Trực tuyến đêm giao thừa

Trực tuyến đêm giao thừa
TPO - Từ giờ phút này, TPO sẽ chuyển tới bạn đọc cả nước và kiều bào ở nước ngoài không khí đón Giao thừa trên mọi miền tổ quốc cũng như tại các nước có đông kiều bào, du học sinh. Khách mời của buổi trực tuyến đêm nay là Hoa hậu VN Mai Phương Thúy. Ấn F5 để tiếp tục cập nhật.

>> Thư chúc Tết của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

>> Chùm ảnh thời khắc giao thừa trên mọi miền tổ quốc

>> Khát vọng người Việt trẻ trước thềm Xuân hội nhập

Hoa hậu VN Mai Phương Thúy đang có mặt tại trụ sở báo Tiền phong để giao lưu cùng bạn đọc. Ảnh : Lan Anh

>> Giao lưu với Hoa hậu tại đây

Bây giờ là đúng thời khắc giao thừa, Thúy xin chúc độc giả Tiềnphongonline một năm mới tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười. Và ngay trong lúc này hãy tận hưởng không khí đặc biệt của ngày mới của năm mới !

Thưa bạn đọc của Tienphong Online kính mến ! Lúc này đây trên bầu trời thủ đô Hà Nội đã rực rỡ những chùm pháo hoa báo hiệu một mùa xuân mới đang đến. Vào thời khắc giao thừa đã điểm, TPO xin gửi lời chúc an khang thịnh vượng tới tất cả bạn đọc.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 1
Hoa hậu Mai Phương Thúy cùng các phóng viên, biên tập viên TPO trong thời khắc Giao thừa Xuân Đinh Hợi tại tòa soạn báo Tiền Phong. Ảnh : Xuân Cường

Thưa bạn đọc, Hoa hậu Việt Nam Mai Phương Thúy hiện đang có mặt tại tòa soạn Tienphong Online để đón giao thừa cùng bạn đọc. Sau đây là những cảm nghĩ và khát vọng của tân Hoa hậu trước thềm năm mới hội nhập.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 2
Hoa hậu Mai Phương Thúy đang giao lưu cùng bạn đọc TPO đêm giao thừa. Ảnh : Lan Anh

Mai Phương Thúy: Nhân dịp năm mới Đinh Hợi, Thúy xin chúc độc giả báo Tiền phong một năm dồi dào sức khỏe và tràn ngập niềm vui. Riêng với các bạn trẻ, hy vọng đây sẽ là năm các bạn khám phá và tận dụng tài năng của mình để làm công việc mình yêu thích và đóng góp cho xã hội.

Trong năm nay, Thúy sẽ học một hoặc hai ngoại ngữ nữa. Đấy chỉ đơn thuần là sở thích của Thuý. Ngoài ra, Thúy muốn thử sức trong vai trò người tổ chức các sự kiện mang tính chất xã hội, chẳng hạn như tổ chức các cuộc thi người đẹp sinh viên.

Ý tưởng này xuất phát từ chính cuộc thi hoa hậu Báo Tiền phong. Bởi lẽ, việc tham gia các hoạt động như thế này giúp các bạn có cơ hội thể hiện mình, tăng sự tự tin và biết tận dụng cơ hội.

Đó chính là kinh nghiệm mà Thúy đã rút ra được sau khi tham gia cuộc thi hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền phong tổ chức và Hoa hậu thế giới. Thúy nhận thấy việc tham gia cuộc thi có thể có những khó khăn, nhưng chính nó đã giúp mình có cơ hội khám phá bản thân.

Trước thềm năm mới, Thúy nghĩ rằng cũng như nhiều bạn trẻ khác, Thúy có những hồi tưởng về những việc mình đã làm trong năm vừa qua. Thúy nghĩ về cả những điều mình chưa làm được để rút ra cho mình một định hướng mới cho năm sắp tới.

Từ đó Thúy biết được năm tới mình phải học hỏi thêm những gì, phải dứt khoát từ bỏ những thói xấu nào, những điểm mạnh nào cần phát huy. Thúy cũng như bao bạn trẻ khác, luôn có những chiêm nghiệm về bản thân vì tuổi trẻ là tuổi luôn khao khát tìm một con đường riêng cho mình để đi tới thành công.

Tết năm nay Thúy có dự định đi đâu ?

Tết này Thúy cũng nhận được một số lời mời tham gia các chương trình, nhưng Thúy đều từ chối vì muốn dành hết thời gian cho gia đình. Năm nào cũng vậy, Thúy đi chơi đâu cũng phải về trước giao thừa. Nhưng năm nay, Thúy sẽ phá lệ vì muốn tạo cảm giác thay đổi, mặc dù biết chắc là sẽ bị mẹ, ông bà la mắng.

Mùng 1 Tết, Thúy thích ngủ vùi vì cả năm bận rộn rồi. Chắc là những người luôn bận rộn, làm việc liên miên không có thời gian ngơi nghỉ sẽ hiểu và thông cảm cho Thúy, chứ thực ra không phải là Thúy lười đâu nhé (cười).

Nhưng nghe mọi người bảo rằng, mùng 1 làm việc gì thì công việc đó sẽ ảnh hưởng đến cả năm, nên Thúy chắc cũng chỉ dám ngủ ít thôi.

Thời gian còn lại trong ngày mùng 1, Thuý sẽ đi thăm họ hàng và khai bút đầu xuân. Thúy cũng dự định sẽ đi thăm Văn Miếu để xin chữ cầu cho năm tới học hành tốt đẹp.

Còn kế hoạch du học, Thúy thấy cũng không phải vội vàng vì bản thân khi ở Việt Nam, Thúy đã học hỏi được rất nhiều. Thúy muốn dành thời gian làm công tác xã hội nhiều hơn.

Hình ảnh một "Chúa Xuân" thật xinh tươi và thánh thiện! Mong những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với em trong năm tới. Em mong điều gì nhất vào thời khắc chuyển giao sang năm mới?? (Vũ Việt Anh)

- Em muốn một năm mới an lành tới tất cả mọi người. Em rất hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc giao thừa. Em thấy mình sắp sang một tuổi mới, có nhiều niềm vui đan xen sự hồi hộp và một chút lo lo. Năm cũ rồi sẽ qua và khép lại bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Một tuổi mới đến hứa hẹn nhiều điều thú vị.

Hiện nay việc học hành của Thúy như thế nào, có thuận lợi không?(Le Van Duan)

- Việc học của em rất thuận lợi mặc dù hơi mệt vì tham gia nhiều chương trình. Nhưng đối với em, học hành vẫn là trên hết vì nó là nền tảng giúp mình vững bước tới tương lai.

Là người rất hâm mộ vẻ đẹp và tài năng của Mai Phương Thúy và cũng là người rất mê học Tiếng Anh. Mai Phương Thúy có thể cho biết bí quyết thành công của mình? (Bùi Trọng Hải)

- Thúy nghĩ rằng rất đơn giản. Đó là kiên nhẫn và thực hành nhiều đến khi nào thuần thục mới thôi.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 3
Hoa hậu Mai Phương Thúy tại buổi trực tuyến đêm Giao thừa của Tiền phong Online. Ảnh : Lan Anh

Tại Thủ đô Hà Nội

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 4
Chương trình ca múa nhạc mừng Đảng, mừng Xuân quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh : Phạm Tuyên

Từ khoảng 8h30, từng dòng người đổ về các khu trung tâm thành phố để chờ đón một năm mới với những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho những người thân, bạn bè trên khắp mọi miền cảu Tổ quốc.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 5
Mua lộc đầu năm. Ảnh: Hữu Quang

Cái lạnh se se của mùa Xuân dường như khiến không khí đón Giao thừa ở Hà Nội trở lên tưng bừng hơn, mọi người cảm thấy gần gũi nhau hơn. Các tuyến phố chính tại Hà Nội, nhất là các tụ điểm quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, hồ Ngọc Khánh, Công viên Thống Nhất, những  nơi sẽ bắn pháo hoa trong Giao thừa đông nghẹt người và xe.

