Trồng mít tràn lan, rủi ro sớm đến

0:00 / 0:00
0:00
Đầu ra của trái mít tiềm ẩn nhiều rủi ro ẢNH: CK
Đầu ra của trái mít tiềm ẩn nhiều rủi ro ẢNH: CK
TP - Từ chỗ chỉ có vài ngàn ha, diện tích trồng mít tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm gần đây tăng “chóng mặt” do dễ trồng, giá bán hấp dẫn, lợi nhuận gấp chục lần trồng lúa… nhưng cũng khiến nông dân lao đao vì bị ép giá.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích mít (chủ yếu là mít Thái) ở các tỉnh phía Nam đến tháng 4/2021 đạt hơn 39.000ha, riêng tại ĐBSCL hơn 30.000ha. Chỉ trong mấy năm gần đây, loại cây trồng này đã phát triển ồ ạt, vượt qua diện tích nhiều loại cây ăn trái “thâm niên” trước đó như thanh long (hơn 25.300ha), chôm chôm (hơn 19.500ha), nhãn (30.200ha) hay sầu riêng (hơn 36.100ha)…

Mít Thái (còn gọi là mít siêu sớm) là loại cây có nhiều tiềm năng phát triển, giúp nông dân làm giàu. Ông Lê Văn Phước (ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) cho biết, trồng cây mít Thái không quá nặng chi phí đầu tư ban đầu, lại có thể xử lý cho trái quanh năm, dễ thu hoạch. Thời gian từ trồng đến khi bắt đầu cho trái chỉ hơn 1 năm, vườn mít nếu được chăm sóc tốt có thể đạt 20-25 tấn/ha/năm.

Theo nông dân, một công (1.000m2) mít có thể cho doanh thu 100-150 triệu đồng/năm, gấp 10-15 lần so với trồng lúa, thậm chí vào những lúc cao điểm, mỗi trái mít loại 1 có thể có giá 500.000 đến 1 triệu đồng. Các năm trước, giá mít Thái thường xuyên ở mức 40.000-55.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong các năm 2017, 2018 và 2019, có nhiều thời điểm lên tới 60.000-70.000 đồng/kg do thương lái và doanh nghiệp thu mua nhiều để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đầu ra gặp khó, nguồn cung tăng vì nông dân tại nhiều địa phương đua nhau trồng, giá mít đã bấp bênh và tụt dần. Năm 2020, giá mít loại 1 có thời điểm chỉ 7.000 đồng/kg, còn thời điểm lên cao nhất khoảng 46.000-48.000 đồng/kg (tháng 11/2020) nhưng không kéo dài được lâu. Sang năm 2021, giá mít đạt mức 40.000 đồng/kg thời điểm tháng 1 (cận Tết Nguyên đán) nhưng sau đó nhanh chóng giảm, cho đến nay dao động từ 12.000-30.000 đồng/kg.

Điệp khúc ép giá

Thời gian gần đây, cả người trồng và vựa thu mua mít lao đao vì những “chiêu trò” do thương lái Trung Quốc bày ra. Là chủ một cơ sở sản xuất và xuất khẩu trái cây ở xã An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), ông Nguyễn Bá Tùng nói: “Bây giờ trồng mít không có ăn đâu”. Chính ông đã quyết định đốn bỏ khoảng 1.000 cây mít đang chuẩn bị cho trái để chuyển sang trồng ổi xuất khẩu đi thị trường Trung Đông.

Tình trạng bị ép giá từng xảy ra với trái thanh long, khi thương lái Trung Quốc vào đứng sau các vựa và trực tiếp điều hành đã khiến thị trường tiêu thụ trái thanh long bị “méo mó”, nông dân và nhà kho lâm vào cảnh lao đao.

Theo các nông dân và nhà vựa thu mua mít, thương lái Trung Quốc hiện đứng sau điều hành các vựa thu mua lớn, họ thuê cả thông dịch viên, biết rất rõ thời điểm nào có mít thu hoạch rộ, từ đó đưa ra các “chiêu trò” gây khó dễ, ép giá. Cụ thể, trước đây, mít Thái loại 1 mỗi trái có trọng lượng từ 9kg trở lên, không bị méo, vỏ ngoài không bị đen là đạt yêu cầu; tương tự loại 2 là từ 7 đến dưới 9kg/trái; loại 3 là từ 5 đến dưới 7 kg/trái…

Tuy nhiên, một chủ vựa thu gom mít ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho hay, gần đây, mít loại 1 ngoài đáp ứng những yêu cầu như trên, thương lái Trung Quốc còn yêu cầu khi cắt đầu trái mít, số lượng hạt (múi mít) lộ ra phải từ 2 trở xuống, nếu từ 3 trở lên thì trái đó sẽ bị “rớt hạng”, vì nhiều múi tức cơm sẽ mỏng, không đạt yêu cầu.

Với “chiêu” này, hiện một tấn mít thu hoạch, thương lái Trung Quốc cho rằng chỉ có 10-20% là mít loại 1 và 2... Thật ra đó là cách để họ ép giá, nhưng mình không làm gì được. Chúng tôi là người trực tiếp mua tại ruộng của nhà vườn, bắt buộc cũng phải làm như vậy, chủ vựa này nói và cho biết điều này khiến lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ.

MỚI - NÓNG