Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú: Ma trận đầu tư và cơn lốc mất vốn ở PVC

Trụ sở Tổng Cty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam PVC (ảnh lớn). Trịnh Xuân Thanh (ảnh nhỏ)
Trụ sở Tổng Cty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam PVC (ảnh lớn). Trịnh Xuân Thanh (ảnh nhỏ)
TP - Từng là một trong những đơn vị “ngôi sao” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) dưới thời Trịnh Xuân Thanh, dù được ưu ái chỉ định những dự án khủng với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng, vẫn chịu những khoản thua lỗ nặng nề do tình trạng buông lỏng quản lý và đua theo phong trào lập công ty con để tiêu tiền.

Bài 1: Những cỗ máy “tiêu tiền như rác”

Sau khi được bơm hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong 3 năm, PVC với mã chứng khoán PVX chớp mắt trở thành một hàng khủng trên sàn chứng khoán với quy mô đầu tư, sở hữu tới 40 công ty thành viên nhờ đổ ra hơn 86% vốn điều lệ.

Cú trượt chết người

Lần giở những hồ sơ liên quan đến tình hình hoạt động của PVC trong giai đoạn từ 2007 đến tháng 4/2013, thời điểm Trịnh Xuân Thanh làm Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT, không quá khó để lý giải việc vì sao đang từ đơn vị làm ăn có lãi, được hưởng vô vàn ưu đãi từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong việc thực hiện được ưu tiên chỉ định thầu các dự án, công trình khủng của ngành Dầu khí nhưng PVC lại nhanh chóng trở thành “gánh nặng” với chính PVN. Các kết luận thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng về sau cho thấy, chính việc không có năng lực nhưng vẫn bạo tay đầu tư liên doanh liên kết, đổ vốn vô tội vạ vào các dự án, các công ty con và cả thói tiêu hoang vô pháp vô thiên của lãnh đạo PVC và các đơn vị thành viên… đã khiến “kho tiền” của PVC dù được bổ sung liên tục vẫn nhanh chóng cạn kiệt.

Những thông tin Tiền Phong có được cho thấy, hành trình sa lầy của PVC có lẽ sẽ không xảy ra nếu như năm 2008 PVC vẫn chỉ là công ty có vốn điều lệ vỏn vẹn 150 tỷ đồng và không được PVN rót vốn để nâng vốn điều lệ lên tới 1.500 tỷ đồng. Những luồng tiền khủng sau đó, đến từ việc niêm yết 150 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán PVX vào ngày 19/8/2009 và phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 2.500 tỷ đồng vào tháng 7/2010. Điều này khiến PVC nhanh chóng “lụi tàn” chỉ trong vòng 2 năm sau khi công ty đầu tư tràn lan ra nhiều lĩnh vực.

Câu chuyện PVC gặp khó khăn và cần trợ giúp bắt đầu được phát lộ vào cuối năm 2012, đầu năm 2013 khi nhiều dự án mà đơn vị này thi công gặp khó khăn đến mức Hội đồng thành viên PVN đã phải yêu cầu người đại diện vốn tại PVC báo cáo khẩn về tình hình sản xuất kinh doanh thua lỗ. Trong bản báo cáo sau đó, sự thật mới được phơi bày một phần khi lãnh đạo PVC cho biết, đã dùng tới 3.371 tỷ đồng (86% vốn điều lệ) để góp vào 40 công ty thành viên và bảo lãnh vốn cho các đơn vị này. Dù liên tục được PVC góp, hỗ trợ vốn nhưng hàng chục công ty con của đơn vị vẫn trong cảnh thua lỗ với 15 lãnh đạo các đơn vị con bị khởi tố vì các sai phạm. Trong đó, riêng công ty PVC ME bị lỗ tới 576 tỷ đồng, công ty liên kết PVC – Land lỗ 66,4 tỷ đồng, công ty  PVC – Sài Gòn lỗ 85,8 tỷ đồng...

Chịu ảnh hưởng từ sự thua lỗ nặng nề của các công ty con, lợi nhuận sau thuế năm 2012 của PVC bị âm 1.847 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ tới 1.338 tỷ đồng.

Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú: Ma trận đầu tư và cơn lốc mất vốn ở PVC ảnh 1 Dự án nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 do PVC đầu tư.

Vì đâu nên nỗi

Tuy nhiên, sự thật về tình trạng thua lỗ của PVC chỉ được phơi bày hoàn toàn khi đến tháng 9/2013, trong bản báo cáo số 05/XLDK-HĐQT do Chủ tịch HĐQT PVC tại thời điểm này là Bùi Ngọc Thắng (Trịnh Xuân Thanh lúc này đã về Bộ Công Thương) cho biết: Công ty đang là con nợ khủng của nhiều ngân hàng và phải thực hiện một loạt các giải pháp để tái cấu trúc, nếu không sẽ phải đối mặt với phá sản.