Dịch vụ thuê chiếu ngồi đợi Giao thừa tại các địa điểm trên cũng xuất hiện với giá 5.000 đồng/ chiếu. Các quán kem quanh hồ Hoàn Kiếm cũng đông nghẹt người.

Cùng lúc này, các chương trình ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân, mừng mùa Xuân mới xung quanh tượng đài Lý Thái Tổ, trước đền Ngọc Sơn, Nhà hát Lớn, Tượng đài quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh cũng bắt đầu và thu hút đông đảo người dân Thủ đô.

Các tuyến đường Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Hàng Gai, phố Nhà Thờ biến thành những điểm giữ xe  khổng lồ vớigiá 15.000 đồng/xe và 20.000/xe nếu gửi xe quá 12h đêm .

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 6
Hồ Hoàn Kiếm lung linh trước giờ đón Giao thừa. Ảnh : Phạm Tuyên

Các tuyến đường đường Giảng Võ, Nguyễn Thái Học, Khâm Thiên, Hàng Bài, Bà Triệu, ... cũng trở thành những khu "chợ" lớn bán đủ loại mía, bóng bay, cành khế, chùm roi... cho những người đi hái lộc đầu Xuân. Giá mía, bóng bay cũng không quá đắt hơn so với ngày thường: 10.000 đồng/ quả bóng và 8.000 - 10.000 đồng/cây mía.

Đến 21h30, giá vé gửi xe tại các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm như Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liệt, Hàng Gai, Hàng Trống, Hai Bà Trưng... bắt đầu tăng cùng với số khách gửi xe. Giá vé đồng loạt được nhích lên mức 20.000 đồng/xe.

Các hàng ăn xung quanh Hồ Hoàn Kiếm cũng bắt đầu tăng nhiệt khi lượng người đổ về đây ngày càng đông. Giá cả cũng nhích dần lên. 12.000 thậm chí có hàng bán 15.000 - 20.000 đồng/ bán bún, phở

Dòng người nhích lên từng mét. Một số vụ va chạm nhỏ đã xảy ra nhưng tất cả đều vui vẻ bỏ qua khi thời điểm Giao thừa ngày càng đến gần.

Lạng Sơn: Náo nức đón tết ở phố núi Đồng Mỏ

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 7
Lãnh đạo huyện Chi Lăng thăm, tặng quà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện huyện

Kể từ 22h, tại 7 khu và một thôn ở phố núi Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) tràn ngập không khí sôi nổi. Mọi người đổ ra đường phố để thăm hỏi và hưởng thụ không khí mát lành đêm giao thừa. Khí núi phả ra từ dãy núi Kai Kinh hùng vĩ làm đêm giao thừa thêm thi vị. Thời tiết ở vùng biên ải cũng như chiều lòng người. Thi thoảng có tiếng chúc tụng vang vọng vào vách núi.

Ông Hoàng Văn Đoàn- chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Đoàn đại biểu cấp uỷ đảng, và chính quyền huyện vừa đi thăm, chúc tết một số cơ quan, ban ngành trong huyện. Trên địa bàn không xảy ra vụ việc lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội...Có thể nói đến giờ tình hình khá ổn định.

Tại bệnh viện huyện, hiện có 9 bệnh nhân vẫn phải lưu trú, trong đó có một ca xuất huyết dạ dày mới vào viện lúc 8 giờ sáng nay. Hiện các trưởng khu và trưởng thôn ở thị trấn Đồng Mỏ đang đến các khu phố vận động nhân dân thực hiện tốt CP 406 CP về việc cấm đốt pháo nổ.

Ghi nhận của PV Tiền Phong, vào lúc 22h30, tại hơn 10 quán Nét, vẫn còn rất đông thanh thiếu niên đang say sưa chơi điện tử hoặc gửi lời chúc mừng năm mới đến bạn bè và người thân. Rất nhiều mâm cỗ đang hoàn thiện để cúng giao thừa.

Tại Nghệ An:

22h, chúng tôi có mặt tại trên đường cao tốc dẫn tới sân bay Vinh, nơi đây trở thành một chợ hoa về đêm. Trong sương lạnh, những người bán hoa cố nán lại để bán nốt cành đào với giá rẻ bất ngờ : 10.000- 15.000 đồng/cành.

Bạn Đức, trú tại xã Nghi Ân,  huyện Nghi Lộc nói: “Đào do nhà em trồng, bố mẹ bảo mang vào Vinh bán kiếm thêm đôi ba đồng tiêu tết. Từ hôm qua đến giờ em bán được 5 cành, thế là có tiền mua áo mới cho các em”.

Như mọi năm, đón xuân Đinh Hợi, TP Vinh tổ chức bắn pháo hoa tại Công viên trung tâm.

Đại uý Lê Lâm (Cán bộ Cục CSGT tăng cường tại Nghệ An) cho biết đây là lần thứ 2 anh được phân công trực ở Vinh, phiên trực kéo dài tới 2h sáng ngày mùng 1. “Chúng tôi chốt chặn các nút giao thông trọng điểm, đề phòng nạn đua xe. Sau giao thừa mới là giờ cao điểm”.

Cần Thơ: Tưng bừng vui chơi và…buôn bán

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 8
Quang cảnh mua bán tại trung tâm TP Cần Thơ. Ảnh : Sáu Nghệ

20 giờ 30 phút, ở chợ hoa, các loại hoa cúc vẫn còn khá nhiều và vẫn còn nhiều người mua. Giá hạ chỉ còn một nửa so với ban chiều (còn 8.000 đồng/cặp) song người mua cũng vẫn còn mặc cả.

Dưa hấu cũng còn và giá hạ xuống 2/3, dưa sọc chỉ còn 2.500 đồng/kg, người bán vẫn chờ khách và khách vẫn lai rai tới mua. Điều này rất khác với các Tết trước, chợ hoa vắng hoe lúc 19 giờ, nếu còn hoa cũng bị vứt bỏ.

Hoa mai gốc lớn sức mua rất kém và đã được chở hết về vườn, nhưng mai gốc nhỏ vẫn bày bán ở một số chợ hoa. Đặc biệt mai cành khá có giá và các đường Ngô Gia Tự, Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ vẫn còn nhiều người đứng bán. Đặc biệt, nhiều quán ăn, cửa hàng giải khát, tiệm bán áo quần vẫn mở cửa và người ăn, người uống đông đúc không thua người đi trên đường.

Trời khô ráo, nhiệt độ hơi oi bức. Xe phun nước đã đi mấy lượt qua các đại lộ Hòa Bình, đường 30/3, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng… làm dịu hơi nóng phần nào. Đường phố rất đông người xe, tuy nhiên đi khá trật tự. 

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 9

Sân khấu chính Lễ hội Giao thừa của TP Cần Thơ đặt tại Khu bãi cát, trước Công viên nước Cần Thơ, đã khai mạc lúc 20 giờ.

Tại các khu trung tâm của quận Ninh Kiều như Khu bãi Cát, các hàng quán vẫn mở cửa như ngày thường. Các thực khách cũng tương đối đông đúc. Không chỉ các cửa hàng ăn, các quầy bán giày dép, mũ, quần áo trên đường phố vẫn bày đầy hàng hoá. Chỉ có các siêu thị là đóng cửa. Thời tiết hiện tại khá nóng, khô ráo.

21h30 : Tại thành phố Hồ Chí Minh

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 10
Quang cảnh đêm giao thừa tại trung tâm TP. HCM. Ảnh : Đăng Giới

Hiện giờ hàng ngàn người, trong đó phần lớn là các bạn trẻ đang đổ về trung tâm  thành phố, đường hoa Nguyễn Huệ, tuyến đường chợ Bến Thành - Lê Lợi. 

