Trực tuyến lợi cho ai?

Trực tuyến lợi cho ai?
TP - Sáng 16/6, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tuyên bố khai trương cổng điện tử và phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6) năm học 2016-2017. 

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, việc triển khai phần mềm đăng ký tuyển sinh trực tuyến là nhằm giảm phiền hà, tránh sự đi lại mua, nộp hồ sơ mất nhiều thời gian, công sức của người dân. Thế nhưng, thực tế, có như kỳ vọng?

Năm 2015, ngày Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, cả xã hội dường như điên đảo vì mạng của Bộ và những trường được Bộ cho phép công bố điểm thi “chết lâm sàng” hơn nửa ngày trời. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu truy cập lớn của người dân. Từ bài học này, nhìn vào việc Sở GD&ĐT Hà Nội cho đăng ký trực tuyến tuyển sinh đầu cấp liệu có xảy ra tình trạng trên khi năm học 2016-2017, Hà Nội tuyển sinh vào các lớp nhà trẻ là 114.450 trẻ, vào các lớp mẫu giáo 405.800 trẻ, vào lớp 1 là 132.850 học sinh, lớp 6 là 107.900 học sinh?  Một con số không nhỏ trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của các trường từ mầm non đến THCS trên toàn thành phố liệu có đảm bảo để người dân truy cập?

Hà Nội không phải chỉ có những quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa mà còn có huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Phúc Thọ. Hà Nội cũng có cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  Đó còn chưa kể trình độ CNTT của giáo viên giữa các trường ở các quận huyện không đều nhau. Khi được hỏi, một số hiệu trưởng của các trường đều thừa nhận năm đầu tiên triển khai đăng ký trực tuyến nên trường cũng khá bối rối. Hiệu trưởng, giáo viên còn bối rối thì phụ huynh, họ sẽ ra sao?  Muốn thực hiện thành công “lệnh” đăng ký trực tuyến, phụ huynh phải có email. Công chức, viên chức, làm việc tại các công ty, mới có email, chứ lao động, buôn bán, ở nhà thì không có. Thế là vì con họ lại bò ra lập email. Mặt khác, năm nay là năm đầu thực hiện, lại chưa có sự thử nghiệm ở mùa tuyển sinh trước nên với tâm lý “chắc ăn”, nhiều phụ huynh có đầy đủ điều kiện để thực hiện đăng ký trực tuyến nhưng họ cũng sẵn sàng đến trường mua đơn, nộp hồ sơ như những năm trước.

Rắc rối nữa xuất phát từ việc đăng ký tuyển sinh. Dữ liệu tuyển sinh mà Sở GD&ĐT có được là dựa trên hộ khẩu thường trú, không dựa trên nơi ở của người dân. Phó giám đốc sở Phạm Văn Đại cho biết, phụ huynh phải đăng ký đúng tuyến, nếu không sẽ bị bật ra. Nếu thế, học sinh trái tuyến năm nay sở GD&ĐT sẽ tuyển sinh như thế nào? Đây là câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh lựa chọn trường trái tuyến cho con đang rất băn khoăn. Số lượng học sinh trái tuyến tại các trường không phải ít. Phần mềm trực tuyến không giải quyết được bài toán này thì liệu tính hữu dụng của nó có được như mong đợi?

MỚI - NÓNG