Những kẻ trộm mà BV Nhân dân 115 (TP.HCM) phát hiện - Ảnh: Hà Minh chụp lại từ tư liệu của BV. |
Đủ chiêu trộm cắp
Hằng ngày, có hàng ngàn lượt người đổ về các BV tuyến trên tại TP.HCM khám chữa bệnh. BV Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Viện Tim, Ung Bướu... là những nơi luôn đông đúc nên đã trở thành địa bàn “làm ăn” béo bở của bọn trộm cắp, lừa đảo. Những người từ các vùng quê vốn thật thà trở thành nạn nhân của những kẻ cố tình dàn cảnh để ra tay.
Bác H.X.T (72 tuổi, nhà ở Thanh Hóa) bức xúc nói: “Đầu tháng 6 vừa qua, tôi vào nuôi con gái bệnh tại Khoa Tim mạch B, BV Nhân dân 115 (Q.10, TP.HCM). Trong một lần tôi đi bộ ở hành lang BV thì một thanh niên đi ngang tông vào người tôi. Quần áo tôi dính đầy nước mắm bắn ra từ người thanh niên sau cú va chạm, anh ta xin lỗi và chỉ cho tôi nhà tắm.
Lúc vào nhà tắm của BV tôi móc quần áo lên mà không để ý hắn đứng lên chiếc bồn cầu từ phòng bên cạnh (chỉ có vách tường ngắn ngăn cách), hắn lấy mất toàn bộ số tiền tôi để trong túi. 2 triệu đồng dành dụm ở quê vào lo chi phí...”.
Trường hợp của bà N.T.T (50 tuổi, quê Quảng Ngãi), nuôi bệnh ở BV Nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì bị rơi vào bẫy của một vụ dàn cảnh khác tinh vi không kém. Số là, trong một lần đi ra ngoài BV để mua bánh mì, khi trở vào, bà T. bị một thanh niên lạ giữ lại và bảo: “Ban nãy mua bánh mì ngoài kia chị đã lấy tiền của tôi! Chị trả lại hoặc phải để tôi kiểm tra ví của chị (?!)”.
Vốn thật thà ngay thẳng, để minh chứng, bà T. không ngần ngại đưa ví cho người thanh niên kiểm tra. Sau khi kiểm tra xong người này trả ví lại và bỏ đi. Một lúc sau kiểm tra lại thì bà T. mới tá hỏa, số tiền hơn 2 triệu trong ví đã bị kẻ trộm lấy mất.
T.T.D.V (22 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) thì có bài học nhớ đời khi bị trộm móc túi hơn 1 triệu đồng tại BV Chấn thương - Chỉnh hình. Kẻ trộm là nam, giả vờ không biết chữ, nhờ V. viết giúp những thông tin vào giấy đăng ký khám bệnh. Tin lời, V. lúi cúi viết giúp, lúc này tên trộm ra tay móc sạch số tiền trong túi V. đem theo khám bệnh. Khi viết xong, người nhờ thì không thấy, tiền thì mất... lúc này V. mới biết mình bị mắc mưu!
Bọn trộm hành nghề ở các BV không chỉ nhắm lấy tiền, điện thoại mà còn cuỗm cả quần áo. Ông T.K.D (50 tuổi, quê Kiên Giang) nuôi vợ bị ung thư xương tại BV Ung Bướu TP.HCM kể: “Tôi và nhiều thân nhân bệnh nhân thường phơi quần áo trước khuôn viên nằm giữa các khu khám và điều trị của BV. Đến khi lấy đồ, lúc thì mất cái quần, hôm mất chiếc áo. Kiểu này, có khi ngày ra viện không còn quần áo mà mặc!”.
BV Nhân dân Gia Định gắn bảng cảnh giác kẻ trộm - Ảnh: Hà Minh . |
Bảo vệ vất vả
Đội Bảo vệ của BV Ung Bướu (TP.HCM) luôn phải hoạt động hết công suất để chống lại bọn trộm cắp. Tình trạng quá tải của BV tạo điều kiện để đạo chích tung hoành.