Những màn hình lớn có chiếu chương trình văn nghệ chào đón giao thừa của Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra tại  trước cửa Nhà hát lớn thành phố. Thời tiết đêm giao thừa năm nay rất đẹp, khoảng 28 o C, không quá nóng bức.

Còi điện sẽ vang lên trong thời khắc giao thừa mừng Xuân Đinh Hợi.  Tại Sở chỉ huy Bộ chỉ huy Quân sự thành phố và Sở chỉ huy Ban chỉ huy Quân sự 24 quận-huyện sẽ đồng loạt hụ còi đúng 0 giờ đêm nay. Độ tản âm thanh của còi hụ được lan truyền gần 1,2 km với khoảng thời gian từ 2 - 3 phút.

Xuân năm nay, TP Hồ Chí Minh sẽ có 4 điểm bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa sắp tới lát nữa đây. 4 điểm đó là: Bến Cảng Nhà rồng (Q1), Đền thờ Bến Dược (Củ Chi), Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Q7) và Khu Công nghệ cao (Q9).

Cả khu Trung tâm TP Hồ Chí Minh đang tràn đầy sắc màu trong đêm hội đón Xuân sang. Các con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ đã được dành riêng cho người đi bộ ngắm hoa Xuân và tản bộ đón giao thừa. Đường hoa Nguyễn Huệ còn có cả một sân khấu ca nhạc lung linh những sắc màu với các ca sĩ trình bày những bài ca ngợi Đảng, mừng Xuân, Mừng đất nước.

Tại khu vực trên đường Lê Duẩn phía trước Dinh Thống Nhất (đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Pasteur) có Chương trình nghệ thuật đặc biệt đón chào năm mới bây giờ cũng đông nghẹt các bạn trẻ.

Tại Công viên 23/9 (vị trí sân khấu cũ) có những chương trình nghệ thuật đặc biệt đón chào năm mới và Lễ kỷ niệm 218 năm chiến thắng Đống Đa - Quang Trung.

Tại Công viên Gia Định đang có những chương trình nghệ thuật đặc biệt đón chào năm mới.

20h tại TP  Huế :

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 11

Phu Văn Lâu, Trung tâm đón giao thừa và là điểm bắn pháo hoa của thành phố Huế.   Ảnh : Thanh Tùng

20h các điểm chợ hoa xuân đã kết thúc, khu vực Phu Văn Lâu đã sẵn sàng cho chương trình nghệ thuật đón giao thừa. Sân khấu được dựng lên trước sân Nghinh Lương Đình.

Du khách dự khán sẽ được thưởng thức một chương trình ca múa nhạc tổng hợp với hơn 20 tiết mục, kết hợp giữa ca vũ nhạc truyền thống Huế (nhã nhạc, ca Huế, múa hát cung đình Huế) và ca múa nhạc hiện đại, do các diễn viên của nhà hát cung đình Huế, nhà hát ca kịch Huế, Trung tâm Thanh thiếu nhi phối hợp thực hiện.

Ngoài sân khấu chính ở Nghinh Lương Đình tại thành phố Huế còn có 2 điểm biểu diễn khác là tiền sảnh Trung tâm Văn hóa Thông tin (nam sông Hương) và tiền sảnh Nhà văn hóa Huế (bắc sông Hương).

Các hoạt động đón giao thừa đã kéo nhiều người Huế ra khỏi nhà trong đêm 30 tết. Dòng người tấp nập đổ về 2 bờ sông Hương đoạn từ cầu Trường Tiền lên đến cầu đường sắt Dã Viên háo hức chờ xem chương trình đón giao thừa và pháo hoa.

Hải Phòng trước giờ khắc giao thừa

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 12
Cảnh mua sắm tại TT Thành phố Hải Phòng chiều 30 tết. Ảnh : Phạm Duẩn

Đón năm mới Đinh Hợi, Hải Phòng tổ chức bắn khoảng 1.000 quả pháo hoa lúc giao thừa tại 2 địa điểm là hồ Tam Bạc và công viên An Biên. Chỉ còn vài tiếng nữa là giờ khắc giao thừa đến, các cán bộ, chiến sỹ BCH Quân sự TP Hải Phòng đang hoàn chỉnh các thiết bị bắn pháo hoa lần cuối.

Tết năm nay thời tiết ở Hải Phòng nóng hơn mọi năm, nhiệt độ ban ngày lên tới 27 độ C làm hoa đào nở nhanh dẫn đến hơn 1.000 cành đào ế vất chỏng trơ ở đường. Thân phận cây quất cảnh cũng không khả quan lắm, cả nghìn cây quất ế vẫn còn nằm lại vỉa hè.

Những cành đào cách đây 5 ngày giá hơn 1 triệu đồng nay chỉ dưới trăm ngàn... Giờ này, các công nhân Cty Môi trường Đô thị bắt đầu ra quân quyết liệt dọn dẹp đường phố để năm mới thành phố phong quang, sạch đẹp hơn. Vì cơ quan chức năng phát hiện nhiều ổ rượu ngoại giả nên năm nay phố Lãn Ông chuyên bán rượu ngoại sầm uất nhất đất cảng cũng vắng... “như chùa bà đanh”...

Giờ, đường phố Hải Phòng bắt đầu thưa vắng người. Mọi người quây quần bên mâm cơm tất niên sau một năm làm ăn tất bật. Và rồi đêm nay, mọi người lại đổ ra đường đón giao thừa với mong ước năm mới mọi việc sẽ tốt hơn năm cũ.

Tại Thanh Hóa

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 13
Hái lộc giao thừa đầu năm

Mọi ngưòi đều đổ về đại lộ Lê Lợi có đài tưởng niệm vị Anh hùng dân tộc để đón giao thừa và mong một năm mới an lành.

Từ 8 giờ tối quảng trường Lê Lợi đã đông nghẹt người. Chùa Thanh Nhàn - nơi nổi tiếng linh thiêng nên rất đông người đến thắp hương nguyện cầu từ rất sớm.

Ngay tại Trung tâm thương mại lớn nhất Bắc trung bộ gần chợ Vườn hoa cũng đang có chương trình ca nhạc mừng Đảng mừng Xuân và đón giờ khắc giao thừa.

Tại khu vực tượng đài Vua Lê Lợi, những nam thanh nữ tú ăn vận đẹp đẽ đã tụ tập về đây để tìm một không khí vui chung.

Tại các làng quê ở Thanh Hóa, không khí đón giao thừa cũng rất sôi động. Sau những tràng pháo bông mọi người đổ về các đền chùa đi lễ cầu mong một năm mới suôn sẻ, vạn sự như ý.

Giao thừa của kiều bào và Du học sinh VN trên khắp thế giới

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 14
Sinh viên Việt Nam tại Dresden (Đức).

Tại Đức: Năm nay do Tết Nguyên đán nằm trong đợt học thi nên Sinh viên Việt Nam tại Dresden (Đức) không tổ chức 1 chương trình chung. Tuy nhiên, từng nhóm các bạn chơi thân với nhau vẫn đang tụ tập tại các khu ký túc xá rải rác trong thành phố.

Đỗ Hòang Linh - Sinh viên Đại học Kỹ thuật Dresden đang từ Dresden cho biết, sau thời khắc giao thừa, hầu hết cả nhóm đang ôm... laptop và chat với gia đình ở Việt Nam.

Một số bạn nữ đang thắp hương khấn cầu mong các cụ phù hộ cho mình va gia đình. Tuy sống xa nhà nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ những nét văn hóa riêng của Việt Nam. Bữa cơm tất niên xa nhà tuy đơn giản nhưng sưởi ấm từng trái tim Việt xa nhà giữa tiết trời buốt giá ở CHLB Đức.

Còn ở Stuttgart, sinh viên Việt Nam tại đây tổ chức chương trình đón tết sớm từ 2 tuần trước.

Stuttgart là 1 thành phố lớn, mọi người sống rải rác cách xa nhau, thế nhưng mỗi người đã đều cố gắng góp sức mình để có 1 buổi giao lưu, đón tết cho sinh viên xa nhà thật ấm cúng.

Vào giây phút chuyển giao giao thừa này, một số bạn đang phải đi làm, cũng có người đang học thi trong thư viện. Thế nhưng mỗi người trong chúng tôi đều đang hướng về quê nhà, mong mỏi được đón giờ phút giao thừa thiêng liêng với gia đình, bạn bè.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 15
Mâm cơm cúng gia tiên đêm giao thừa của một gia đình Việt Nam tại Séc

Tại CH Séc:

Bạn Nguyễn Hồng Trang, sinh viên năm thứ ba trường ĐH Kinh tế Praha cho biết giờ đang là 6h24 chiều ngày 30 Tết, tính theo giờ của Séc. Hầu hết các gia đình người Việt Nam đều đang đang tụ tập lại nhà nhau để ăn cơm cuối năm, theo dõi VTV4 để chờ đón thời khắc Giao thừa tại Việt Nam.

Trang cho biết không khí Tết cổ truyền được cảm nhận rất rõ tại tất cả các gia đình người Việt tại đây. Hầu hết các gia đình đều chuẩn bị đầy đủ các món ăn như ở Việt Nam với bánh trưng (do người Việt Nam tại Séc làm), mứt Tết, cành đào gắn hoa giả, canh măng, gà luộc, xôi vò...

Trang cũng cho biết, trước Tết khỏang 10 ngày, các báo tiếng Việt ở Séc đều đăng thư chúc Tết của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Séc Bùi Khắc Bút và thư chúc tết của Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội người Việt Nam tại CH Séc Hoàng Đình Thắng.

Trước Tết một tuần, Hội Sinh viên Việt Nam tại các trường ĐH cũng tổ chức một lễ mừng Tết cho các bạn sinh viên.

Trang cho biết em rất mong là được về Việt Nam ăn Tết trong một ngày gần nhất vì 6 năm rồi bạn chưa được ăn Tết tại Việt Nam. "Em sẽ cố gắng học tập thật tốt và sau đó sẽ về Việt Nam làm việc"- Hồng Trang cho biết.

23 giờ 48 phút, tại Vương quốc Anh:

Bạn Đỗ Trang Thanh An, sinh viên Albion College London tâm sự: Giờ này ở London, sinh viên Việt Nam nào cũng… kín mít lịch. Bây giờ, các nhóm sinh viên với khoảng 10 người lại rủ nhau tập kết tại nhà một bạn nào đó để nấu ăn, đón giao thừa.

Hiện giờ, tôi cũng đang ở nhà bạn ăn tất niên. Sáng mai, mùng 1 Tết, tôi sẽ đi chơi chợ Nhật ở London. Đây là chợ tụ họp những người buôn bán gốc châu Á ở London, và chỉ mở cửa một lần vào dịp đầu năm mới.

Trong khi đó, một số bạn của tôi lại thích xem những màn biểu diễn lân, sư tử, rồng hay tham quan tết của người Hoa tại London.

Đây là năm đầu tiên tôi đón tết xa nhà. Ở nhà tôi, tết năm nay chắc sẽ buồn lắm. Mẹ tôi cũng đã gửi email tâm sự rằng nhớ con gái quá, dù… tiền lì xì đỡ đi được một khoản.

Không hiểu sao giờ này, tôi thấy thương ba, mẹ quá. Ba, mẹ phải tần tảo kiếm tiền để nuôi tôi ăn học. Tôi thấy thương em gái vì phải lăng xăng giúp việc nhà trong mấy ngày nghỉ… Thấy thương gia đình nên biết trách nhiệm của mình phải làm cho thật tốt, học cho thật giỏi…

Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc mọi người có một cái tết đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc. Chúc tuổi trẻ Việt Nam dũng cảm hơn, năng động hơn, trí tuệ hơn nữa để vững bước trên con đường hội nhập. Trời lạnh, mọi người giữ ấm nhé!

Tết đầu tiên xa nhà nhưng thực sự em không có cái cảm giác chộn rộn nao nức nhớ nhà như nhiều bạn khác.

Có lẽ là hơi khác người một chút nhưng hình như em đang cố gắng làm lơ với tết, với những cái “háo hức” rất ư là chính đáng của bạn bè cùng tuổi ở Việt Nam.

Nếu tết là dịp được nghỉ học, thì ngay lúc này, đa số các trường học ở UK đang nghỉ giữa kì. Nói chung, thì có vẻ như thật đơn giản để nói rằng, không có lí do gì để quyến luyến Tết cả. Ấy vậy mà càng cố quên, thì cái đầu càng lẩm nhẩm, nào là hôm nay lặt lá mai, hôm nay đưa ông Táo, hôm nào cúng sao…Chắc là Tết in vào máu mất rồi…

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 16
Quây quần bên mâm cỗ tất niên. Ảnh: Tùng Lâm (Từ Hàn Quốc).

23 giờ 15 phút, tại Hàn Quốc (1giờ 27 phút sáng giờ Hàn Quốc):

Anh Đặng Tùng Lâm (quê Thái Bình), làm việc tại thành phố Incheon cùng khoảng 20 người bạn đang quây quần bên mâm cơm tất niên.

Tất cả các món ăn Việt Nam như giò lụa, giò mỡ, bánh chưng, nộm, măng ninh móng giò, thịt đông... đều được thể hiện bằng đôi tay của các em gái Việt Nam.

Bên này, thời tiết khoảng âm 5 độ C, chúng tôi quây quần bên nhau nâng ly rượu chào năm mới. Ngồi bên nhau ở nơi đất khách xa xôi, ai cũng bồi hồi nhớ nhà, người thân ở Việt Nam. Nhớ nhất là cảnh đêm giao thừa, mọi người đến nhà nhau chúc tết.

Qua Tiền Phong Online, tôi xin được gửi lời chúc tới cha mẹ của mình: "Con Tùng Lâm gửi bố Đặng thanh Sơn - Nhà văn hóa Trung tâm Thành phố Thái Bình cùng mẹ sang năm mới khỏe mạnh, hạnh phúc. Nếu có thể con hẹn bố mẹ tết 2008 con sẽ cùng bố mẹ đón tết tại gia đình ta".

Tôi cũng xin gửi tới toàn thể đồng bào Việt Nam một năm mới sức khỏe, an khang, thịnh vượng.

Tại Achentina:

Đặng Thị Mai Hương hiện đang sống cùng gia đình tại thủ đô Cộng hòa Achentina cho biết, cộng đồng người Việt tại Việt Nam bên này rất ít nên không khí không nhộn nhịp lắm .

Đại sứ quán Việt Nam tại Achentina sẽ tổ chức tết cộng đồng vào lúc 6h30 phút giờ Achentina ngày mai tức 4h chiều mồng 1 Tết tại Việt Nam.

Mình và gia đình đang náo nức chờ đón giao thừa. Các cô chú thì thắp hương cúng tổ tiên cho đỡ nhớ quê hương. Gia đình mình chuẩn bị món gà luộc, xôi gấc, canh măng, nem rán. Gia đình tớ tự gói bánh chưng nên không khí trong gia đình rất sôi nổi và hóa hức hơn nhiều.

Năm nay bố mẹ mình ăn tết tại Việt Nam nên nỗi nhớ về cái tết ấm cúng tại quê nhà tăng lên gấp bội.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 17
Du học sinh Việt Nam tại Canada làm lễ cúng giao thừa nơi đất khách. Ảnh: Đinh Quang Thắng (Từ Canada).

22 giờ 30 tại Canada (tức 7 giờ 23 phút sáng 16/02 giờ Canada) :

Bạn Đinh Quang Thắng, sinh viên năm thứ 3 trường trường Simon Fraser University (SFU) chia sẻ:

Hiện tại đang có hơn 20 du học sinh tập trung ở nhà tôi đón giao thừa. Những bạn bè khác đang tiếp tục đến.