Theo bản báo cáo này, tổng số lỗ lũy kế của PVC đã lên tới 3.274 tỷ đồng, trong đó lỗ do sản xuất kinh doanh hơn 137 tỷ đồng, lỗ do trích lập dự phòng hơn 882 tỷ đồng, lỗ do hoạt động tài chính hơn 1.766 tỷ đồng và lỗ do các hoạt động khác hơn 41 tỷ đồng… Về cơ cấu bộ máy, cũng theo người đại diện vốn của PVN tại PVC, đơn vị có tất cả 5 ban điều hành dự án, 15 công ty con, 8 công ty liên kết, 17 công ty đầu tư tài chính. Tổng nợ phải thu của đơn vị tại thời điểm này lên tới hơn 5.115 tỷ đồng, nợ phải trả đạt kỷ lục với 8.992 tỷ đồng. Chỉ tính riêng Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC phải trả PVN tổng cộng 5.039 tỷ đồng, nợ phải trả ngân hàng 1.504 tỷ đồng.

Bản báo cáo gửi trực tiếp các lãnh đạo cao nhất của PVN cũng mổ xẻ những vấn đề dẫn tới PVC sụp đổ là do sai lầm về chiến lược và không tuân thủ các nguyên tắc chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính và quản lý rủi ro trong tất cả các khâu. Đáng chú ý, sai phạm lớn nhất chính là dù hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con nhưng công ty mẹ không tập trung nâng cao năng lực quản trị và năng lực thi công xây lắp, phát triển đội ngũ chuyên gia và công nhân tay nghề cao.

“Công ty chỉ tập trung vào đầu tư tài chính thu phí quản lý từ các dự án, công trình được giao, hoàn toàn dựa vào các công ty con, công ty liên kết, công ty đầu tư tài chính. Các công ty này, trừ các công ty PVC-MS, PVC-IC, PVC-PT, đều không tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của công ty mẹ, không xây dựng bộ máy quản trị, chiến lược kinh doanh đặt trong tổng thể toàn tổng công ty PVC. Chính vì vậy, các đơn vị không những không đóng góp cho công ty mẹ, kể cả cổ tức, mà còn làm phát sinh thêm nghĩa vụ pháp lý, tài chính, ảnh hưởng uy tín và gây thua lỗ cho công ty mẹ”, ông Bùi Ngọc Thắng cho hay.

Để cứu đơn vị khỏi “vũng lầy” cạn kiệt tiền và núi khó khăn, các lãnh đạo của PVC sau thời Trịnh Xuân Thanh đã đề nghị PVN vào cuộc làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để khoanh lại toàn bộ nợ gốc của PVC cũng như các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con. Đồng thời PVC xin gia hạn thời gian trả nợ, xóa toàn bộ các phần lãi suất phải trả. “Kiến nghị PVN cho phép PVC được tiếp tục triển khai các dự án để có cơ hội vượt qua khó khăn, phát triển bền vững mà trước mắt là dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Long Phú và dự án ethanol Phú Thọ. Tập đoàn bảo lãnh để PVC tham gia các gói thầu tại Nghi Sơn và các dự án do tập đoàn và các công ty con làm chủ đầu tư”, lãnh đạo PVC kiến nghị.

Những cú đầu tư đốt tiền tỷ của PVC

Trong số các công ty mà PVC đầu tư, nhiều đơn vị sau vài năm hoạt động đã mất trắng hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể: Công ty Cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC – ME). Chỉ sau 3 năm thành lập (năm 2009) và rót tổng cộng hơn 300 tỷ đồng, ban lãnh đạo PVC-ME đã để mất toàn bộ vốn chủ sở hữu và gánh thêm khoản nợ trên 576 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đã lập “quỹ đen trăm tỷ” để sử dụng vào việc tiếp khách, biếu xén hoặc đi đối ngoại. Trong đó, đáng kể nhất là khoản tiền 550 triệu đồng chi làm sinh nhật bố Trịnh Xuân Thanh hay khoản tiền 350 triệu đồng mua bộ đồ đánh golf cho Trịnh Xuân Thanh.

Ngoài ra PVC còn sử dụng số tiền trên để góp vốn vào 5 công ty con gồm: Cty PVC-MS 102 tỷ đồng, Cty PVC-Land 50 tỷ đồng, Cty PVC-Hoà Bình 55 tỷ đồng, Cty PVNC 30 tỷ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỷ đồng. Sau đó PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ cho 3/5 công ty nói trên do không thu hồi được vốn.

MỚI - NÓNG