Trực thăng K-52 và máy bay không người lái Lancet Nga khiến cuộc phản công của Ukraine gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo nhà phân tích người Anh, trực thăng K-52 và máy bay không người lái (UAV) Lancet của Nga là những nguyên nhân chính khiến cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine gặp khó khăn.

Vuk Vuksanovic, nhà phân tích tại Trường Kinh tế London cho rằng, nguyên nhân chính ngăn cản lực lượng Ukraine mở cuộc phản công chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga ở Zaporozhye và Donbass là khả năng tác chiến của không quân Nga.

Ông nhấn mạnh rằng, ưu thế trên không đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện thành công các kế hoạch quân sự. Nga đã sử dụng đồng thời hiệu quả trực thăng Alligator và máy bay không người lái Lancet trong tác chiến.

Trực thăng K-52 và máy bay không người lái Lancet Nga khiến cuộc phản công của Ukraine gặp khó ảnh 1

Trực thăng tấn công Ka-52 của Nga.

Nhà phân tích cũng chỉ ra những sai sót trong cách tiếp cận của các cố vấn phương Tây. Theo ông, các đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tin rằng việc huấn luyện và trang bị cho quân đội Ukraine là đủ tốt, tuy nhiên, họ đã không tính đến việc tấn công vào các khu vực được Nga chủ động thiết lập hệ thống phòng thủ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.

Nga đã nỗ lực trong việc tạo ra tuyến phòng thủ nhiều lớp trên bộ, trên không và trên biển. Với những ưu điểm về tính năng, kỹ thuật tác chiến cũng như khả năng hoạt động lâu dài trên không, UAV Lancet và trực thăng tấn công Ka-52 được coi là những vũ khí giành ưu thế chiến thuật, được quân đội Nga sử dụng dày đặc trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong khi Ka-52 được Nga tích cực huy động cho các nhiệm vụ trinh sát, cũng như tấn công mục tiêu công sự, xe thiết giáp, bộ binh của đối phương thì UAV Lancet được thiết kế để xác định, tấn công và tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao.

Được trang bị 2 động cơ tuốc bin trục TB3-117 cho phép Ka-52 bay với tốc độ tối đa là 300 km/h, đạt cực hạn là 350 km/h, tầm tác chiến 460 km và hoạt động trong 1.160km.

Trong khi đó, Lancet có tốc độ ấn tượng vào khoảng 110 km/h, bán kính tiêu diệt mục tiêu là 40 km. Nó có thể hoạt động trên không với thời gian khoảng 40 phút.

Khi nhận lệnh tiêu diệt mục tiêu, UAV Lancet sẽ lấy độ cao và đâm thẳng vào mục tiêu với vận tốc cực đại là 300 km/h. Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể dễ dàng tiêu diệt hỏa lực đối phương bao gồm các phương tiện bọc thép, trận địa pháo và súng cối.

Được biết, ngày 9/7, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video về hoạt động của máy bay trực thăng Ka-52. Theo đó, phi hành đoàn của máy bay này đã tấn công xe bọc thép của Lực lượng vũ trang Ukraine đang di chuyển theo hướng Nam Donetsk.

Đoạn video được trình chiếu cho thấy chiếc trực thăng bám nắm mục tiêu, phóng tên lửa dẫn đường, hạ gục phương tiện bọc thép.

Trước đó, ngày 6/7, bộ này cũng trình chiếu một đoạn phim ghi lại hình ảnh pháo tự hành PzH 2000 của quân đội Kiev bị phá hủy bởi UAV Lancet.

Đoạn video cho thấy lựu pháo của Ukraine nổ tung sau khi bị máy bay không người lái của Nga bắn trúng.

Theo Avia.pro, RIA Novosti
MỚI - NÓNG