Các bạn của tôi đến từ nhiều trường ở Canada như UBC, Columbia College, Coquitlam College... và có cả những bạn đang học tiếng.

Ở Việt Nam, người thì ở Hà Nội, Huế, Mỹ Tho... nhưng sang đây, tất cả cùng quây quần bên nhau đón Tết.

Chiều nay, tôi và bạn bè tại Canada đã mua mâm ngũ quả để cúng giao thừa. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị bát hương, tiền vàng, rượu cúng... để thắp hương khấn ông bà, tổ tiên.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 18
Mâm ngũ quả cúng giao thừa. Ảnh: Quang Thắng (Từ Canada).

Quây quần bên nhau nơi xa xứ ở giờ phút này, mọi người ai cũng nhớ nhà, nhớ bạn bè, người yêu đến da diết. Không cầm được lòng mình, một bạn mới uống được 1 ngụm bia chúc Tết đã gục lên người tôi khóc. Nhớ nhà quá!

Dù bên này bây giờ chưa đến giờ giao thừa, nhưng mọi người quyết định làm lễ cúng giao thừa trước theo giờ Việt Nam.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 19
Du học sinh Việt Nam tại NUS đang vui đón giao thừa. Ảnh: Minh Hiền (Từ Singapore).

22 giờ 50, tại Singapore, hiện giờ chương trình "Tết Đinh hợi 2007" của du học sinh Việt Nam học tại học Quốc gia Singapore (NUS) đang diễn ra tại function room 5, Prince George's Park Residence - Khu ký túc xá có nhiều sinh viên Việt Nam ở nhất tại Singapore.

Hồ Thị Minh Hiền, sinh viên khoa quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore tường thuật: Chương trình "Tết Đinh hợi 2007" của chúng tôi bắt đầu từ 20 giờ Singapore (khoảng 19 giờ Việt Nam) với sự tham gia của khoảng 100 người. Dự kiến, chương trình sẽ kéo dài qua giao thừa (tính theo giờ Việt Nam).

Năm nay, nhiều du học sinh Việt Nam tại NUS về quê ăn tết nên số lượng sinh viên tham gia chương trình tết không đông bằng năm ngoái. Nhưng không vì thế mà không khí đón xuân ở đây kém phần sôi động.

Mọi người đang ăn bánh chưng, còn có cả chả giò và bánh tét. Bữa tiệc tất niên do Hội Sinh viên Việt Nam tại NUS tổ chức.

Mọi người tập trung thành từng nhóm nhỏ, chia nhau từng miếng bánh chưng, bánh tét, chả giò, dưa hấu... Thưởng thức những món ăn quê hương, ai cũng thấy nhớ nhà, người thân.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 20
Ảnh: Minh Hiền (Từ Singapore).

Sau "màn" ăn uống là đến tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn. Sinh viên ta biểu diễn từ cải lương, nhạc trẻ, các ca khúc tiếng Anh và cả... những bài tự sáng tác.

Ban tổ chức cũng chuẩn bị một băng video quay lại cảnh đón tết ở Việt Nam do các bạn được về quê ăn tết gửi cho những người ở lại.

Bạn Thùy Linh, sinh viên năm 2, khoa quản trị kinh doanh (NUS) tâm sự, đây là lần thứ 2 tôi đón tết ở Singapore nên cảm giác nhớ nhà cũng vơi đi đôi chút. Thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh tết truyền thống trên màn hình, tôi không cầm được nước mắt.

Tôi gọi điện về nhà thì bị nghẽn mạng, mãi sau mới liên lạc được với người thân. "Đến giao thừa, tôi sẽ gọi điện tiếp về nhà để chúc tết mọi người", Linh tâm sự.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 21
Hoa đào tại khu Phúc Lộc Thọ thuộc Little Saigon, chợ Á Đông

10 giờ 43 phút, tại Mỹ:

Anh Phạm Sỹ Chung hiện đang học tiến sỹ tại trường Pardu Rand Graduate School thuộc Viện nghiên cứu Rand Corporation tại thành phố Santa monica cho biết:

Trong trường chỉ có tôi là người Việt Nam, tuy buồn nhưng tôi quyết định giới thiệu tết Việt Nam với bạn bè các nước khác. Tôi phải chuẩn bị chu đáo để mời bạn bè đến chung vui.

Trước đó gần 1 tuần tôi cùng một anh bạn người Mỹ lái ô tô đến khu Phúc Lộc Thọ thuộc Little Saigon, chợ Á Đông để mua bánh trưng, chả quế và một vài nguyên liệu khác. Tôi đã tự muối dưa để làm món cá chép om dưa và nem cuốn Hà Nội.

Tuy nhiên do múi giờ chênh nhau quá lớn nên tôi dự định sẽ mời bạn bè vào 12h giờ đêm theo múi giờ Mỹ. Còn trong lúc này, khi cả nước Việt Nam đang đón chào năm mới tôi vẫn đang trong lớp học.

Nhưng thật bất ngờ vì đầu giờ thầy giáo cùng bạn bè Mỹ và Trung Quốc đã thay nhau bắt tay tôi và gửi lời chúc năm mới tới tôi. Tôi thật sự cảm động! Happy new year!

10h tối tại thành phố Sydney tại Úc

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 22
Tuấn Nghĩa người ngoài cùng bên trái cùng bạn bè trong bữa cơm tất niên tại Úc

Nguyễn Tuấn Nghĩa hiện là du học sinh tại trường UTS of technology system tại Úc cho biết: "Tôi đang cùng 3 người bạn ăn bữa cơm tất niên. Bữa cơm của chùng tôi ngoài bánh trưng còn có xôi đỗ xanh, gà, dưa góp, nem rán, canh măng, giò,... cũng giống như ở Việt Nam. Món gà luộc và nem rán do tôi trổ tài làm.

Trước đó, khoảng 9h giờ Việt Nam tại Giao thừa ở Việt Nam tôi và 3 người bạn Việt Nam cùng trường còn ở lại Úc trong dịp này đi xin lộc tại chùa Phước Huệ tại thành phố Sydney.

Đây  là lần đầu tiên tôi ăn tết tại nước ngoài nên rất nhớ gia đình nhưng cũng rất háo hức và hội hộp đón chào năm mới. Năm nay tôi ăn tết tại nhà một người bạn.

Tôi dự định sáng mồng một sẽ cùng bạn tới ngôi chùa to nhất Châu Á Thái Bình Dương cách Sydney khoảng 100km để cầu may đầu năm giống thói quen khi ở quê nhà.

Tại Pháp :

Bạn Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) chia sẻ chương trình đón Tết tại đây:

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 23
Sinh viên Việt Nam tại Pháp đón xuân Đinh hợi ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp: Ảnh: Nguyễn Đức Khương gửi về từ Pháp.

Bây giờ ở Pháp, mùa đông mới chỉ mới bắt đầu, nhưng mọi du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại đây đã cảm nhận được sức sống trong mỗi chồi non, sự mát mẻ của không gian và sự ấm áp của mùa xuân nơi quê nhà.

Trong không khí ấy, với mong muốn mang đến cho cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Pháp những sắc xuân Tết Đinh hợi đầm ấm, UEVF đã lên kế hoạch tổ chức một chương trình “Duyên dáng sắc xuân” vào thứ Bảy, ngày 24/2/2007 (tức mồng 8 tết).

Chương trình được UEVF phối hợp với Chi hội Paris (UEVF/Paris) và CLB Trống Đồng tổ chức với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Tòa thị chính thành phố Bourg-la-Reine, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Hội doanh nhân Bourg-la-Reine (ARCIA) và Hội người Việt Nam tại Pháp.

