Cuộc sơ tán dân lịch sử
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là cơn bão rùng rợn, cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tài sản, tính mạng của người dân. Tại Philippine, bão Haiyan gây chết hàng chục ngàn người. Nhận thức điều này, cả hệ thống chính trị, bộ ngành, địa phương, các lực lượng liên quan đã quyết tâm cao, chủ động phòng tránh.
Công tác vận động, di dân, sơ tán dân tiến hành trên diện rộng, quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử phòng tránh bão tố, thiên tai. Tại Đà Nẵng 6.988 hộ/24.835 người di dời. Quảng Nam có 49.052/165.988 sơ tán. Con số này tại Quảng Ngãi lên đến 38.253/127201…
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc vận động dân đã khó, đưa dân đi các nơi an toàn càng khó hơn. Các địa phương từ Đà Nẵng đến Phú Yên sơ tán khoảng 600.000 dân đến nơi an toàn.
“Đây là cuộc di dân, sơ tán dân có quy mô lớn nhất trong lịch sử phòng chống bão, thiên tai những năm gần đây”, Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên làm hết sức mình để di dời dân, thể hiện ý thức phục vụ nhân dân vì nhân dân trong hoàn cảnh, điều kiện khó khăn, khắc nghiệt và nguy hiểm trong bão lũ.
Nhận định trước diễn biến mới nhất của cơn bão số 14, Phó Thủ tướng cho hay, tâm mắt bão đã ra khỏi khu vực nguy hiểm nhất ảnh hưởng trực tiếp từ Đà Nẵng đến Phú Yên và đang hướng về khu 3, khu 4. Tuy nhiên, các công tác theo dõi, cập nhật diễn biến và chủ động tất cả các tình huống ứng phó bão luôn sẵn sàng, cơ động, không chủ quan, lơ là.
Người dân Đà Nẵng đến Phú Yên sơ tán được trở về nhà khi mắt bão đã ra ngoài vùng nguy hiểm. |
“Không hoài công”
Từ 12 giờ trưa nay, các địa phương đưa dân đã sơ tán hôm qua về lại nhà. Trừ Lý Sơn (Quảng Ngãi) Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm, Cù Lao Xanh… chỉ di dời dần về lại nhà khi điều kiện thời tiết không còn nguy hiểm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: lúc sơ tán dân đi có lực lượng hùng hậu hỗ trợ, xe di chuyển; khi về cũng phải như thế, cần có các lực lượng vũ trang, ĐVTN, cán bộ giúp dân, người già phải được khiêng bế di chuyển… Di dân về cách an toàn, trật tự, trách nhiệm.
“Khi về rồi cần họp dân rút kinh nghiệm, cái gì tốt biểu dương, phát huy tinh thần chủ động, chấp hành, tự giác. Giáo dục ý thức người dân tốt hơn để những lần sau sơ tán dân tốt hơn. Để những lần sau, khi gặp bão nguy hiểm, thời tiết xấu việc di dời dân được tiến hành thuận lợi, dễ dàng hơn”, ông Phúc nói.
Ban chỉ đạo tiền phương đối phó bão số 14 lưu ý, hiện tọa độ bão vẫn đang bám sát ven biển miền Trung, cấp gió vẫn còn mạnh cấp 12 - 15, giật cấp 15 - 16, quần lưu bão lớn, diễn biến phức tạp, chưa hình dung nó đến điểm kết thúc thế nào. Các cấp ngành, địa phương theo dõi thường xuyên để có các phương án kịp thời.
Theo Phó thủ tướng, dự bão năm 2013, ít nhất có 16 cơn bão. Đến nay mới chỉ là cơn thứ 14, vẫn còn 2 cơn bão nữa có nguy cơ xảy ra cần phải chủ động về cơ số thuốc men, dự trữ lương thực…
“Chúng ta không hoài công trong việc ứng phó với bão, kế hoạch triển khai phòng chống bão thể hiện trách nhiệm đối với người dân. Thậm chí có phương án công bố tình trạng khẩn cấp. Riêng người dân rát chủ động. Hình ảnh đào hầm tránh bão ở Quảng Nam cái đó mới sáng tạo. Người dân ta sáng tạo cao để tránh thiên tai. Có nhiều vấn đề sau này phải tổng kết, đánh giá”- Phó thủ tướng nói.