Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn TP. Cần Thơ, triều cường sáng nay (12/10) ở Cần Thơ đo được trên sông Hậu là 2,20m (vượt báo động III 0,20m) làm nhiều tuyến đường trong nội ô TP. Cần Thơ tiếp tục ngập sâu.
Đây là ngày thứ 4 triều cường vượt báo động III. |
Đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ ngập sâu. |
Đáng chú ý, tại Bệnh viện Tim Mạch TP. Cần Thơ (đường Trần Hưng Đạo, phường An Nghiệp) bị ngập nặng. Trước cổng bệnh viện, lực lượng công an, bảo vệ dân phố, Đoàn viên thanh niên luôn túc trực để điều tiết giao thông, hỗ trợ, hướng dẫn người dân di chuyển qua khu vực này.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Võ Hồng Sở - Giám đốc Bệnh viện Tim Mạch TP. Cần Thơ cho biết, đây là ngày thứ 3 triều cường dâng cao khiến nước tràn vào trong bệnh viện, gây ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh.
Tại Bệnh viện Tim Mạch Tp. Cần Thơ, lực lượng đoàn viên, dân quân tự vệ luôn túc trực hỗ trợ người dân. |
“Nhân viên của bệnh viện dùng bao cát để che chắn nước; riêng các Khoa có máy móc phục vụ công tác chuyên môn, chúng tôi cho kê cao lên để tránh bị thiệt hại. Hiện có khoảng 60 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại đây, trong đó có 5 phòng bị ngập nặng khiến cho việc sinh hoạt của người bệnh bị ảnh hưởng. Ngoài việc che chắn, chúng tôi cũng bố trí nhiều máy bơm để bơm nước ra ngoài, cũng như bố trí người đứng trước cổng bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân đến khám bệnh”, ông Sở nói.
Hỗ trợ người dân qua những chỗ ngập sâu. |
Bên trong Bệnh viện Tim Mạch Cần Thơ. |
Nước dâng cao tràn vào bên trong bệnh viện. |
Dùng bao cát che chắn nước. |
Một người nuôi bệnh tại đây cho biết, nước dâng cao buổi sáng – chiều làm cả phòng ngập nặng.
“Sàn bị ngập khiến cho việc nghỉ ngơi của người nuôi bệnh như tụi tôi vất vả lắm. Do đó, mấy ngày nay, tôi nằm ngủ chung trên giường bệnh với người thân. Bây giờ mình phải chấp nhận sống chung với triều cường trong vài ngày chứ biết làm sao”, người nhà bệnh nhân bộc bạch.
Người dân đến khám bệnh bì bõm trong nước. |
Không riêng người bệnh và người nuôi bệnh tại Bệnh viện Tim Mạch TP. Cần Thơ mà người dân mưu sinh trên đường phố cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Nước dâng cao khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn. |
Bà Trần Thị Tuyết (61 tuổi), người dân bán vé số dạo sinh sống trong con hẻm nhỏ (đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều) cho biết, khoảng 4 – 5 giờ sáng là nước dâng cao khiến người dân lao động sinh sống tại đây bị ảnh hưởng.
“Nước lên cao đi lại khó khăn lắm chú ơi. Sáng nào tôi cũng đợi nước rút bớt mới dám đi bán. Ráng vài ngày nữa là hết để người dân tụi tôi đi bán được dễ dàng. Tôi sống ở đây từ nhỏ đến lớn, nhưng chưa có năm nào như năm nay ngập kinh khủng như vậy", bà Tuyến nói.
Lực lượng cứu hộ hỗ trợ xe máy bị ngập nước. Ảnh: Nhật Huy. |
Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, để ứng phó với đợt triều cường dâng cao năm nay, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP đã tăng cường tất cả các thành viên, lực lượng của thành phố xuống các cơ sở hỗ trợ các địa phương, chủ yếu là quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ để chống ngập lụt đô thị.
Một số nhà dân tại huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ bị ngập. |
“Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường lực lượng cho các quận, huyện để hỗ trợ các địa phương phòng chống sạt lở đê bao để bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa màu, lúa... của người dân chưa thu hoạch", Phó Chủ tịch UBND TP thông tin.
Nhận định từ Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lũ đầu nguồn có khả năng xuất hiện vào trung tuần tháng 10, tại Tân Châu dao động ở mức 3,5 - 3,7 m, xấp xỉ và trên mức báo động 1 khoảng 20cm, cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 70 đến 90 cm. Và đỉnh lũ năm 2022 ở mức xấp xỉ và cao hơn mức báo động 1, tuy nhiên vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng sẽ cao hơn năm 2021.
Theo dự báo lũ kết hợp triều cường có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Đồng Tháp với diện tích 477 ha, Hậu Giang với diện tích 28.234 ha, Tiền Giang diện tích bị ảnh hưởng 43 ha, TP. Cần Thơ với khoảng 8.197 ha, Vĩnh Long hơn 12.940 ha và tỉnh Kiên Giang với diện tích 3.499 ha.