Tại địa điểm Salle l’Agoreine, 16 bis, boulevard du Maréchal-Joffre, 92340 Bourg-la-Reine (RER B – Bourg-la-Reine), dự kiến “Duyên dáng sắc xuân” sẽ bắt đầu từ 9 giờ đến 17 giờ với Hội chợ xuân, màn múa lân và đặc biệt là vòng 1 cuộc thi Miss Xuân 2007…

Phần 2 sẽ diễn ra từ 19 giờ đến 23 giờ… 59 phút là chương trình ca múa nhạc và vòng chung kết Miss Xuân 2007. Xen kẽ đó là chương trình ẩm thực Tết, Quà tặng âm nhạc…

Chúng tôi hy vọng, “Duyên dáng sắc xuân” sẽ mang đến cho khoảng 1500 du học sinh và người Việt Nam tại Pháp, các vị khách những giây phút đón xuân tràn đầy niềm tin, ước mơ và hy vọng tại nước Pháp. Đó sẽ là một “mùa xuân nho nhỏ” trong mùa xuân lớn của dân tộc.

Không những thế, các Chi hội trực thuộc của UEVF trên mọi miền nước Pháp như Chi hội Paris, Grenoble, Bordeaux, Toulouse… cũng đã có kế hoạch riêng, với những chương trình độc đáo.

21 giờ 45, từ quận Bunkyo, thành phố Tokyo, Nhật Bản, anh Vũ Cường - Chủ tịch Hội Thanh Niên và Sinh viên Việt Nam tại Nhật (VYSA) lên mạng chat với gia đình ở Khương Trung (Hà Nội).

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 24
Du học sinh Việt Nam tại Nhật đón tết sớm. Ảnh: Việt Hà (VYSA).

Giao lưu trực tuyến với Tiền Phong Online, anh Vũ Cường chia sẻ kế hoạch đón Tết của VYSA: Năm nay, VYSA tổ chức đón Tết Đinh hợi cho anh chị em sớm hơn so với mọi năm.

Ngày 3/2/2007, hơn 300 du học sinh, thanh niên Việt Nam đang học tập, làm việc tại Nhật Bản đã tập trung về Ký túc xá Komaba ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) cùng đón Tết xa quê.

Đáng chú ý, khách đến vui chung cùng du học sinh Việt Nam không chỉ có đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, mà còn có nhiều giáo sư đáng kính đến từ các trường đại học ở Nhật Bản và các bạn trẻ người Nhật yêu mến Việt Nam.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi đón chào năm mới, những tiếng chào hỏi, tiếng nói cười rôm rả, những cái bắt tay xiết chặt tình thân, những gương mặt rạng rỡ… như sưởi ấm nỗi nhớ Tết, nhớ nhà của những người con xa xứ.

Khán phòng như đầy sắc xuân với những chiếc nón lá được treo lên cùng với những chùm bóng bay các màu và cả một chậu hoa đào ngày Tết... “Cỗ” sinh viên nơi xứ người cũng có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, chả quế... Dù không được ngon như ở nhà nhưng ai cũng phấn khởi.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 25
Màn múa lân gân ấn tượng. Ảnh: Việt Hà (VYSA).

Năm nay, lần đầu tiên trong chương trình Tết VYSA có tiết mục múa lân sôi động. Trong tiếng trống giục giã, nhóm thanh niên Đông Du và Kosen đã làm không khí khán phòng như vỡ tung bởi những điệu nhảy uyển chuyển mà đầy sức mạnh.

Những tràng pháo tay kéo dài không dứt khi “những chú kỳ lân” kiệu nhau lên rồi buông xuống tấm màn đỏ với 4 chữ Cung Chúc Tân Xuân.

Không khí vui… như Tết còn kéo dài qua những chương trình giao lưu và văn nghệ: Đóng kịch, múa, hát... và qua những hình ảnh về ngày Tết ở Việt Nam được chiếu trên màn hình.

Những hình ảnh bình dị như một cây đào, cây quất, mâm ngũ quả, những ngã tư, những con đường quen thuộc… bỗng từ đâu ùa về trong tâm trí của những bạn trẻ.

Bài hát tập thể Happy New Year vang lên, tất cả cùng hòa mình vào không khí sôi động. Năm mới đã về. Chúc mừng năm mới!

Tại CHLB Nga :

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 26
Cỗ Tết của bà con người Việt tại Nga. Ảnh : Quang Vinh

Cộng tác viên của TPO tại LB Nga Trần Quang Vinh vừa thực hiện nhanh cuộc trò chuyện đêm giao thừa với Đại biện lâm thời nước CHXHCN Việt Nam tại LB Nga và cộng đồng bà con VN tại đây.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Đại biện lâm thời nước CHXHCN Việt Nam tại LB Nga:

“Năm 2006 là năm có nhiều sự kiện lớn trong quan hệ Việt Nam – LB Nga: Thủ tướng Nga M.Phradkov và sau đó là Tổng thống LB Nga V.Putin thăm chính thức Việt Nam, khẳng định mong muốn và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước nâng  quan hệ đối tác chiến lược lên tầm cao mới, thông qua việc củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại song phương.

Chào đón Xuân Đinh Hợi, chúng ta tràn đầy hy vọng và vững tin về những thắng lợi mới của đất nước Việt Nam, về những thành tựu mới trong quan hệ hai nước Việt Nam – LB Nga.

Năm mới đến với bà con cộng đồng ta tại LB Nga trong bối cảnh nước Nga tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chấn hưng đất nước, tiếp tục hình thành và củng cố cơ sở pháp lý mới cho đất nước, tiếp tục hình thành và củng cố cơ sở pháp lý mới cho mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mới do những chính sách của Nhà nước Nga nhằm điều chỉnh, ổn định tình hình lao động nước ngoài nhập cư và thị trường ban lẻ.

Tin tưởng rằng với truyền thống năng động, sáng tạo, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, bà con cộng đồng chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức, khó khăn, hòa nhập  tốt vào bối cảnh mới của xã hội nước bạn, trụ vững, củng cố và tiếp tục đi lên với một chất lượng và nội dung mới”.

Ông Lê Ngọc Hường, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga:

“Năm Bính Tuất đi qua với nhiều sự kiện lớn tác động đến đời sống cộng đồng Việt Nam tại LB Nga. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn đạt được những thành tích đáng khi nhận trên các lĩnh vực khác nhau.

Xuân Đinh Hợi đến. Đó sẽ là một năm thử thách đối với những người nước ngoài đang làm ăn sinh sống tại LB Nga nói chung cũng như cộng đồng người Việt Nam nói riêng.

Chúng tôi tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết gắn bó, với bản chất năng động uyển chuyển và ý thức tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp của đất nước sở tại, cộng đồng chúng ta sẽ vượt qua khó khăn thử thách, nhanh chóng chuyển đổi hình thức kinh doanh phù hợp với yêu cầu mới, sớm ổn định cuộc sống.

Cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga vẫn sẽ là một cộng đồng vững mạnh, là cầu nối tích cực củng cố và phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa hai dân tộc Việt – Nga, luôn hướng về quê hương đất nước”.

Ông Nguyễn Bá Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga:

“Người Việt tại Nga đang gặp “bão”. Khi bị bão thì ai cũng đi tránh.Trước mắt đành phải chịu những khó khăn nhất định. Nhưng qua được cơn bão này, nếu không phòng chống bão tốt thì cơn khác sẽ gây thiệt hại nhiều hơn. 

Đây là một cuộc sát hạch lớn đối với cộng đồng. Có điều, nếu lúc này không có sự chỉ đạo tốt của ban lãnh đạo cộng đồng và cộng đồng không cùng nhau ý thức cho một chiến lược thì bài học kinh nghiệm sẽ bị bỏ qua. Con đường tương lai của cộng đồng vẫn có.

Sẽ có những dự án hợp tác lớn giữa hai nước và thuận lợi cho sự phát triển nhưng đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để phù hợp với các hình thức và chất lượng kinh doanh mới. Quá trình đó phải mất vài năm. Người Việt có nhiều ưu thế mà chưa tận dụng được”.

