Trò chuyện với tiến sĩ thành công nhất 2013

Trò chuyện với tiến sĩ thành công nhất 2013
TS. Nguyễn Văn Tân, trưởng khoa Quản trị - Kinh tế Quốc tế (Trường ĐH Lạc Hồng) - có lẽ là một trong những giảng viên thành công nhất trong năm 2013, khi hai nhóm sinh viên anh hướng dẫn đều đoạt giải nhất trong cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam.

Ông Tân cho biết:

- Bản thân tôi không gặp khó khăn gì trong việc cùng lúc hướng dẫn hai đề tài, mà áp lực công việc làm tôi phát triển hơn. Tôi tự hào khi sinh viên đạt giải, nhưng cũng suy nghĩ, làm gì để phát huy tài năng của các em, cần tích cực hơn nữa trong việc chăm sóc các em để mang đến lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

- Tại sao ông và sinh viên lựa chọn "lòng trung thành" và "sự hài lòng" - những yếu tố khó định lượng - để nghiên cứu?

Đối với đề tài liên quan tới “lòng trung thành”, thì trong xu thế toàn cầu hóa, vấn đề chảy chất xám, không còn là vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam, mà vấn đề chảy máu chất xám đã xảy ra ngay tại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã xảy ra hiện tượng chảy máu chất xám cho nhau rất lớn, cụ thể là những người bạn của bản thân tôi từ thời học đại học đã nhảy việc rất nhiều lần giữa các doanh nghiệp. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến Lòng trung thành của nhân viên của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Còn đối với đề tài liên quan đến “sự hài lòng”, dù Việt Nam đã có những bước đi đúng cho hệ thống các trường ngoài công lập nhưng các trường đại học ngoài công lập vẫn chưa đạt được những kỳ vọng của xã hội, các doanh nghiệp, đặc biệt là phụ huynh, sinh viên.

Việc nghiên cứu “sự hài lòng” của sinh viên về hệ thống các trường ngoài công lập sẽ là một kênh thông tin giúp cho các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là ban giám hiệu của các trường ngoài công lập nhìn nhận và có những quyết sách phù hợp cho tương lai của hệ thống các trường ngoài công lập.

- Theo Bộ GD-ĐT nhận định, tỉ lệ sinh viên nghiên cứu khoa học ở trường ĐH, học viện chưa cao, nhất là các trường ĐH ngoài công lập. Vậy mà sinh viên Lạc Hồng đã “thắng lớn” với hai giải nhất, một giải nhì và một giải khuyến khích.

Ở đây, nhà trường, và nhất là giáo viên, đóng vai trò như thế nào?

Vai trò của nhà trường là tạo môi trường phù hợp cho sinh viên nghiên cứu.

Vai trò của giảng viên là định hướng cho sinh viên, tạo niềm tin cho sinh viên trong hoạt động khoa học. Nếu cần thiết, sẽ thực hiện thử nghiệm cho sinh viên làm theo.

Ví dụ đối với hai trường hợp tôi vừa hướng dẫn. Với đề tài về “lòng trung thành”, ban đầu khi chọn hướng nghiên cứu này, sinh viên chỉ giới hạn trong phạm vi tại 1 doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai. Người hướng dẫn đã thuyết phục sinh viên nâng tầm đề tài theo hướng mở rộng phạm vi nghiên cứu cho các doanh nghiệp FDI.

Đề tài “sự hài lòng” được sinh viên lựa chọn nghiên cứu nhưng lúc đầu chỉ trong phạm vi tại trường ĐH Lạc Hồng. Người hướng dẫn đã thuyết phục sinh viên nâng tầm đề tài, mở rộng phạm vi nghiên cứu cho các trường ngoài công lập.

- Ông đánh giá như thế nào về tinh thần tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên hiện nay? Ông mong muốn gì ở các em trong hoạt động này?

Nghiên cứu khoa học sinh viên là vấn đề không thể thiếu trong trường đại học một khi yêu cầu phải gắn đào tạo với nhu cầu xã hội. Tiềm năng trong sinh viên là vô cùng lớn. Nếu biết khơi dậy sẽ là tài sản vô giá của quốc gia.

Sinh viên có sức trẻ và sức khỏe, nên dễ dàng tiếp thu cái mới. Chính điều này, tôi nghĩ, tinh thần học hỏi của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học là vô cùng lớn. Đây là yếu tố quan trọng giúp chúng ta dễ dàng triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Thông qua nghiên cứu khoa học, tôi hy vọng sinh viên tự rèn luyện tính trung thực, tính độc lập và tính đồng đội trong công việc.

Và điều tôi mong muốn nhất là sinh viên phải tôn trọng giá trị và biết đứng trên vai của người khác.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Chi Mai

Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG