Trọng tài Hà Anh Chiến: Nạn nhân của bóng đá ngược đời

Trọng tài Hà Anh Chiến.
Trọng tài Hà Anh Chiến.
TP - Suy cho cùng, trọng tài Hà Anh Chiến chỉ là nạn nhân của một nền bóng đá có cách thức tổ chức không giống ai, thậm chí ngược đời.

1. Tối 13/5, người viết ngồi gõ từ khóa “Trọng tài Hà Anh Chiến” lên Google thì nhận được 7.350.000 kết quả liên quan trong vòng 0,46 giây. Cũng ở thời điểm này vào tuần trước, từ khóa “Trọng tài Hà Anh Chiến” chắc chắn không ai cậy nhờ Google tìm kiếm.

Tiếp tục với một từ khóa khác là “Quả 11m tưởng tượng”, Google cho kết quả 250.000 từ liên quan trong vòng 0,43 giây. Còn nếu đánh từ khóa “Treo còi vĩnh viễn” sẽ được 139.000 từ liên quan trong vòng 0,40 giây.

Cách chơi từ khóa này chỉ là tương đối nhưng chắc chắn, nó là những khóa “hot” nhất của V-League tuần qua.

Cái tên Hà Anh Chiến trước đó không mấy ai để ý, bỗng một ngày nổi lên như cồn ở Việt Nam, giống như cái tên Pierluigi Collina bỗng trở nên nổi tiếng toàn thế giới sau trận chung kết UEFA Champions League kinh điển 1999 giữa Bayern Munich và Manchester United.

Có điều, sự nghiệp của ông trọng tài đầu trọc người Ý sau đó lên như diều gặp gió, còn sự nghiệp của ông vua áo đen người Hà Nội gần như sẽ chìm vào quên lãng giống như những từ khóa một thời “Trọng tài Đinh Hải Dương” (người bị nghi nhận bồi dưỡng… 100 triệu trên sân Thanh Hóa năm 2013, đến nay chưa có kết luận nhưng còi thì vẫn treo) hay từ khóa “Trọng tài Bùi Quang Thông” (người dính vào tiêu cực khi còn thổi ở giải hạng Nhì sau đó bị tố khi đang làm nhiệm vụ ở V-League, và bị loại vĩnh viễn khỏi giới cầm còi).

2. Thực tế, ông Hà Anh Chiến không phải bị treo còi vĩnh viễn. Ban trọng tài VFF chỉ đề xuất loại ông khỏi danh sách những trọng tài chuyên nghiệp lên thường trực VFF.

Theo lý giải của ông Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, nếu đề xuất được thông qua thì ông Chiến sẽ không còn cơ hội bắt ở các giải chuyên nghiệp nhưng vẫn được bắt ở các giải… “làng” kiểu không chuyên, hay ngoại hạng phủi.

Án của ông Chiến ở chế độ chờ. Chính xác là chế độ thăm dò dư luận sau khi dư luận phản ứng cực nhanh, cực mạnh cùng với SLNA để khiến ông Chiến dù phải “vạn lần xin lỗi” vẫn… mất nghiệp.

Ông Chiến sai là điều không phải bàn cãi. SLNA mất oan điểm là điều đã rồi. Nhưng để làm sao những chuyện này không còn lặp lại là câu chuyện của thượng tầng, ít người đả động.

3. Bóng đá Việt Nam tồn tại quá nhiều thứ ngược đời. Ông Trưởng Ban trọng tài là thành viên BTC, thậm chí là Phó Ban tổ chức giải, lo cả việc điều trọng tài. Thế giới không ai làm vậy cả. Họ hướng trọng tài tới một tổ chức độc lập, không lệ thuộc.

Rồi giám sát trọng tài từ vị trí một cánh tay phải của BTC có quyền yêu cầu trọng tài, giám sát trọng tài phải báo cáo với mình thì giờ, quyền gần như… lộn ngược.

Ấy là còn chưa kể, trọng tài ở ta không phải để “chơi” như nước ngoài (chơi trọng tài như một môn thể thao) mà đa phần dân cầm còi đi ra từ … Sở, nơi trước đây quản lý các đội bóng vừa dễ nặng tình cảm địa phương vừa không nêu cao ý thức nghề, tích lũy nghề nên chuyên môn yếu.

Và quan trọng hơn, thượng tầng của một nền bóng đá với những ông chủ đội bóng cùng làm quản lý Liên đoàn (chứ không phải bị Liên đoàn quản lý), lại có lúc sở hữu tới 4 đội bóng… thử hỏi, thế giới bói đâu ra?

Vậy nên, nền bóng đá này luôn bị đặt dấu hỏi về sự công bằng, sòng phẳng. Và nói như chuyên gia Trịnh Minh Huế khi thượng tầng không tạo ra công bằng, ở dưới ắt mây mưa.

Chúng ta cứ đổ lỗi hết lên đầu một ông trọng tài cụ thể, rồi kỷ luật vĩnh viễn thì mấy ông ở trên chẳng bao giờ có lỗi cả!

MỚI - NÓNG