Ông Lê Thành Độ, Tổng giám đốc công ty Pacific, thành phố Ekaterinburg, tỉnh Sverdlovsk, LB Nga:

“Người Việt ở Sverdlovsk có nỗi khó khăn chung với cộng đồng người Việt tại Nga. Nhưng trong nỗi khó khăn đó có cái vất vả riêng là thị trường quá nhỏ, tác động của những sửa đổi mới của các điều luật nhập cư, luật về chợ bán lẻ với chúng tôi tăng gấp bội so với bà con kinh doanh ở Mátxcơva.

Nhưng chúng tôi có thuận lợi riêng là chính quyền địa phương rất thông cảm với người Việt, tạo điều kiện để bà con thích ứng với hoàn cảnh mới. Mặt khác các doanh nghiệp Việt Nam ở Ekateriburg cũng đang tìm hình thức kinh doanh thích hợp. Ưu thế của cộng đồng người Việt ở Sverdlovsk rất đoàn kết, thuận hòa”.

Tết ngày chợ “đuội” ở Nga

Bất cứ người Việt nào sang Nga ngoài ít chữ Nga làm vốn thì phải biết ngay từ những ngày đầu tiên hai tiếng lóng: “đuội” (ế) và “tít” (bán chạy).

Chợ Việt đang trong thời kỳ “đuội”. “Đuội” vì cơ chế chính sách thay đổi. “Đuội” cả do sự đào thải của quy luật thị trường. Cung đã vượt cầu. Hàng của người Việt chỉ đáp ứng nhu cầu của một số ít người Nga, người nghèo ở vùng xa.

Các hệ thống siêu thị nước ngoài ngày một vươn xa, giá ngày càng đa dạng: rất đắt, đắt, phải chăng và rẻ… có tất. Hạn 1/4 đang treo lơ lửng thì đến hạn 1/7 (chợ Vòm bị giải tỏa). Tết đến tưởng như “vô duyên” vì đúng lúc có lẽ là không ai còn tâm trạng nghĩ đến Tết nữa.

Nhưng thực ra không phải vậy. Chúng tôi đến “ốp” Tôgi chiều 29 Tết. Các quầy hàng vải làm việc bình thường. Nhưng các quầy thực phẩm ngay từ sáng sớm đã nhộn nhịp. Đầu giờ chiều các món thực phẩm dùng cho Tết Việt đã hết hoặc chỉ còn rất ít. Các đầu mối đánh ít hàng sang vì tính sai yếu tố tâm lý và ước lượng sai số người Việt ở lại Nga ăn Tết trong thời buổi khó khăn nên “cháy” các loại thực phẩm dùng cho Tết Việt.

Ở Tôgi và chợ Vòm đều “cháy bánh chưng”. Nếu không đặt trước thì nhiều người có nguy cơ ăn một cái “Tết không bánh chưng”. Mà không bánh chưng thì sao gọi là Tết được dù bạn đang ở Hà Nội, Mátxcơva hay một nơi nào đó trên Trái đất.

Hễ là người Việt thì Tết đến không thể thiếu bánh chưng. Những người Việt lấy vợ lấy chồng Nga, con cái không biết ăn bánh chưng nhưng họ vẫn cố kiếm lấy một cái trong ngày Tết để cho trẻ khỏi quên quê cha hay đất mẹ. Như anh Nguyễn Đức Toàn, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Xanh Pêtécbua.

27 Tết anh lặn lội lên Mátxcơva để mua cặp giò “chở từ Hà Nội” và một chiếc bánh chưng, một chiếc bánh tét gói tại chợ Vòm. Con trai anh sinh ra tại Nga, không ăn được đồ nếp, nhưng cu cậu vẫn thích bố mua cho bánh chưng để ngắm, để khoe với các bạn Nga.

 Anh Nguyễn Toàn, kinh doanh tại chợ Vòm, cho biết: “Bánh chưng vẫn ổn định ở 150 – 200 rúp/bánh (tương đương 120.00 ngàn đồng). Nhưng giá lá dong đắt lắm, từ chỗ 400 rúp đã vọt lên 600 rúp. Mà cũng hiếm. Lá dong không đủ thì gói bánh sao được. Bánh lẽ  ra phải gói 4 lá thì ở Mát (Mátxcơva) chỉ gói có 2, rồi rút xuống 1 lá. Chỉ một lá thôi mà cũng không đủ lá. Nên mới có chuyện “cháy” chợ. Đại gia đình tôi có 8 người, đặt từ tuần trước 10 cái mà chỉ được ưu tiên có 3. Nhiều nhà không mua được cái nào”.

Chợ Vòm ngày hôm nay vẫn mở cửa bình thường. Người Hoa vẫn bán hàng bình thường. Vì mai mới Tết với họ. Còn người Việt thì mở hàng lấy lệ rồi bán được hay không chả quan trọng. Họ về sớm để thắp hương cúng tổ tiên. Đĩa ngũ quả và mâm cơm cúng của anh chị Bé – Oanh (người Nghệ An) không khác ở quê nhà. Anh chị còn về tận vùng nông thôn Nga để mua một con gà trống để làm cỗ. Chi phí cho một con gà có lẽ bằng… nửa con trâu ở quê.

Nhưng anh Bé tâm sự: “Có những cái không tính ra tiền được anh ạ. Quanh năm cặm cụi làm ăn. Tết đến phải bày vẽ một chút cho đỡ nhớ nhà”.

 Sống ở Nga, người Việt phải sinh hoạt theo lịch Nga. Tết ta không được nghỉ, phải đi chợ. Chợ lại đang ế, buồn lắm. Nhưng không vì thế mà người Việt ở Nga không có Tết.

Khát vọng người Việt trẻ trước thềm Xuân hội nhập

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 27

Cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ đầy mơ ước. Ảnh: Hồng Vĩnh

Trần Thị Lê Dung: Tôi mơ ước trở thành Phó Chủ tịch nước!

Mơ ước lớn nhất của tôi là làm Phó Chủ tịch nước ở tuổi 40. Từ lâu, tôi đã vạch ra “kế hoạch cuộc đời” cho mình để phấn đấu. Hiện tôi là Bí thư Chi bộ Sinh viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 28

Tôi đang học Thạc sĩ ngành Ứng dụng Ngôn ngữ tại trường và trong năm 2007, tôi sẽ học tiếp văn bằng hai nghành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hộ và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Tôi muốn chuẩn bị thật kỹ để ước mơ của mình có thể “hội nhập” với thực tế. Sau đó, tôi sẽ phấn đấu để được làm tại Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. 

Cái đích tiếp theo tôi hướng đến là Hội đồng Nhân dân và đến năm 50 tuổi, tôi muốn mình là đại biểu quốc hội, chuyên trách vấn đề về thanh niên.

“Không có ý kiến nào đúng, không có ý kiến nào sai, chỉ có những ý kiến không được đưa ra thảo luận và những người không tự tin đưa ra ý kiến”, bài học đó tôi rút ra từ sau lần tham dự diễn đàn Sáng kiến Tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 8 vừa qua.

Tôi muốn thanh niên sẽ có nhiều cống hiến hơn nữa cho đất nước ngay tại thời điểm hiện tại chứ  không phải ngày mai mới là chủ nhân của đất nước.

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 29

Dương Anh Xuân, biên tập viên Đài truyền hình VN :

Tôi là người tham lam…

Tôi là một người tham lam nên… có quá nhiều việc tôi muốn làm và phải làm. Tôi đang cố gắng sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên và ước sao một ngày có 48 tiếng để có thể thực hiện được tất cả những gì mình dự định.

Trong một “kế hoạch dài hơi” của người trẻ có vô số những kế hoạch… ngắn hơi. Với tôi, trong năm 2007, tôi đặt ra một một số mục tiêu nhất định - những kế hoạch ngắn hơi, nhằm từng bước cụ thể hóa mục đích của tương lai.

