Trông đợi gì ở 'Cao hơn bầu trời'?

Trông đợi gì ở 'Cao hơn bầu trời'?
TP - Bộ phim truyền hình quy mô đầu tiên về bộ đội Phòng không-Không quân trong trận chiến B52, nếu khéo làm có thể trở thành một trong số bộ phim hay về đề tài lịch sử, chiến tranh.

> Hậu trường casting: 100 triệu và 'tình một đêm'
> 'Con mắt bão' đợi lên sóng

Cao hơn bầu trời dự kiến dài 50 tập, dựa trên kịch bản của nhà văn, đại tá Nguyễn Minh Ngọc. “Khi bắt tay vào viết kịch bản, tôi chỉ nghĩ đơn giản mình lớn lên từ anh lính binh nhì Quân chủng Phòng không- Không quân (PKKQ), đây là cách trả món nợ ân tình.

Kịch bản phim khai thác triệt để chất bi tráng, ca ngợi sự hi sinh oanh liệt, vô giá của biết bao con người. Vốn sống không sợ thiếu, tôi chỉ thiếu kinh nghiệm tổ chức kịch bản phim”, nhà văn phát biểu trong buổi ra mắt phim tại Hà Nội.

Kịch bản hoàn thành hôm 2-9, khởi quay ngày 7-11-2012 do Cty TNHH MTV Hãng phim Giải Phóng phối hợp Quân chủng PKKQ sản xuất. Ông Nguyễn Thái Hòa, Tổng giám đốc Phim Giải Phóng cho biết, cuối tháng 12-2012, phim hoàn thành 10 tập và dựng xong 6 tập.

Hãng định xin lịch phát sóng ngay trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không. Nhưng nhà đài muốn chờ đủ 50 tập.

May mà phim lùi lại phát khoảng tháng 8 đến tháng 10 năm nay, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Quân chủng PKKQ. Bởi ngay tập đầu tiên chiếu thử trong buổi họp báo đã thu về “cả rổ” sạn.

Dẫu chỉ là khán giả bình thường cũng nhận ra, kỹ xảo trong các cảnh bay lượn trên bầu trời thiếu thuyết phục. Dù các nhà làm phim cố gắng tìm đủ bối cảnh ở nhiều nơi miền Bắc cho giống Hà Nội thời B52.

Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó Chính ủy Quân chủng PKKQ góp ý: “Thời đó các đại đội trưởng, phi công chỉ 26-27 tuổi chứ không đến 35 tuổi như đại đội trưởng Huỳnh Tấn trong phim. Về kỹ xảo, chúng tôi trông là biết ngay, cứ như trò chơi điện tử vì máy bay bay nhanh, lượn rất nhanh. Cứ xem phim tài liệu sẽ thấy các cảnh máy bay cất cánh thật hơn nhiều. Thêm nữa, cảnh quay ở sở chỉ huy không quân đáng ra phải nói rất khẽ, không bao giờ tiết lộ địa điểm sân bay Nội Bài hay Gia Lâm khi cho phép phi công hạ cánh. Phi công trên trời cũng không xưng tên, chỉ nói số hiệu. Liên lạc của điện đài giữa phòng chỉ huy và phi công trên trời rất khó nghe, chứ không rõ mồn một như thế”.

Một đại diện khác của quân chủng còn chỉ ra biển xe là của thời nay, người trong quân ngũ nhìn là biết. Rồi thời đó không có cảnh bộ đội đi phát rừng. Có chăng đào giao thông hào, mà cũng không có cảnh đại đội trưởng đứng ra quát nạt, khẩu khí giống các ông giám đốc nông trường.

“Khẩu khí chỉ đường của sở chỉ huy không đúng. Phim mà chiếu cho phi công họ phản ứng ngay, họ rất khó tính”, vị này nhận xét. Chưa kể phim còn trích hai câu thơ “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/Đời mất vui khi đã vẹn câu thề” trong thư Kiều Liên viết cho chàng phi công Vũ Sáng, nêu là thơ của Xuân Diệu.

Thực tế, hai câu thơ nổi tiếng trích trong bài Ngập ngừng của Hồ Dzếnh (Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/Đời chỉ đẹp những khi dang dở).

“Tất cả những điều sai có thể sửa được hết, thậm chí chúng tôi sẽ quay lại. Tôi cũng thừa nhận nếu không có sự phối hợp của quân chủng thì không thể sản xuất được phim này.

Ví dụ nguyên cảnh kéo máy bay ra để quay cảnh cất cánh, hạ cánh vào ban đêm cũng mất hàng tuần”, ông Thái Hòa nói. Đoàn làm phim cũng mời đại tá Nguyễn Văn Bảy, một trong ba phi công đầu tiên được phong anh hùng của không quân VN lặn lội ra Bắc để cố vấn thêm.

Đại diện quân chủng cũng sẵn sàng tiến cử những nhân chứng thời đó cho đoàn làm phim, để có thêm không khí xác thực về thời những năm 1972-1975.

Đạo diễn Nguyễn Xuân Cường của Hãng phim Giải Phóng tâm sự: “Tôi vinh dự là người con miền Nam được ra Bắc làm phim về cuộc chiến đấu của những người con miền Bắc.

Nếu không vì tình cảm ấy sẽ khó nhận lời thực hiện phim này”. Trước thắc mắc lời thoại chưa phù hợp lắm, đạo diễn nói vì phim hướng đến cả giới trẻ nên có thể phóng khoáng hơn để thu hút. Đoàn làm phim chỉnh sửa dựa trên những đóng góp của những người có kinh nghiệm.

Cao hơn bầu trời bối cảnh trải dài từ 1972-1975, thể hiện chất bi tráng của các chiến sĩ Phòng không-Không quân trong đời sống, tình yêu và đặc biệt là chiến đấu. Tình tiết, sự kiện xảy ra trong phim đều có thật, còn nhân vật hư cấu cho hấp dẫn hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG