Trở lại bài báo 'Ai có tài sản bị hủy hoại?'

Trở lại bài báo 'Ai có tài sản bị hủy hoại?'
TP - Số báo ra ngày 28-5, Tiền Phong có bài “Ai có tài sản…”, nói về công dân Phạm Quang Tuất bị khởi tố về hành vi “hủy hoại tài sản”.

> Ai có tài sản bị hủy hoại?

Hiện trường xảy ra vụ “Hủy hoại tài sản”
Hiện trường xảy ra vụ “Hủy hoại tài sản”.

Theo điều tra của các PV, số tài sản ông Tuất thuê người phá dỡ thuộc tài sản đang tranh chấp giữa hai doanh nghiệp khá nổi tiếng trên thương trường là Cty cổ phần tập đoàn Y dược Bảo Long (gọi tắt Cty Bảo Long) và Cty cổ phần tập đoàn Đầu tư và Du lịch Bảo Sơn (gọi tắt Cty Bảo Sơn).

Trong bối cảnh đó, chưa thể xác định hành vi của ông Tuất gây thiệt hại cho ai, có cấu thành tội phạm không…

Sau khi đăng bài báo trên, đến nay Tiền Phong vẫn chưa nhận được hồi âm từ các cơ quan giải quyết vụ án “hủy hoại tài sản” (Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội và Viện KSND TP Hà Nội).

Tuy nhiên, Tiền Phong lại nhận được nhiều Công văn của Cty Bảo Sơn (gọi tắt Công văn Bảo Sơn), cho rằng bài báo của Tiền Phong “có một số thông tin không chính xác”, yêu cầu báo “cho đăng cải chính”.

Tranh chấp giữa Cty Bảo Sơn và Cty Bảo Long khá phức tạp, quan hệ kinh tế có dấu hiệu bị hình sự hóa, vụ việc đã được nhiều báo đài phản ánh. Bài viết “Ai có tài sản…” của Tiền Phong không đi sâu vào tranh chấp dân sự giữa hai doanh nghiệp, chỉ phản ánh vụ án hình sự “hủy hoại tài sản” đã được khởi tố.

Để tiếp tục góp phần làm rõ những tình tiết của vụ án, bài viết này đưa ra thêm những góc nhìn mới, đồng thời cũng là để trả lời Công văn Bảo Sơn (Tiền Phong sẽ có văn bản trả lời Cty Bảo Sơn từng vấn đề cụ thể; bài viết này chỉ nêu những vấn đề chính yếu).

1/ Theo Công văn Bảo Sơn, Tiền Phong viết ông Tuất là Chánh văn phòng Cty Bảo Long là “hoàn toàn không đúng”, vì Cty này “chưa bao giờ thuê ông Tuất làm việc cho mình”.

Tiền Phong trả lời: Cty Bảo Long thành lập tháng 11-2007, do ông Nguyễn Hữu Khai làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ông Khai đã ký Hợp đồng lao động và bổ nhiệm ông Tuất làm Chánh văn phòng.

Tháng 3-2011, ông Khai ký “Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm” với Cty Bảo Sơn (gọi tắt là Hợp đồng Bảo Long - Bảo Sơn), nhưng sau đó Cty Bảo Long với nhân sự mới chưa chấm dứt Hợp đồng lao động, cho thôi chức ông Tuất.

Cần nói thêm, Quyết định khởi tố bị can của CQĐT cũng ghi ông Tuất là “cán bộ văn phòng Cty Bảo Long”.

2/ Theo Công văn Bảo Sơn, Tiền Phong nhận định Cty Bảo Sơn và Cty Bảo Long có tranh chấp là “hoàn toàn sai”, bởi giữa hai doanh nghiệp này “không hề có tranh chấp, có chăng chỉ là việc ông Nguyễn Hữu Khai đang chiếm dụng tài sản của Cty Bảo Long mà thôi”.

Tiền Phong trả lời: Hợp đồng Bảo Long - Bảo Sơn đến nay chưa thanh lý và có dấu hiệu bị vô hiệu; phía Bảo Sơn cho rằng đã chuyển đủ tiền cho Bảo Long song chưa nhận đủ tài sản, còn phía Bảo Long cho rằng Bảo Sơn chưa thanh toán một số khoản tiền nhưng đã làm thủ tục thay đổi thành viên chủ chốt trên Giấy CNĐKDN và chiếm giữ tài sản của Bảo Long…

Theo Bộ luật Dân sự, có căn cứ để nhận định giữa hai Cty đang xảy ra tranh chấp trong việc thực hiện Hợp đồng Bảo Long - Bảo Sơn.

3/ Theo Công văn Bảo Sơn, hàng rào (bị phá) thuộc tài sản Cty Bảo Long (với nhân sự mới) mua của ông Nguyễn Tiến Vinh, còn số cây (bị chặt) thuộc tài sản ông Nguyễn Hữu Khai đã chuyển nhượng cho phía Bảo Sơn, thể hiện trong “Bản cam kết” ông Khai ký ngày 11-7-2011.

Tiền Phong có ý kiến: Hàng rào (bị phá) là tài sản Cty Bảo Long mới mua thêm của ông Nguyễn Tiến Vinh, nhưng việc mua bán diễn ra ở thời điểm chủ sở hữu Cty Bảo Long chưa được phân định rõ ràng, bởi như trên đã nêu, Hợp đồng Bảo Long - Bảo Sơn chưa được thanh lý và đang phát sinh tranh chấp.

Còn số cây bị chặt, bài báo Tiền Phong nêu “chúng không nằm trong tài sản chuyển nhượng quy định tại Hợp đồng Bảo Long - Bảo Sơn cũng như các Phụ lục Hợp đồng” là có căn cứ, bởi “Bản cam kết” Công văn Bảo Sơn nêu không phải là Phụ lục, cũng không phải là Biên bản thanh lý của Hợp đồng Bảo Long - Bảo Sơn.

4/ Theo Công văn Bảo Sơn, Cty Bảo Sơn rút đơn kiện ông Nguyễn Hữu Khai là bởi “Ông Khai đang bị các CQĐT xem xét về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Cty Bảo Long, do vậy hành vi đó phải được điều tra xử lý theo quy định của luật hình sự, chứ không phải theo luật dân sự”;

Tiền Phong có ý kiến: “Đơn đề nghị rút đơn khởi kiện” do ông Nguyễn Trường Sơn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Bảo Sơn) ký ngày 03-4-2012 và đã gửi đến TAND TP Hà Nội không nhắc đến việc ông Nguyễn Hữu Khai “chiếm đoạt tài sản”, mà ghi rõ: “Tôi kính đề nghị TAND TP Hà Nội chấp nhận cho rút đơn khởi kiện để chúng tôi có thời gian củng cố thêm tài liệu, chứng cứ phục vụ việc giải quyết vụ án và có thêm thời gian thỏa thuận với bị đơn”.

Qua bài báo này, một lần nữa Tiền Phong mong muốn các cơ quan chức năng giải quyết vụ án Trần Quang Tuất cần thận trọng, tránh hình sự hóa quan hệ dân sự.

Tiền Phong sẽ theo dõi diễn biến vụ án, và tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.