Triệu phú phong lan

Triệu phú phong lan
TP - Sinh ra trong một gia đình thuần nông, mẹ mất sớm, chàng trai Phạm Minh Tuấn (sinh năm 1984, ở tại khu phố 7, thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên, Bình Dương) vừa tích cóp từng đồng làm thêm để trang trải cho việc học, vừa ấp ủ ước mơ khởi nghiệp làm giàu.

Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng sinh viên ngành Hóa đã có niềm đam mê chẳng dính líu gì đến môn học: làm vườn. Một ngày, có người chú họ mang từ trên núi về mấy giò phong lan. Tuấn thích quá xin mang về nhà chăm sóc.

Sau một thời gian, phong lan nở hoa đẹp đến nỗi nhiều người chơi cây cảnh trong vườn nghe tiếng tìm đến mua cho bằng được. Những đồng tiền kiếm được bằng công chăm sóc của mình khiến ý tưởng khởi nghiệp bằng cây phong lan nảy sinh trong đầu Tuấn. Gom góp từng đồng tiết kiệm được, Tuấn dành hết mua phong lan về chăm sóc rồi bán lại kiếm lời và cũng để tích lũy thêm kinh nghiệm trồng phong lan…

Năm 2008, sau khi tham gia lớp tập huấn về trồng phong lan do hội Liên hiệp thanh niên địa phương tổ chức, Tuấn quyết định dành hết số tiền dành dụm để mua gần 500 chậu phong lan. Do đã có sẵn các "mối" quen biết nên vườn phong lan của Tuấn luôn trong tình trạng "cháy hàng". 500 giò phong lan mang lại số vốn đáng kể, Tuấn tiếp tục nhập về thêm 2.000 cây với số tiền 20 triệu đồng.

Ngoài các loài lan phổ biến như Denro, Catteya, Vũ nữ, Thủy tiên, Ngọc điểm…, Tuấn còn tìm tòi học hỏi từ những người chơi lan có kinh nghiệm để lai tạo ra các giống lan mới. Qua bàn tay vàng của Tuấn, những giò phong lan không chỉ đến được với những người chơi cây cảnh trong vùng mà còn xuất sang các tỉnh lân cận, đến cả những nơi được coi là "thiên đường" của hoa như Lâm Đồng, Gia Lai…

Ngoài việc tập trung làm giàu từ cây phong lan, Phạm Minh Tuấn còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một Bí thư chi đoàn. Chuyện chàng Bí thư khu phố sau 2 năm đã trở thành triệu phú phong lan khiến đoàn viên trong địa bàn và cả các vùng lân cận tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Nhận thấy cần quy tụ các bạn đoàn viên có ước mơ lập nghiệp, Tuấn thành lập tổ Hợp tác, gồm các bạn thanh niên làm nông nghiệp để giúp đỡ nhau trong sản xuất.

"Các bạn trẻ trong đội đều đang bước đầu khởi nghiệp, người trồng lan, người làm vườn cao su, người chăn nuôi…, nếu làm ăn một mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì các bạn cũng còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm, vốn liếng. Tổ hợp tác lập ra để mọi người cùng hỗ trợ nhau những lúc cần thiết như thiếu nhân công lao động, cần góp vốn…

Lúc đó mọi người sẽ bàn cách để giúp đỡ", Tuấn cho biết. Mỗi khi có chương trình bồi dưỡng, tập huấn, Tuấn đều vận động hỗ trợ anh em đi học hỏi thêm kiến thức. Khi thành viên nào gặp khó khăn hoặc đến mùa thu hoạch, anh em trong đội lại tập trung về thêm tay, thêm sức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.