Xử vụ thất thoát 543 tỷ đồng tại dự án Ethanol Phú Thọ:

Trịnh Xuân Thanh khai có lãnh đạo góp tiền mua đất Tam Đảo

0:00 / 0:00
0:00
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa
TP - Trước tòa, Trịnh Xuân Thanh khai người nhà của bị cáo đã cùng một số lãnh đạo khác góp tiền mua biệt thự tại Tam Đảo nên việc này không liên quan hợp đồng đã ký với PVC Kinh Bắc.

Lấy tiền công mua đất riêng

Ngày 9/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án thất thoát 543 tỷ đồng tại dự án nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ. Liên quan vụ án, cơ quan truy tố xác định bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Xây lắp Dầu khí (PVC) đã dùng tiền công để mua khu đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Cáo trạng xác định, năm 2009 PVC góp 2,5 tỷ đồng để thành lập PVC Kinh Bắc và ký hợp đồng số 173 cho PVC Kinh Bắc thi công một số hạng mục tại nhà máy Xơ sợi Đình Vũ với giá trị hơn 132 tỷ đồng. Quá trình này, Trịnh Xuân Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch PVC Kinh Bắc việc tìm mua đất xây dựng khu nghỉ dưỡng.

Trịnh Xuân Thanh khai có lãnh đạo góp tiền mua đất Tam Đảo ảnh 1 Khu đất tại Tam Đảo của Trịnh Xuân Thanh

Bị cáo Hồng giới thiệu khu đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo đang được rao bán với giá 23,8 tỷ đồng. Bị cáo Thanh đồng ý và sau đó dùng chức vụ của mình để PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng theo hợp đồng số 173 nói trên nhằm có tiền mua đất dù việc này trái hợp đồng.

Đến năm 2010, các bị cáo Thanh, Hồng bàn bạc việc tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ lên 150 tỷ đồng. Do các cổ đông khác góp được 129 tỷ đồng, bị cáo Hồng gửi văn bản đề nghị PVC góp 21 tỷ đồng còn lại cho đủ 150 tỷ đồng.

Trịnh Xuân Thanh sau đó lợi dụng việc góp vốn để hợp thức hóa 25 tỷ đồng tiền mua đất Tam Đảo. Song song, Trịnh Xuân Thanh lập Cty Mai Phương, nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên và dùng doanh nghiệp này mua lại khu đất 3.400m2 trên của PVC Kinh Bắc với giá đúng 23,8 tỷ đồng nhưng nợ lại 3 tỷ đồng, đến nay chưa thanh toán. Năm 2016,  khu đất được vợ Trịnh Xuân Thanh bán cho người khác với giá 45 tỷ đồng.

Có lãnh đạo góp tiền mua đất

Cơ quan truy tố cho rằng, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng tiền góp vốn của PVC vào PVC Kinh Bắc để mua khu đất tại Tam Đảo. Đến năm 2020, các cơ quan giám định kết luận phần vốn trị giá 21 tỷ đồng của PVC tại PVC Kinh Bắc chỉ còn giá trị hơn 7,7 tỷ đồng, tức việc ông Thanh mua đất khiến PVC thua lỗ hơn 13,2 tỷ đồng.

Năm 2019, Đỗ Văn Hồng nhận 13 năm tù vì hành vi cố ý làm trái tại dự án Xơ sợi Dầu khí và trong vụ án này Hồng tiếp tục bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tại tòa, Đỗ Văn Hồng thừa nhận đã bán khu đất tại Tam Đảo nói trên cho gia đình ông Thanh và đến nay, vẫn bị nợ 3 tỷ đồng. Kiểm sát viên đặt câu hỏi, tại sao không đòi số tiền này, bị cáo Hồng đáp: “Tôi có đòi ông Trịnh Xuân Giới và ông ấy hứa sẽ trả làm 2 lần nhưng chỉ nói chuyện, không đòi bằng văn bản”.

Kiểm sát viên dẫn lời khai tại giai đoạn điều tra thể hiện, ông Hồng từng khai không dám đòi tiền Trịnh Xuân Thanh vì vị trí của người này quá cao. Đỗ Văn Hồng lý giải: “Khi đó, điều tra viên hỏi tôi sao không kiện đòi tiền hoặc áp dụng các biện pháp dân sự khác, tôi trả lời vị trí của ông Thanh cao nên tôi không kiện”.

Cũng trả lời tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh phủ nhận vai trò của mình trong việc bàn bạc với Đỗ Văn Hồng tìm mua đất tại Tam Đảo. Ông Thanh khai, bị cáo Hồng định mua đất để đầu tư dự án sinh lợi nhưng chưa triển khai.

Năm 2016, Trịnh Xuân Thanh lên Tam Đảo chơi và biết việc Cty của Hồng gặp khó khăn nên về nói với vợ huy động bạn bè giúp mua lại khu đất này. Bị cáo Thanh khẳng định những người mua 3.400m2 đất này gồm vợ và em trai của Thanh, một lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và một lãnh đạo của một tổng cục.

Do đó, Trịnh Xuân Thanh cho rằng việc mua đất không liên quan đến mình và khẳng định với vị trí Chủ tịch PVC, bị cáo không cần phải nợ tiền Đỗ Văn Hồng. “Với vị trí của tôi, tôi hoàn toàn có thể lấy tiền của Hồng nên không phải nợ, bảo mày đưa tao 5 tỷ cũng không ai biết”, bị cáo Thanh nói.

Kiểm sát viên đặt câu hỏi, tại sao không đòi số tiền này, bị cáo Hồng đáp: “Tôi có đòi ông Trịnh Xuân Giới và ông ấy hứa sẽ trả làm 2 lần nhưng chỉ nói chuyện, không đòi bằng văn bản”. Kiểm sát viên dẫn lời khai tại giai đoạn điều tra thể hiện, ông Hồng từng khai không dám đòi tiền Trịnh Xuân Thanh vì vị trí của người này quá cao. Đỗ Văn Hồng lý giải: “Khi đó, điều tra viên hỏi tôi sao không kiện đòi tiền hoặc áp dụng các biện pháp dân sự khác, tôi trả lời vị trí của ông Thanh cao nên tôi không  kiện”.

MỚI - NÓNG