Triệt phá nhiều vụ ma túy, buôn lậu

Lực lượng hải quan Quảng Trị phát hiện lô hàng lậu cất giấu tinh vi trên xe gia cố ngày 4/7 tại Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Lực lượng hải quan Quảng Trị phát hiện lô hàng lậu cất giấu tinh vi trên xe gia cố ngày 4/7 tại Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TP - Với sự phối hợp kịp thời, 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng hải quan và biên phòng trên cả nước triệt phá nhiều vụ ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại.

Triệt phá 68 vụ buôn lậu, ma túy với 72 đối tượng

Theo thống kê từ Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), 6 tháng đầu năm 2017, tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trong đó, lực lượng biên phòng và hải quan đã phối hợp xác lập 2 chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy, bắt giữ 68 vụ buôn lậu ma túy với 72 đối tượng. Riêng về ma túy, hai bên đã bắt giữ 12 đối tượng, thu 2.924 viên và 12,3kg ma túy tổng hợp, 10kg thuốc phiện, 1 ô tô cùng nhiều tang vật liên quan khác.

Cũng theo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, hoạt động mua bán vận chuyển ma túy từ Trung Quốc vào Việt Nam qua khu vực biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh vào địa bàn Tây Nguyên, TPHCM tiêu thụ có dấu hiệu gia tăng. Không những thế, các đường dây tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia đang tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, vận chuyển ma túy với số lượng lớn…Đặc biệt, theo thống kê, trên 90% ma túy tiêu thụ tại Việt Nam được đưa vào từ nước ngoài, trọng điểm là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Đây là các địa phương dễ thông thương với vùng “Tam giác vàng” – một trong những tụ điểm chính sản xuất ma túy của thế giới. Các yếu tố nhạy cảm về dân cư, tập quán khiến cho cuộc chiến chống ma túy trên suốt chiều dài biên giới miền Trung vô cùng gian nan.

Tại Quảng Trị, ông Đinh Ngọc Thanh, Cục Phó Cục Hải quan tỉnh này cho biết, địa phương đặc biệt phức tạp nhất về nạn buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy của Quảng Trị là khu vực biên giới thuộc huyện Hướng Hóa, nổi cộm hơn cả tại xã Tân Thành và thị trấn Lao Bảo. Các đối tượng lợi dụng việc một số người dân thường xuyên qua lại biên giới làm ăn, khách du lịch, Việt kiều về quê ăn tết, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu để đưa ma túy, hàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam. Thủ đoạn phổ biến nhất của giới buôn lậu là cất giấu ma túy, hàng lậu trong các loại hàng hóa cồng kềnh, các xe gia cố, trong hành lý...gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra. Đối tượng vi phạm về ma túy chủ yếu là các con nghiện trên địa bàn huyện Hướng Hóa, một số khác là người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Lào. Trong khi đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa chủ yếu là lái xe, chủ xe khách, một số cư dân biên giới...Điển hình, vào 21h15 ngày 10/6, tại Km36+560, quốc lộ 9, tỉnh Quảng Trị, đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) và các lực lượng thuộc Công an tỉnh Quảng Trị bắt quả tang đối tượng Lê Công Tình (SN 1991, trú tại TP Đông Hà) về hành vi tàng trữ, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm 5.400 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng ngắn cùng 7 viên đạn, 1 xe máy và 2 điện thoại di động. Đấu tranh mở rộng, lực lượng chức năng thu giữ thêm 48 triệu đồng cùng 6 viên ma túy tổng hợp, bắt giữ thêm 2 đối tượng liên quan.

Về nạn buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trên các tuyến biên giới, theo Cục phòng chống ma túy và tội phạm, tại tuyến biên giới đường bộ như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang và An Giang các đối tượng vận chuyển hàng hóa nhập lậu chủ yếu là thuốc lá, đường, rượu, bia, nước ngọt, pháo nổ, gia cầm, hàng điện tử, có chiều hướng gia tăng. Riêng mặt hàng xăng dầu, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép với quy mô, số lượng lớn vẫn diễn ra trên vùng biển các tỉnh Phú Yên, Bà Rịa- Vũng Tàu, TPHCM, Tiền Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trực tiếp liên lạc, móc nối với các chủ tàu thỏa thuận vận chuyển hàng… Ngoài ra, nạn buôn lậu động vật hoang dã từ các nước châu Phi về Việt Nam vẫn gia tăng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Cần trao đổi thông tin, phối hợp hiệu quả hơn

Thực tế, theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), từ 2012-2017, hải quan và biên phòng đã phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm...Hoạt động phối hợp phải phù hợp với quy định pháp luật, tuân thủ Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi lực lượng. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, cả Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đều thừa nhận công tác phối hợp nhiều lúc chưa được thống nhất, đồng bộ. Việc trao đổi thông tin về các đối tượng tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy giữa hai lực lượng đôi lúc chưa kịp thời. 

Do đó, từ nay đến cuối năm, cả hai bên xác định cần chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phối hợp theo hướng cụ thể, thiết thực hơn, trong đó, tập trung thu thập điều tra, xác minh tội phạm cụ thể, phục vụ xác lập chuyên án chung. Đặc biệt, có kế hoạch điều tra, khảo sát tuyến, chuyên đề trọng điểm, tập trung tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại.

Thủ đoạn phổ biến nhất của giới buôn lậu là cất giấu ma túy, hàng lậu trong các loại hàng hóa cồng kềnh, các xe gia cố, trong hành lý... 

MỚI - NÓNG