ không mua vaccine thông qua tổ chức này. Điều này được cho là do thiếu tin tưởng vào khả năng cung cấp của COVAX. Liên minh châu Âu đã ký riêng một thỏa thuận mua hơn 1 tỷ liều vaccine của các nhà sản xuất dược phẩm. Ông Clemens Auer, thành viên Ủy ban điều hành WHO và Trưởng đoàn đàm phán vaccine của EU, nói tính minh bạch của COVAX khiếm khuyết nghiêm trọng. “Chúng tôi không có quyền phát ngôn về giá cả, chất lượng, nền tảng kỹ thuật hay rủi ro của vaccine. Đó là điều không thể chấp nhận được”.