Anh Triệu Minh Tâm, Đội trưởng đội bảo vệ của BV này nói: “Mặc dù chúng tôi luôn lưu ý các anh em bảo vệ phải cảnh giác, phát hiện những đối tượng khả nghi thường bịt kín khẩu trang, nhìn nghiêng ngó quanh… nhưng tình hình trộm cắp vẫn chưa thể trị tận gốc được, vì khó có thể biết hết thủ đoạn, mánh khóe của bọn chúng”.
Anh Tâm cho biết thêm, một ca trực tại đây có 9 bảo vệ, hai người gác cổng, bảy người theo dõi tại các vị trí mà bọn trộm cắp hay ra tay như khu khám, siêu âm… Ở mỗi ca trực, bảo vệ đều phải làm việc rất vất vả bởi lượng bệnh nhân quá đông và cảnh chen lấn diễn ra thường xuyên. Bảo vệ luôn phải canh chừng và nhắc nhở người đến khám cảnh giác tình trạng móc túi, cướp giật, lừa đảo.
Tại các BV Nhân dân Gia Định, Viện Tim, Chấn thương - Chỉnh hình, đội ngũ bảo vệ cũng rất vất vả để canh chừng bọn trộm cắp. Ở một số nơi, vào một số thời điểm, bọn trộm thường gia tăng hoạt động, như sáng sớm, giờ nghỉ trưa, tối và khu khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm, chờ phát thuốc…
Trung bình, bảo vệ tại mỗi BV phát hiện bắt giữ từ 2-4 vụ trộm/tháng. Tuy phân bố nhiều ở những khu vực nóng, nhưng bọn trộm với nhiều “chiêu” và luôn "rình" bảo vệ, nên đã gây không ít khó khăn cho bảo vệ các BV. Ông Huỳnh Văn Quý, Đội trưởng Đội Bảo vệ BV Nhân dân Gia Định than trời trước tình trạng đạo chích tại BV này. Theo ông Quý: “Bọn trộm luôn có nhiều “chiêu” khiến việc phát hiện không phải dễ dàng”.
Chiêu lừa của kẻ gian Từ đầu năm đến nay, các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Sài Gòn) đã liên tục nhận tin báo bị lừa đảo chiếm đoạt tiền và vàng từ người nhà bệnh nhân. Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Hải Đăng (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn) cho biết: “Một tuần thường xảy ra một đến hai vụ lừa đảo. Chiêu lừa của kẻ gian là báo với người bị lừa rằng người thân của họ đang cấp cứu trong bệnh viện và đề nghị đưa tiền để kịp lo cho họ. Vì quá lo lắng nên người bị lừa thường đưa ngay tiền hay vàng để nhờ… kẻ gian đóng phí giúp. Có trường hợp bị lừa đến gần 10 triệu đồng. Kẻ gian vừa lấy xong là chuồn mất”. Theo các y, bác sĩ ở đây thì kẻ lừa đảo thường là phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Một chiêu lừa khác của những phụ nữ này là dắt theo con nhỏ, nhắm vào những người có lòng tốt để than thở và gạt tiền. Anh T.T.Đ. (ngụ Q.11, TP.HCM) từng gặp phải trường hợp này. Anh Đ. kể: “Tôi gặp một người phụ nữ hơn 50 tuổi. Bà ta than vừa chuyển con từ Cà Mau lên cấp cứu trong Bệnh viện đa khoa Sài Gòn mà không có tiền chữa trị. Ban đầu tôi đưa bà này vài trăm ngàn đồng. Sau đó bà than thở quá nên tôi cho thêm hai triệu đồng. Bà này xin số điện thoại và tiếp tục nói cần tiền truyền máu cho con. Tôi thấy nghi ngờ đưa bà đến BV đa khoa Sài Gòn để kiểm chứng thì hóa ra bà ta lừa mình”. (Thanh Thùy) |
Theo Hà Minh
Thanh Niên