Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (Đại học Xây dựng) tổ chức "Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội".
Đây là quy hoạch đặc thù, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đồng thời nằm trong Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, bên cạnh công trình nhà Quốc hội đang xây dựng, là công trình có ý nghĩa tiếp nối của Trung tâm quyền lực trải qua hàng nghìn năm lịch sử.
Sau hơn 3 tháng triển khai, Hội đồng đã nhận được 24 đồ án của 23 đơn vị, trong đó có 2 đồ án của các đơn vị nước ngoài là Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Singapore.
Sau 3 vòng sơ tuyển, Hội đồng lựa chọn được 8 phương án đáp ứng được các tiêu chí cuộc thi. Sau khi chấm chọn, các thành viên Hội đồng đã thống nhất bỏ phiếu trao giải cho 6 đồ án (2 giải nhì, 1 giải ba, 3 giải khuyến khích, không có giải nhất).
Phối cảnh minh hoạ Hoàng Thành Thăng Long - khu 18 Hoàng Diệu
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Hội đồng đã làm việc nghiêm túc, bảo đảm quy trình, thủ tục. Mục đích của cuộc thi là tuyển chọn phương án kiến trúc đảm bảo sự hài hòa với các công trình kiến trúc liền kề và cảnh quan chung của khu vực, đồng thời phải bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nhằm tôn vinh giá trị di sản và giới thiệu rộng rãi tới công chúng tiến tới xây dựng một công viên Lịch sử - Văn hóa Hoàng thành Thăng Long.
Đánh giá về kết quả cuộc thi, ông Nguyễn Thế Thảo nhận định: Việc không lựa chọn được giải nhất là do chưa có tác phẩm nào đáp ứng được đầy đủ tiêu chí đã đưa ra, bởi đây là khu vực không chỉ có kiến trúc đơn thuần mà còn thể hiện bề dày truyền thống văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Trên cơ sở các tác phẩm đạt giải, TP Hà Nội sẽ tiếp tục xin ý kiến rộng rãi của cộng đồng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để lựa chọn ra phương án tối ưu.
Dự kiến, các phương án này sẽ được trưng bày tại Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội vào ngày 30/4 để tiếp tục lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân, trước khi UBND TP có quyết định lựa chọn cuối cùng.
Ngay sau đó, ngày 27/4, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã bàn giao mặt bằng di tích khu D, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cho UBND TP Hà Nội. Đây cũng là khu vực cuối cùng trong 4 khu thuộc di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Hoàng thành Thăng Long.
Cùng với mặt bằng di tích khu D, Viện cũng bàn giao các loại tài sản gắn liền với di tích kèm theo hồ sơ khoa học và hồ sơ vật chất của khu D. Tài sản gồm: toàn bộ khối di vật gạch, ngói (1.177 m3), 3 bể ngâm gỗ tại khu C - D, các di vật đá và 97 khối cấu kiện di tích của khu E. Bên cạnh đó, hồ sơ khoa học về khu di tích gồm 116 báo cáo kết quả khai quật khu di tích cũng được bàn giao.
Sau bàn giao, dự kiến Trung tâm nghiên cứu kinh thành thuộc Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thành hệ thống hồ sơ khoa học về di tích, di vật của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.