Tới đang nỗ lực làm việc để hoàn thành thật tốt vai trò là một biên tập viên của Đài Truyền hình Việt Nam. Tất nhiên, cái đích hướng tới của tôi không gì khác là những chương trình tốt, ấn tượng. Tôi muốn những người nghèo, những người không biết chữ cũng có thể tiếp cận được thông tin của thời đại.

Để có thể tiến xa hơn nữa trên con đường mình đã lựa chọn, tôi đã lên kế hoạch du học ngành truyền thông tại Mỹ trong năm nay.

Tôi cũng dự định trong năm nay sẽ đi Đồng Văn (Hà Giang) và đến Trung Quốc. Tôi muốn đến những vùng đất, tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người dân nơi đây…

Phạm Sỹ Chung: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tuổi 40, tại sao không?

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 30

Sau những nỗ lực không mệt mỏi và sau 1 năm làm việc nghiên cứu tại UNDP - Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, tôi được 3 trường đại học tại Mỹ là: Georgia State University, Kansas State University và Pardee Rand Graduate School thuộc RAND - Trung tâm nghiên cứu chính sách của Chính phủ Mỹ cấp học bổng nghiên cứu. Tôi chọn RAND để “làm” tiến sĩ.

Chương trình tiến sĩ của tôi kéo dài 5 năm và sau khi kết thúc khóa học, tôi sẽ 31 tuổi. Tôi muốn trở về Việt Nam, xin vào Bộ GD&ĐT để làm quen với môi trường làm việc tại nơi này.

Tôi muốn trở thành Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi 40 tuổi. Một trong những ưu tiên của tôi khi đó sẽ là phát triển thêm các lớp chính quy dành cho những học viên có hoàn cảnh khó khăn có thể vừa học, vừa làm (học nghề).

Đó là lý do tại sao khi được cấp học bổng, tôi quyết định chọn chuyên ngành nghiên cứu chính sách giáo dục.

Tất nhiên, để “thực tế hóa” ước mơ, tôi đang và sẽ phải trải mình ra học, nghiên cứu, thực hành và cả tham gia các chương trình từ thiện tại Mỹ.

Phạm Thị Huệ, nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu 2007: Tiếp tục giúp đỡ người có HIV

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 31
Phạm Thị Huệ (đứng giữa) trong lần gặp gỡ với ông Bill Clinton tại Hà Nội.

2006 là một năm thành công đối với “Anh hùng châu Á” - Danh hiệu do tạp chí Time của Mỹ bầu chọn (năm 2004) cho Phạm Thị Huệ.

Chị không những vinh dự được gặp Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong lần ông đến thăm Việt Nam, mà còn được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) bầu chọn vào danh sách 250 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2007 (Young Global Leaders 2007).

Tuy vậy, nói về những danh hiệu, người phụ nữ ấy khẳng đinh: "Đó chỉ là những mốc son, động lực thúc đẩy tôi phấn đấu giúp cho những người có HIV giống mình. Kế hoạch cho năm 2007 của tôi cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Dù với tư cách là người lập ra nhóm Hoa Phượng Đỏ tại Hải Phòng (năm 2005) hay là tình nguyện viên quốc gia của Liên hợp quốc, tôi luôn mong muốn được sát cánh cùng những người bạn có chung hoàn cảnh.

Trong năm 2007, bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, tư vấn, thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe cho người có H, tặng lương thực cho những đứa trẻ bơ vơ vì AIDS, tôi và những thành viên của nhóm Hoa Phượng Đỏ đang lên kế hoạch hỗ trợ công ăn việc làm cho người có H.

Cùng với việc khai trương hiệu rửa xe, chúng tôi đang tiến hành mở xưởng may, móc cho những người có HIV. Các thành viên trong nhóm cũng đang nỗ lực tìm thị trường cho những sản phẩm áo, khăn, mũ… do những thành viên có H sản xuất.

Ngoài ra, tôi đang lên kế hoạch phối hợp với Trung tâm Giáo dục Thanh Xuân Hải Phòng, nhằm giúp những người làm nghề mãi dâm, hoàn lương trở lại cộng đồng.

Nhạc sĩ violon trẻ Bùi Công Duy: Trở về!

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 32
Bùi Công Duy (trái) cùng vợ.

Sinh năm 1981, Bùi Công Duy từng 3 lần đoạt giải nhất violon quốc tế. Duy cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi violon quốc tế Jacques Thibaud 2002 và đã lọt vào vòng 2 của cuộc thi này.

Trong một lần tình cờ nghe Bùi Công Duy chơi đàn, nghệ sĩ Vladimir Sprvakov - người từng giành 4 giải thưởng lớn dành cho nghệ sĩ violon thế giới và là người sáng lập Dàn nhạc Vituous Moskva (Nga) vào năm 1982  - đã quyết định nhận anh vào dàn nhạc.

Vinh dự là người nước ngoài duy nhất được mời tham gia dàn đàn dây nổi tiếng nhất nước Nga Privakov, nhưng chàng trai quê…. này quyết định trở về.

“Tôi đã từ chối nhập quốc tịch Nga và quyết định trở về cống hiến cho quê hương. Chẳng ở đâu bằng quê cha đất tổ. Tôi luôn nhớ nhớ hương vị ấm áp của quê nhà, những bữa cơm gia đình và cuộc sống rất đỗi thân quen.

Tết Đinh Hợi là cái tết đầu tiên của tôi tại quê nhà sau những năm tháng học tập, biểu diễn, đi - về giữa Nga và Việt Nam. Rất hồi hộp và xúc động! Tôi mong rằng đây sẽ là cái Tết đánh dấu sự khởi đầu mới tốt đẹp của mình ở quê hương. Còn người nghe, tôi còn diễn”, Duy tâm sự.

Lê Thùy Quyên: Lên kế hoạch săn học bổng thạc sĩ

Trực tuyến đêm giao thừa ảnh 33

Năm 2006, Lê Thùy Quyên - sinh viên khoa công nghệ sinh học thuộc Đại học Đông Đô Hà Nội vinh dự được Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tặng Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật.

Ngoài ra cô còn đoạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam dành cho sinh viên năm 2006. 

Công trình của Quyên là tìm ra công nghệ công nghệ sản xuất chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae sorok có khả nămg diệt trừ được nhiều loại côn trùng mà không gây hại cho con người cũng như môi trường và những sinh vật có lợi khác.

Gặp Quyên những ngày cuối năm tất bật, cô sinh viên trẻ năng động vẫn đang tất bật với những trang sách và những công trình nghiên cứu dở dang. 

“Tôi đang dành nhiều thời gian học tiếng Anh để quyết săn học bổng học thạc sỹ ở nước ngoài. Tôi muốn trang bị đủ kiến thức nhằm nghiên cứu thêm những công trình có ích cho xã hội.

Trong số đó, tôi sẽ ưu tiên những công trình liên quan đến an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bởi nó đang và sẽ vẫn là vấn đề nóng đối với cả xã hội”…

Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tết đã đến! Xuân đã về! Những ước mơ, hoài bão mang theo sức sống mãnh liệt đang tràn ngập trong tâm hồn của người trẻ.

Còn bạn, bạn đã lên kế hoạch đầu năm cho “chặng đường Đinh hợi” chưa? Hãy chia sẻ với chúng tôi những dự định đầu năm của bạn.

Tiền Phong Online xin trân trọng cám ơn các PV, CTV, du học sinh và kiều bào ở nước ngoài cùng Hoa hậu VN Mai Phương Thúy và bạn đọc khắp nơi đã đóng góp nhiệt tình vào sự thành công của chương trình trực tuyến đêm Giao thừa Xuân Đinh Hợi này. Năm mới chúc thắng lợi mới !

Nhóm PV Tiền Phong thực hiện

MỚI - NÓNG