Trộm cắp lộng hành ven biển Cà Mau

Đoàn tàu khai thác biển nằm bờ ở cửa biển Khánh Hội (U Minh) vì sợ ra biển bị trộm cắp
Đoàn tàu khai thác biển nằm bờ ở cửa biển Khánh Hội (U Minh) vì sợ ra biển bị trộm cắp
TP - Chỉ trong một đêm, hơn 20 tàu bẫy mực ốc bị cắt dây vỏ ốc trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. “Bà con ngư dân bị thiệt hại nặng quá đành trình báo rồi cũng cho tàu nằm bờ, không dám ra biển”.

> Trộm cắp lộng hành trong bệnh viện

Ngư dân Hà Văn Nguyên, ở ấp 1, xã Khánh Hội (U Minh, Cà Mau) cho biết như vậy.

Đoàn tàu khai thác biển nằm bờ ở cửa biển Khánh Hội (U Minh) vì sợ ra biển bị trộm cắp
Đoàn tàu khai thác biển nằm bờ ở cửa biển Khánh Hội (U Minh)
vì sợ ra biển bị trộm cắp.

Hoang mang

Hơn nửa tháng qua, hàng trăm ngư dân cụt vốn, chưa mua sắm lại ngư cụ hoặc chẳng dám ra khơi. Chiều cuối tháng 10, nắng đẹp, biển yên mà tàu bẫy mực ốc, tàu câu kiều, tàu lưới…vẫn nằm bờ.

Bà Lê Thị Hiền, chủ tàu KG 60367 TS, đang nằm bờ tại cửa biển Khánh Hội (U Minh) kể: “Đêm 16 rạng sáng 17-10, kẻ gian trộm cắp hết 3.500 vỏ ốc, dây ốc bị hư hỏng, thiệt hại hơn 70 triệu đồng. Bây giờ, cho tàu ra khơi là chết luôn, chẳng ai làm gì được bọn trộm cắp”.

Ngư dân cho tàu ra vào cửa biển Khánh Hội (U Minh) cho biết, tàu hành nghề bẫy ốc rất phổ biến. Mua vỏ ốc khoảng 15.000đồng/vỏ, rồi xỏ vào dây với giá thành khoảng 20.000đồng mỗi vỏ ốc. Ngư dân ra biển, bủa xuống biển để đón luồng mực. Con mực chui vô vỏ ốc để trú ẩn, tìm mồi, bị kéo cất lên.

Ông Lê Văn Khỏe, ở ấp 1, xã Khánh Hội (U Minh) nói: “Tàu đánh bẫy mực ốc hoạt động cách bờ vài chục hải lý, thả dây vỏ ốc vài cây số. Bọn trộm chạy vỏ máy xe ra, dùng dao cắt lấy vỏ ốc để bán”.

Ông Phạm Văn Giáp, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu KG 60907TS, vừa bị mất gần 5.000 vỏ ốc/15.000 vỏ ốc trong chuyến biển đêm 16 rạng sáng 17-10, kể lại: “Anh em chúng tôi bủa dây mực xuống biển, canh chừng, không dám trông đèn. Nhưng nghe tiếng máy vọt qua, dây ốc mực nổi lên mới hay bị cắt”.

Nhiều ngư dân bị trộm cắp dám trình báo, cầu cứu với chính quyền, cơ quan chức năng. Nhưng ông Phạm Minh Dũng, ở ấp 3, xã Khánh Hội (U Minh) thì không.

Ông Phạm Minh Dũng kể: “Trộm cắp thì nhiều lần bắt được nhưng khi phát hiện, bắt gặp thì cơ quan chức năng xử nhẹ, có bồi thường được cho ai đâu? Tôi bị mất hôm trước, hôm sau có người kêu bán, báo với công an thì công an không xử lý được”.

Ngư dân bơ vơ?

Những vụ trộm cắp tài sản, dầu, ngư cụ, phương tiện của ngư dân, đối tượng thường đi với vận tốc 60 km/giờ trên sông biển. Ông Phạm Văn Tủa là ngư dân bị trộm cắp trên biển cho biết: “Khi nghe tiếng máy chạy phớt qua là coi như biết tiêu hết tài sản rồi”.

Ông Đinh Trường Sang, ở ấp 7, xã Khánh Tiến (U Minh) mất 280 cái lú đặt tôm cá trên biển, vào đêm 18-10, than thở: “Sau khi mất gần hết dàn lú, tôi bỏ nghề luôn, chạy tàu trông đèn thuê cho người khác. Mỗi cái lú giá gần 300.000đồng/cái, mất một đêm gần như sạt nghiệp, nợ ngập đầu, làm sao làm ăn nổi?”.

Ông Hà Văn Nguyên, ở xã Khánh Hội (U Minh) bức xúc với nạn trộm cắp trên biển: “Thực ra, chính quyền, công an, thanh tra giao thông có thể điều tra, xác minh những người mua sắm vỏ máy có công suất lớn để xác định thủ phạm”.

Đại úy Đoàn Văn Thỉnh, Đồn phó nghiệp vụ Đồn Biên phòng Khánh Hội, Bộ đội Biên phòng Cà Mau, nói: “Hơn 20 đơn của ngư dân yêu cầu điều tra về vụ mất cắp chúng tôi đã chuyển cho Công an huyện U Minh xử lý, chưa thể cung cấp thông tin”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG